Trạm y tế phường chữa được bệnh... HIV

Khẳng định điều trị khỏi nhiều loại bệnh thế giới “bó tay” như ung thư, đái tháo đường, HIV..., nhóm “lương y” của phòng y học cổ truyền trạm y tế phường Long Thạnh Mỹ, Q.9, TP.HCM đã dụ được nhiều bệnh nhân đến điều trị với giá cắt cổ.

Bà Gìn và ông Hải ngồi tiếp bệnh nhân tại trạm y tế phường Long Thạnh Mỹ, quận 9 - Ảnh: Hải Triều

Bà Gìn và ông Hải ngồi tiếp bệnh nhân tại trạm y tế phường Long Thạnh Mỹ, quận 9 - Ảnh: Hải Triều

 

Khoảng 10h một ngày tháng 8, trong phòng khám y học cổ truyền của trạm y tế phường Long Thạnh Mỹ, Q.9 có bác sĩ Đỗ Văn Duân, 67 tuổi (phụ trách phòng khám - PV) và bà Nguyễn Thị Gìn, 56 tuổi, nhân viên phòng khám. Trong phòng khám để một bàn khách, trên chiếc kệ đặt sát tường xếp những hộp giấy đựng các vị thuốc và ngay phía sau là khu vực nấu ăn.

 

“Thế giới bỏ, chúng tôi nhận”

 

Không cần đăng ký khám bệnh, đóng tiền như các cơ sở y tế công lập khác, bệnh nhân đến phòng khám được dẫn vào điều trị ngay. Thấy bệnh nhân đến, bác sĩ Duân bảo bệnh nhân nằm trên chiếc giường cạnh đó và lấy ống nghe khám bệnh. Trong lúc đó, bà Gìn tranh thủ quảng cáo để lấy lòng tin của người nhà bệnh nhân. Bà khoe: “Ở đây chúng tôi chữa bệnh uy tín, điều trị tận gốc, đánh tận ngọn... Bệnh nào thế giới bỏ, chúng tôi nhận”. Những bệnh như ung thư máu, ung thư gan, liệt hay bệnh tim, gan, phổi... bà Gìn khẳng định đều trị được hết.

 

Bà Gìn chỉ vào tấm bảng kính trưng hình nhiều bệnh nhân được cho là đã điều trị tại phòng khám và kể đây là những bệnh nhân mắc các bệnh khó và đều được hội của bà chữa khỏi. Hội của bà gồm 7 người, ngoài ông Duân, ông Hải và bà còn những người khác nữa nhưng ít khi có mặt tại phòng khám vì thường phải chạy đến tận nhà người bệnh điều trị. Bà Gìn nhấn mạnh chỗ này chỉ là trạm xá nhỏ nhưng những trường hợp này đều đã được “đưa lên Bộ Y tế để nghiên cứu”.

 

Liếc bệnh nhân một cái, bà Gìn phán ngay bệnh này mà đến bệnh viện thì chỉ chờ chết thôi. Ở đây sẽ điều trị hết bệnh nhưng chuyện bệnh có tái phát hay không còn phụ thuộc việc gia đình có đủ điều kiện theo chữa bệnh hay không. Khi chúng tôi thắc mắc sao mới nhìn đã biết bệnh nhân mắc bệnh ung thư máu, bà Gìn giới thiệu bà là nhà ngoại cảm, không cần đến máy móc, chỉ cần nhìn mặt bệnh nhân là biết bệnh!

 

Đúng lúc này một người đàn ông khoảng 40 tuổi, mặc đồ thường bước vào phòng cùng khám bệnh với bác sĩ Duân. Bà Gìn giới thiệu đây là bác sĩ Hải, người chỉ huy và quyết định điều trị ở đây. Ông Hải lắc đầu nói: bệnh nhân đã mắc bệnh quá nặng, đã bị suy tim độ 3, gan, lá lách to... Bệnh này càng giải quyết chậm ngày nào càng nguy hiểm đến tính mạng ngày đó vì hồng cầu sắp tiêu tan hết rồi (!). Sau đó, bà Gìn và ông Hải quay sang nói với chúng tôi sắp đến giờ ăn cơm trưa nên người nhà đưa bệnh nhân về nhà riêng của “bác sĩ” Hải để được khám bệnh và đưa ra cách điều trị.

 

Nhà “bác sĩ” Hải nằm trong một con hẻm cách trạm y tế này gần một cây số. Bên ngoài cửa kính ngôi nhà cấp 4 này in chữ màu đỏ hội lương y và số điện thoại di động của “bác sĩ” Hải. Trong nhà có một phòng nhỏ kê hai chiếc giường, nơi dành cho bệnh nhân chờ khám bệnh hoặc nằm lại điều trị.

 

Gần 14h, “bác sĩ” Hải cầm ống nghe, sờ nắn người bệnh và chẩn đoán bệnh nhân cần phải mổ lá lách gấp, chứ không sẽ không sống được. Còn mổ như thế nào ông sẽ sắp xếp với bệnh viện vì “anh không can thiệp thì không ai dám giải quyết”. Ông Hải khoe bệnh viện nào trong TP ông cũng quen, muốn vào bệnh viện nào ông cũng sắp xếp cho vào được. Ông Hải nói ngay trong phòng y học cổ truyền của trạm y tế ông cũng là người quyết định mọi chuyện, ai làm sai ông sẽ kỷ luật hết. Cũng như bà Gìn, ông quảng cáo bệnh nào thế giới chê ông đều điều trị khỏi như ung thư, tiểu đường, thậm chí ngay cả HIV.

 

Trả lại một phần tiền nếu không kiện

 
“Bác sĩ” Hải khám cho bệnh nhân tại phòng y học cổ truyền trạm y tế phường Long Thạnh Mỹ

“Bác sĩ” Hải khám cho bệnh nhân tại phòng y học cổ truyền trạm y tế phường Long Thạnh Mỹ
 
Tin vào khả năng chữa bệnh kỳ diệu như nhóm lương y này quảng cáo, đặc biệt đây lại là cơ sở y tế của Nhà nước, nhiều bệnh nhân đã tìm đến điều trị. Anh Trần Bạch Điệp, 30 tuổi, ở Châu Thành,  Tiền Giang, bức xúc kể anh và mẹ anh đã bị nhóm lương y này thu 6,5 triệu đồng để chữa bệnh mất ngủ và hay ngủ mơ.

 

Mới đầu, anh Điệp cũng được bác sĩ Duân và bà Gìn khám bệnh ở phòng y học cổ truyền, sau đó anh được sắp xếp vào nhà của “bác sĩ” Hải nằm trị bệnh. Bà Gìn quả quyết với mẹ anh sẽ chữa khỏi bệnh cho anh với giá 10 triệu đồng. Mẹ anh Điệp đưa trước cho bà Gìn 7,5 triệu đồng và không nhận được bất kỳ tờ hóa đơn nào.

 

Hằng ngày, bác sĩ Duân chạy xe vào nhà “bác sĩ” Hải chích cho anh Điệp hai lần thuốc không rõ loại. Ngoài ra anh Điệp được cho uống loại thuốc đã được nấu sẵn đóng trong chai nhựa. Bà Gìn còn đưa cho anh một hộp dán lưng (gồm sáu bịch) để ngâm tay, chân và sáu bịch thuốc viên, một bịch thuốc bột tán (không rõ nguồn gốc - PV) để uống. Anh Điệp điều trị suốt năm ngày không bớt bệnh, đầu thêm đau nhức nên đã bắt xe về Tiền Giang. Mấy ngày sau, người nhà anh Điệp liên lạc với bà Gìn kể mọi việc, bà Gìn nói sẽ trả lại 1 triệu đồng với điều kiện gia đình không được làm đơn kiện cáo.

 

Tương tự, bà T.T.A., 69 tuổi, ở Long Khánh, Đồng Nai cũng tìm đến nhóm “lương y” này để chữa bệnh. Bị tai biến mạch máu não hơn 6 tháng nay nhưng khi khám và nhận bệnh, nhóm “lương y” này vẫn khẳng định sẽ chữa cho bà A. hồi phục đến 80%. Sau 25 ngày điều trị, bà A. sẽ đi lại được. Nghe vậy, gia đình bà A. đã đưa trước cho nhóm “lương y” này 8,4 triệu đồng. Sau hơn 20 ngày điều trị, bà A. vẫn không có chuyển biến gì. Ngày 4/8, nhóm “lương y” này đã đề xuất gia đình đưa bà A. vào Bệnh viện Quân dân y miền Đông (Q.9) nhập viện để tập vật lý trị liệu mới có thể đi lại được.

 

Bác sĩ Huỳnh Thị Ngọc Vân, trưởng phòng y học cổ truyền Bệnh viện Quân dân y miền Đông, cho hay bà A. tuổi đã cao và đã qua khoảng thời gian vàng để điều trị nên sự phục hồi là rất ít.

 

Không biết “bác sĩ” Hải là ai!

 

Sáng 14/8, y sĩ Đoàn Minh Hiệp, trưởng trạm y tế phường Long Thạnh Mỹ, cho biết Trung tâm Y tế dự phòng Q.9 đã ký hợp đồng với bác sĩ Đỗ Văn Duân, phụ trách phòng y học cổ truyền này. Phòng y học cổ truyền hoạt động tự thu tự chi và mỗi tháng nộp cho trạm y tế 800.000 đồng (bao gồm tiền điện, tiền nước, mặt bằng...).

 

Theo ông Hiệp, phòng khám có hai nhân sự là bác sĩ Đỗ Văn Duân và bà Nguyễn Thị Gìn. Bà Nguyễn Thị Gìn chỉ có giấy chứng nhận chương trình phổ cập kiến thức đông y do Viện Y dược học dân tộc TPHCM cấp. Khi PV đặt vấn đề sao bà Gìn chưa có bằng cấp mà vẫn tham gia điều trị cho bệnh nhân thì ông Hiệp nói bà Gìn chỉ phụ việc cho ông Duân. Còn “bác sĩ” Hải thì ông Hiệp trả lời không biết.

 

Ông Hiệp cũng cho biết trước đó trạm y tế đã từng họp hai lần với phòng khám này để nhắc nhở vì cũng nghe người dân phản ảnh khám bệnh giá cao và nhận điều trị những bệnh khó. Còn về chuyện phòng khám thu tiền bệnh nhân với giá cao ngất ngưởng và hứa điều trị những bệnh thế giới cũng chưa điều trị được thì ông Hiệp cho biết hoàn toàn bất ngờ.

 

Theo Thuỳ Dương

Tuổi trẻ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm