Tràn lan giấy thanh toán bảo hiểm xã hội ở... hiệu thuốc Tây

Hàng loạt tiệm thuốc tây ở khu vực giáp ranh Bình Dương và quận Thủ Đức, TPHCM làm giả, mua bán giấy nghỉ bệnh để trục lợi.

Nhiều người mua loại giấy này để vừa nghỉ việc vừa được công ty thanh toán tiền, khiến tình hình sản xuất của nhiều doanh nghiệp xáo trộn, quỹ Bảo hiểm xã hội (BHXH) bị thất thoát…

Tràn lan giấy thanh toán bảo hiểm xã hội ở... hiệu thuốc Tây - 1

Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH được “giao dịch” tràn lan tại các hiệu thuốc khu vực giáp ranh Bình Dương và quận Thủ Đức (TPHCM).

 

Giấy bệnh viện bán ở… tiệm thuốc

 

Theo quy định, giấy chứng nhận nghỉ bệnh hưởng BHXH (C65-HD) do cơ quan BHXH cấp cho các bệnh viện. Sau đó các y, bác sĩ của những cơ sở này sẽ xác nhận bệnh và thời gian nghỉ cho những người bệnh tham gia  Bảo hiểm y tế (BHYT) và họ sẽ được cơ quan BHXH thanh toán lại 75% mức lương cơ bản/ngày.

 

Qua thông tin của các công nhân làm việc ở KCN Linh Trung II, tôi gọi điện cho một “đầu mối” có số điện thoại 0908.09…, một cô gái  nhanh chóng bắt máy và trả lời gọn lỏn: “Nhà thuốc Hoàng Long đây, anh muốn thì ghé ngay đi, em tên là Tuyền”. Nói đoạn, cô này nhiệt tình chỉ đường cho chúng tôi đến tiệm thuốc của cô nằm đối diện Công ty giày Thái Bình, Bình Dương, địa chỉ số 1/9, Bình Đường II, Dĩ An, Bình Dương.

 

Cảnh mua bán tại nhà thuốc này khá tấp nập, theo quan sát của chúng tôi chưa đến 10 phút mà có đến 5 công nhân vào đây hỏi mua loại giấy này. Quay sang tôi, cô gái bán thuốc tên Tuyền sốt sắng hỏi: “Anh làm ở công ty nào, có thẻ BHYT không?. Nếu lấy một ngày thì 50.000 đồng, hai ngày 70.000 đồng, ba ngày 100.000 đồng, còn lấy 10 ngày thì em “khuyến mãi” với giá là 280.000 đồng". Cô cũng cho biết là sẽ “hợp thức hóa” bằng cách  cắt căn bệnh thủy đậu cho tôi, tiệm của cô toàn bán giấy của BV Hoàn Hảo, Bình Dương.

 

Chúng tôi qua tiệm thuốc tây Khai Tâm trên đường số 1, Dĩ An, Bình Dương. Cô nhân viên tên Tâm cho biết: “Ở đây bán một tờ 30.000 đồng trong ba ngày, nếu muốn nghỉ nhiều hơn thì mua nhiều tờ”. Chúng tôi mua một tờ có chữ ký của BS Lê Thị Dung và đóng dấu đỏ mang tên BVĐK Hoàn Hảo. Cô gái này còn khẳng định, công nhân các công ty quanh đây và cả bên quận 2 TPHCM cũng toàn lấy “hàng” của bọn em.

 

Theo quan sát, chỉ một đoạn đường Bình Đường II và quanh khu vực cầu vượt Sóng Thần mà có đến cả trăm nhà thuốc tây. Tại tiệm thuốc tây Kim Yến trên đường Bình Đường III, anh thanh niên bán thuốc hồ hởi: “Ở đây bán đủ loại giấy, từ giấy khám sức khỏe, hồ sơ xin việc, giấy nghỉ ốm hưởng BHXH… nhưng chị gái em vừa ra ngoài, anh chờ chút nữa chị về sẽ bán”. Anh chàng này cũng cho biết là chị gái mình đang là bác sĩ làm tại bệnh viện, nên có thể đảm bảo giấy này là “thật”.

 

Doanh nghiệp và quỹ BHXH ảnh hưởng

 

Nói với chúng tôi về thực trạng này, ông Bùi Hữu Phong, Giám đốc BHXH Bình Dương cho biết, để đối phó tình trạng này, từ đầu năm 2011 BHXH đã thay đổi cách in (có chữ nổi của số seri, hoa văn chìm…). Nhưng ông Phong cũng thừa nhận, các mẫu giấy giả này nếu trong hệ thống BHXH Bình Dương thì phát hiện được, còn đem ra thanh toán ở BHXH các tỉnh khác thì rất khó nhận biết.

 

Ông Phạm Văn Tứ, Tổng giám đốc BVĐK Hoàn Hảo khẳng định: Các mẫu giấy và con dấu vuông không phải của BVĐK Hoàn Hảo và các bác sĩ ký tên trên giấy là Bạch Thị Thu Hà, Nguyễn Văn Hùng, Phạm Đoàn Ngọc Hà không làm ở BV Hoàn Hảo. “Các giấy này là giả mạo”, ông này quả quyết và kể trước đây BV Hoàn Hảo cũng đã cho nhân viên đến các nhà thuốc để điều tra nhưng bị nhóm người nhà vác dao đòi… chém, nên thôi.

 

BHXH TPHCM cho biết, cơ quan này vừa phát hiện trên 300 giấy nghỉ bệnh giả như vậy, hiện đang tiến hành xác minh, một mặt thông báo với các DN trên địa bàn về tình trạng này và một số cách phân biệt. Ông Cao Văn Sang, Giám đốc BHXH thành phố thừa nhận, tình trạng trên gây thất thoát quỹ BHXH và ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình sản xuất của DN. Tuy nhiên để hạn chế việc này không phải là vấn đề dễ làm, cần phải triệt phá tận gốc những điểm làm giả, cung cấp loại giấy này.

 

Nhiều trưởng phòng nhân sự các công ty xác nhận: Có thời điểm hàng trăm công nhân bỗng nhiên… “ốm” đã khiến quá trình sản xuất của DN đình trệ, phía quỹ BHXH sẽ bị thất thoát vì phải thanh toán khoản vô lý này.

 

Trước thực trạng trên, đề nghị Thanh tra y tế tỉnh Bình Dương và các cơ quan chức năng sớm làm việc với các nhà thuốc vi phạm, điều tra các tổ chức cá nhân có dấu hiệu làm giả, gian lận giấy tờ gây thiệt hại đến tài sản Nhà nước, đến hoạt động sản xuất của nhiều DN.

 

Theo Lam Sơn

Pháp luật Việt Nam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm