Tràn lan đông dược không rõ nguồn gốc
Sau vụ hàng chục người nguy kịch vì uống thuốc đông y không rõ nguồn gốc; ngành chức năng Cần Thơ tiếp tục kiểm tra và thu giữ một lượng lớn loại thuốc tương tự. Người dân và dư luận đang rất hoang mang bởi hiện nay, nhiều loại đông dược không rõ nguồn gốc được bán tràn lan trên thị trường với những lời quảng cáo trị bệnh như “thần dược”…
Hàng trăm ngàn viên thuốc “lậu”
Thanh tra Sở Y tế Cần Thơ vừa phối hợp với các đơn vị có liên quan tiến hành kiểm tra cơ sở của bà Lê Kim Hoa (52 tuổi, ở ấp Thới Tân A, xã Trường Thắng, huyện Thới Lai), qua đó phát hiện và tịch thu 312.600 viên thuốc đông dược thành phẩm, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Loại thuốc này được đóng thành nhiều gói mang tên “Thuốc gia truyền trị tiểu đường Chánh Đức”.
Đoàn kiểm tra đã tạm giữ số thuốc trên cùng với 3 máy ép cầm tay, 1 máy ép bọc, màu thực phẩm, 2 con dấu tên “Nguyễn Văn Hòa” và “Cơ sở thuốc gia truyền Chánh Đức” và một số hóa đơn chuyển hàng đi các nơi như: Khánh Hòa, Thanh Hóa, Tiền Giang, TP.Hồ Chí Minh… Bước đầu, cơ sở bà Hoa cho biết, số thuốc trên nhập về (chưa rõ địa chỉ) rồi phân ra thành những bịch nhỏ, đựng trong keo nhỏ để bán cho những người có nhu cầu. Hiện tất cả các tang vật đều được niêm phong và đưa về cơ quan công an xã Trường Thắng để tạm giữ, chờ xử lý. Cơ sở của bà Hoa không có bảng hiệu, không có giấy phép hoạt động, những người làm việc tại cơ sở cũng không có chứng chỉ hành nghề.
Trước đó, đoàn kiểm tra liên ngành của quận Ô Môn (TP.Cần Thơ) cũng đã kiểm tra nhà bà Lâm Kim Xuyến (72 tuổi, ở phường Phước Thới, quận Ô Môn), qua đó, phát hiện và tịch thu 114.000 viên thuốc đông dược thành phẩm không rõ nguồn gốc. Thời điểm kiểm tra, bà Xuyến cho biết, thuốc “gia truyền” của bà trị các bệnh tiểu đường, viêm thấp khớp, gút, đau bao tử, mát gan giải độc, viêm mũi. Nhiều người sau khi dùng thuốc của bà Xuyến đã bị biến chứng nặng, nhập viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. Bước đầu, bà Xuyến cho biết, lấy thuốc từ An Giang về bán, lần gần nhất, bà lấy thuốc với giá 5 triệu đồng.
Theo tìm hiểu của PV, cơ sở bà Hoa hoạt động khoảng 2 năm nay. Một số trang mạng có đăng tải thông tin bán thuốc của cơ sở này với những dòng quảng cáo: “Thuốc gia truyền đặc trị bệnh tiểu đường Chánh Đức.
Thuốc do lương y: Thích Thiện Tĩnh nghiên cứu, bào chế với liệu pháp kích thích tuyến tụy sản xuất ínsulin cho cơ thể, đây là giải pháp hoàn hảo nhất cho bệnh nhân bị tiểu đường tuyp 2. Thuốc được bào chế hoàn toàn bằng thảo dược nên rất tốt cho người sử dụng, không gây ra tác dụng phụ, ngăn ngừa biến chứng, kiểm soát tốt đường huyết, cải thiện chất lượng cuộc sống”.
Đặc biệt, số thuốc vừa bị tịch thu rất giống với số thuốc của bà Xuyến ở quận Ô Môn, gồm 3 màu: Xanh, đỏ và xám. Ngành chức năng đang làm rõ liệu cơ sở bà Hoa và bà Xuyến có liên hệ gì với nhau hay không?.
Không có chuyện “thần dược” trị dứt tiểu đường
Trên địa bàn Cần Thơ, hiện có khoảng 1.000 cơ sở, tiệm thuốc đông dược. Bên cạnh đó là rất nhiều những cơ sở kinh doanh theo kiểu “tại gia”, không giấy phép, chứng chỉ hành nghề. Đó là chưa kể thuốc đông dược đang được bán tràn lan trên các trang mạng. Trong khi đó, những người mắc bệnh nan y hoặc khó điều trị thường mang tâm lý “còn cơ hội thì cứ thử”, nên họ sẵn sàng mua thuốc dùng thử.
Anh T. (huyện Bình Minh, Vĩnh Long) cho biết: Gia đình anh có người thân mắc bệnh tiểu đường, dạo trước, nghe người quen giới thiệu, anh đã tìm mua loại đông dược trị bệnh tiểu đường tại 1 tiệm thuốc ở quận Ninh Kiều, Cần Thơ. Mấy ngày qua, nghe thông tin nhiều người nguy kịch vì dùng đông dược không rõ nguồn gốc, anh rất hoang mang. “Loại thuốc tôi mua có màu vàng, trên bao bì không ghi nguồn gốc, năm sản xuất, thành phần bào chế… Người nhà tôi dùng thuốc đến nay vẫn hiệu quả, nhưng giờ rất hoang mang, lo lắng”.
Ông Trần Trường Chinh - Phó Chánh Thanh tra Sở Y tế TP.Cần Thơ - cho biết: Sau khi đoàn liên ngành tịch thu số thuốc của bà Xuyến và bà Hoa, nhiều người dân tỏ ra rất hoang mang đã gọi điện đến sở, và cả lãnh đạo sở phản ánh về việc họ đang dùng những loại thuốc đông y tương tự, không rõ nguồn gốc, và đề nghị sở tiến hành kiểm tra những nơi bán. Hiện, chúng tôi đã gửi các mẫu thuốc đi kiểm nghiệm, đồng thời phối hợp chặt chẽ với công an để làm rõ vụ việc.
Theo các chuyên gia y tế, hiện nay không có loại thuốc nào, dù tây y hay đông y, có thể điều trị dứt điểm đối với bệnh lý tiểu đường. Người bệnh nên đến cơ sở y tế, bệnh viện, chuyên khoa để được các bác sĩ hướng dẫn điều trị, không nên sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nhất là các loại thuốc gia truyền chưa được kiểm định về tác dụng.
Trong năm 2017, Trung tâm kiểm nghiệp thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm TP.Cần Thơ đã kiểm nghiệm 2.019 mẫu thuốc, trong đó có 1.073 mẫu lấy (chủ động lấy về); 946 mẫu gửi (do các cơ sở kinh doanh gửi về); qua đó phát hiện 50 mẫu thuốc không đạt chất lượng.
Theo Trần Lưu
Lao động