Trạm xá “không biên giới”
(Dân trí) - Để đến nơi trạm xá vùng biên giới này, từ Đà Nẵng chúng tôi phải đi xe máy từ sáng sớm. Đến trung tâm huyện Tây Giang đã gần trưa; từ đây “phi” xe máy đường rừng hơn 1 giờ đồng hồ nữa mới đến được trạm xá quân dân y kết hợp xã AXan…
Trạm xá nằm ngay giữa một con dốc lên trung tâm xã AXan (huyện biên giới Tây Giang, Quảng Nam). Đã quá trưa nhưng công việc từ bác sĩ trạm trưởng đến các nhân viên y tế ở đây vẫn không nghỉ tay, người khám bệnh, người phát thuốc, người lo thủ tục để bệnh nhân xuất viện.
Nghỉ tay rót nước mời khách phương xa, bác sĩ - trạm trưởng Huỳnh Văn Ngọc “vào việc” ngay: Trạm chỉ có 10 cán bộ nhân viên nhưng mỗi năm phải khám và điều trị cho hơn 4.000 bệnh nhân trong xã AXan và các xã lân cận của huyện Tây Giang. Đặc biệt, trong đó có gần 200 bệnh nhân từ huyện Kà Lừm của tỉnh bạn Sê Kông (Lào) nữa.
“Phong tục của bà con dân tộc ở đây mỗi khi đau ốm là mời thầy cúng về để… đuổi con ma trong người ra. Nhưng từ khi trạm xã này hoạt động, hầu như tình trạng mời thầy cúng về mỗi khi trong nhà có người đau ốm đã giảm hẳn”, bác sĩ Ngọc tâm sự.
Những ngày đầu trạm xá đưa vào hoạt động, bà con dân tộc Cơtu ở đây đến khám chữa bệnh vẫn còn thưa thớt; không nản chí, các bác sĩ tích cực tuyên truyền vận động để người dân hiểu. “Đầu tiên, bà con cứ tưởng vào đây là phải tốn tiền mới được bác sĩ chữa bệnh, nhưng khi đã khỏi bệnh xuất viện về nhà mà không tốn đồng nào thì họ mới tin tưởng và “yên cái bụng”; do đó bây giờ hễ cứ có bệnh là người dân lại đến đây để được khám bệnh phát thuốc miễn phí”, bác sĩ Ngọc tâm sự.
Bác sĩ Ngọc cho biết, bà con dân tộc ở đây phổ biến mắc các bệnh về tiêu hóa, cảm cúm… còn những trường hợp bệnh nặng phải phẫu thuật thì phải chuyển lên tuyến trên. Tuy nhiên bằng tất cả nghiệp vụ và trang thiết bị y tế đã được trang bị, các bác sĩ và y tá ở đây phải “trổ hết tay nghề” của mình để chữa trị cho bà con, đường cùng mới chuyển lên tuyến trên vì đường sá xa xôi, chuyển bệnh nhân đi cũng vất vả lắm, có khi nguy hiểm đến tính mạng nữa.
Một ca nặng mà các bác sĩ ở đây vừa cấp cứu và bệnh nhân được cứu sống là một trường hợp tự tử bằng lá ngón. Theo đó, chiều ngày 6/2, bệnh nhân tên BLing Dên (SN 1993, trú tại thôn ARầng 2, xã Axan, huyện Tây Giang, Quảng Nam) được đưa vào trạm xá cấp cứu do tự tử bằng lá ngón.
Sau khi được người nhà đưa vào trạm xá, BLing Dên được các bác sĩ súc rửa dạ dày kết hợp sử dụng hỗn dịch giải độc Antipois, truyền dịch và điều trị hồi sức tích cực. Đến chiều ngày 7/2, sức khỏe của BLing Dên đã hồi phục nên được bác sĩ cho về nhà.
Trong nhiều trường hợp, bệnh nhân ốm nặng nhưng không đưa ra trạm xá để được chữa trị mà để ở nhà… cúng. Những trường hợp này, bác sỹ đã phải tìm tới nhà hoặc điều xe cứu thương tới đón bệnh nhân đi chữa trị cho kịp thời.
Như trường hợp mới đây của chị Rơ Râm Thị Ái (thôn A Raal 1, xã AXan) bị sốt xuất huyết độ 4, tiểu cầu yếu, chảy máu chân răng nhưng vẫn cứ để ở nhà cúng. Đến khi các y, bác sỹ của trạm tìm tới tận nhà vận động mới chịu đưa bệnh nhân tới bệnh viện. Do bệnh đã quá nặng, trạm phải bố trí xe chở bệnh nhân xuống huyện sau đó thuê xe chạy thẳng xuống Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng cấp cứu.
Từ những vụ giành giật mạng sống từ tay thần chết của các bác sỹ, y sỹ khiến người dân mới càng thêm tin tưởng các thầy thuốc ở đây.
Bác sỹ Ngọc cho biết, trạm xá quân dân y này không chỉ khám chữa bệnh cho bà con của các xã vùng cao của huyện Tây Giang còn tiếp nhận bà con thuộc cụm bản Tà Vàng (huyện Kà Lừm, tỉnh Sê Kông, Lào).
Mỗi năm trạm tiếp khoảng vài trăm bệnh nhân của nước bạn Lào qua chữa bệnh, những bệnh nhân này cũng được đối xử như với các bệnh nhân ở địa phương: Tất cả đều không lấy tiền. “Trạm xá này đóng ở vùng biên giới nhưng không có biên giới cho các bệnh nhân”, bác sĩ Ngọc nói.
Tại trạm xá, bệnh nhân A Lăng Gư ở bản Chi Tơ (huyện Kà Lừm, tỉnh Sê Kông của nước bạn Lào) chia sẻ: “Các bác sỹ ở đây rất nhiệt tình. Không những cho thuốc, khám bệnh mà còn cho ăn ở nữa. Có những trường hợp bệnh nặng, bệnh nhân còn được chở xuống tận trung tâm y tế huyện điều trị. Ở bản mình, bà con đau ốm đều tới đây khám xin thuốc vì về từ bản mình đến trung tâm huyện Kà Lừm xa lắm, đi bộ phải mất 3 ngày đường, còn từ bản mình qua đây chỉ khoảng 1 buổi đi bộ thôi. Mỗi lần qua dây xin thuốc thì xin luôn cho cả nhà để dự phòng”.
Không có tiền bạc nhưng đồng bào ở đây sống tình cảm thân thương lắm. Bác sĩ Ngọc tâm sự: “Có hôm nhận được quà của một người Lào từng khám chữa bệnh tại đây tôi thấy bất ngờ và cảm động vô cùng. Có người tạ ơn các bác sĩ bằng bó rau rừng hay rổ khoai lan. Nghèo nhưng tình cảm lắm. Điều đó động viên rất lớn chúng tôi gắn bó với bà con ở đây”.
Đ.Hiệp-C.Bính