Trà chanh vỉa hè = Hỗn hợp hóa chất
Các chuyên gia cảnh báo, nếu uống nhiều loại trà này sẽ gây ra tình trạng nhiễm độc trường diễn hay còn gọi là nhiễm độc mãn tính.
Ông có thể nói gì từ sự quan sát của mình về trào lưu trà chanh đang rất được ưa chuộng trong giới trẻ, đặc biệt là sinh viên, hiện nay?
Công việc dạy học giúp tôi tiếp xúc rất nhiều với môi trường sinh viên từ những khu vực gần gũi như trường ĐH Bách khoa và Viện ĐH Mở Hà Nội, hay những trường xa hơn nữa. Khi hết giờ học và thậm chí là ngay trong giờ học, tôi vẫn thấy đông nghịt và kín mít sinh viên từ lớp trên lớp dưới đang bám lấy hàng loạt các vỉa hè bên những cốc trà chanh. Ăn uống vỉa hè đồng nghĩa với việc rước bệnh vào mình.
Khi quan sát các quán trà chanh vỉa hè, tôi biết được rằng, họ không có nước sạch để rửa, tráng cốc. Thậm chí, ống hút cũng chỉ cần tráng qua và hong khô lại để dùng cho các lần kế tiếp. Trà chanh là một loại giải khát, khát thì phải uống nhưng uống có lợi hay không thì chúng ta phải tính toán lại một cách thông minh và khoa học. Vì việc ăn gì, uống gì ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe: 90% các loại bệnh đưa vào cơ thể bạn qua đường miệng.
Xin ông cho biết rõ hơn về mặt lợi và không lợi của trà chanh vỉa hè?
Trà chanh vỉa hè không phải là loại thức uống đóng chai, không hề được quản lý và kiểm định. Bản thân các sản phẩm đóng chai cũng không hẳn đã có lợi cho sức khỏe. Nước đóng chai đơn thuần là nước uống, pha chế thêm các chất tạo mùi để dễ dàng đưa vào cơ thể. Những chai nước không có dinh dưỡng và chúng ta bỏ ra một khoản tiền lớn hơn so với nước lọc thông thường chỉ cốt làm một điều là đưa nước vào cơ thể một cách dễ hơn.
Với các loại chè thông thường, sử dụng trong các gia đình là một loại thức uống tốt vì lá chè có chứa vitamin. Cung cấp đều đặn nước chè vào cơ thể cũng mang lại chất chống ôxy hóa tốt. Nhưng trà chanh lại không dùng bằng trà pha thông thường mà họ dùng bột trà. Để bán loại nước uống bình dân với giá rẻ thì bột chè xuất xứ từ Trung Quốc sẽ mang lại lợi nhuận cao.
Các nhà công nghiệp thực phẩm Trung Quốc trích ly chất hòa tan vào bột chè. Bột chè không phải loại chè thông thường khai thác từ lá chè mà là sử dụng các phế phẩm và lá chè già. Sau đó, họ cho vào máy làm khô và nghiền nát. Khi pha chế trà chanh ở vỉa hè, những nhà nghiên cứu như chúng tôi cũng hiểu rằng, nó không được pha bằng nước tinh lọc hoặc nước đun sôi.
Ngoài sử dụng bột chè, trà chanh còn sử dụng đường hóa học: 1 kg đường hóa học có thể thay thế 400 kg đường thông thường. Và chỉ cần nhấp một ngụm trà chanh vỉa hè là bạn có thể thấy rõ vị đường hóa học chứ đừng lầm tưởng, bạn đang được uống nước pha chế bằng đường thông thường.
Bên cạnh đó, trong mỗi cốc trà chanh còn có sử dụng chất thơm. Chất thơm tổng hợp phải luôn được kiểm soát chặt chẽ. Nhưng ngay cả với những nước nổi tiếng về việc kiểm soát chặt chẽ các chất thơm như Nhật, Pháp, Mỹ… đôi khi, vẫn có vài vụ "quá tay" trong việc sử dụng chất thơm, gây nguy hại cho người tiêu dùng được phanh phui.
Và chất thơm sử dụng trong trà chanh với giá rẻ như thế, hoàn toàn không phải là những chất thơm được kiểm soát. Có đến hơn 400 chất hữu cơ khác nhau có thể pha trộn để tạo thành các chất có mùi. Và các chất này đều phải dùng thí nghiệm ở chuột. Nếu tỉ lệ gây độc trên chuột là 1 thì khi sử dụng cho con người chỉ được dừng ở mức 0,2.
Sử dụng liên tục trà chanh vỉa hè sẽ mang lại những nguy cơ và bệnh tật gì, thưa ông?
Nếu uống nhiều sẽ gây ra tình trạng nhiễm độc trường diễn, nghĩa là việc nhiễm độc sẽ diễn ra trong một quá trình dài hay còn gọi là nhiễm độc mãn tính. Việc đưa chất thơm vào cơ thể người ở một mật độ lớn sẽ được tích lũy, khu trú trong cơ thể.
Hương liệu, chất thơm hiện đang tồn tại ở 3 dạng: Lỏng, rắn và khí. Chất thơm ở các hàng trà chanh đang sử dụng phần lớn ở dạng rắn (chuyển tán thành bột). Không ít độc tố được tạo ra từ chính các chất thơm.
Tổ chức Y tế Thế giới có một bảng dài, quy định về các loại chất được cho phép đưa vào cơ thể người nhưng phải nằm trong giới hạn nhất định. Bạn không thể nhớ nổi hoặc tính toán nổi, bạn đã từng uống bao nhiêu cốc trà chanh và bao nhiêu hương liệu đã khu trú trong cơ thể mình. Một bài toán đơn giản: Lượng đổi thì chất đổi. Đó chính là nguyên nhân của bệnh tật.
Khi độc tố ẩn nấp trong cơ thể bạn, nó sẽ gây ra nhiều loại bệnh khác nhau. Phần lớn các loại bệnh liên quan đến việc nhiễm trùng. Việc sử dụng nước không tinh lọc, nước nhiễm kim loại nặng có thể ảnh hưởng đến xương, não. Nhiễm độc chì và thủy ngân đương nhiên là nguy hiểm.
Việc quyết định liều lượng ra sao cũng cần ở người trẻ sự khôn ngoan, thông minh. Ngay cả việc uống café là hết sức bình thường nhưng nếu bạn uống với một lượng lớn thì không đơn giản, cơ thể sẽ gặp rắc rối. Có những trường hợp, người ta còn có thể tự tử bằng café với một số lượng lớn. Vậy nên cần phải sử dụng đồ ăn đồ uống một cách khôn ngoan.
Việc sử dụng quy trình pha chế không vệ sinh là tạo ra một con đường ngắn nhất cho việc lây lan các bệnh từ người này sang người khác. Đó là chúng ta chưa đề cập đến căn bệnh xã hội, khi trà chanh là một trào lưu ngốn thời gian của tuổi trẻ, lôi kéo rất nhiều người tham gia thì dễ lây lan các thói hư tật xấu, ảnh hưởng lẫn nhau. Nếu bạn "chém gió" cả buổi chiều với một người có tâm trạng u ám thì ngày hôm đó của bạn cũng không tươi sáng gì.
Xin cảm ơn ông!
“Bếp núc” của các quán trà chanh
Tìm cách hỏi nhà vệ sinh để đi vào khu "bếp núc" của các quán trà chanh. Hoặc với các quán trà chanh vỉa hè thì chỉ cần chọn một bàn thật sát với khu pha chế, bạn sẽ được chứng kiến tận mắt rất nhiều điều.
Kết quả của việc quan sát bề mặt là bạn sẽ thấy rất nhiều can nước và các dụng cụ chứa nước cáu bẩn, xuất hiện ở khắp mọi nơi. Và không ai đảm bảo 100% nước uống đổ vào hàng trăm cốc trà chanh mỗi tối (của một quán trà) là nước được đun sôi. Chỉ cần sử dụng điện thoại di động là bạn có thể ghi lại được bằng chứng người ta vặn nước từ vòi, từ nước máy vào các can nước, rồi mang thẳng ra điểm pha chế. Sẽ có một lượng nhỏ nước nóng dùng để pha trà, số còn lại đều là nước… máy. Và đương nhiên, khi sử dụng thêm đá (dù là "đá sạch" cũng chưa bao giờ được làm từ nước đun sôi, hoặc nước tinh khiết). Vậy là bạn đã có một cốc trà chanh với "bộ sưu tập" nước máy hoàn hảo, từ nước đến đá. Ở khu vực trà chanh Chợ Gạo, Nhà Thờ Lớn, đôi khi, bạn vẫn bắt gặp những hộp trà lớn có búp được bày cạnh các hộp nước me, nước sấu. Nhưng phần lớn đó là "màn trình diễn" đẹp mắt, nguyên liệu thực để pha hàng nghìn cốc trà mỗi tối đó là bột trà chứ không phải thứ trà vẫn uống hằng ngày trong các gia đình (có giá đắt hơn đến 3, 4 lần). Bột trà được bán ở rất nhiều chợ đầu mối với giá siêu rẻ: Chỉ khoảng 30.000 - 40.000 đồng/kg. Công thức của các quán trà chanh ở Hà Nội cơ bản giống nhau: Bột trà, bột hương liệu (một số nơi dùng nước thơm) mùi chanh, lát chanh và… nước máy. Nếu bạn khảo sát các loại bột trà này trên chợ Đồng Xuân, Hàng Bồ sẽ thấy túi lớn túi nhỏ được xếp chồng thành dãy. Các túi được chia theo trọng lượng: Túi nhỏ là 0,5 kg, túi lớn 5 kg. Và hết thảy đều được nhập từ Trung Quốc. |