1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Trà bạc hà ngừa chứng rậm lông

(Dân trí) - “Một số loại trà bạc hà có thể điều trị tình trạng lông mọc vô tổ chức, ảnh hưởng tới thẩm mỹ ở một số vùng như mặt, tay và chân của các quý cô”, các nhà nghiên cứu Thổ Nhĩ Kỳ vui mừng tuyên bố.

Tay chân rậm lông luôn là nỗi phiền muộn của nữ giới. Khi lâm vào hoàn cảnh này, bạn thường tìm mọi cách để “rũ bỏ” chúng, nào dùng dao cạo, nào bôi kem tẩy... nhưng không ăn thua. Hệt như cỏ, chúng nhanh chóng mọc lại và trở lên "tươi tốt" hơn.

 

Nếu bạn luôn phiền lòng bởi tình trạng lông tay, chân và trên mặt mọc “vô tổ chức” thì cách tốt nhất là hãy uống 2 cốc trà thảo dược bạc hà mỗi ngày trong vòng 5 ngày liên tục. Chắc chắn bạn không chỉ ngạc nhiên về hiệu quả của nó mà còn thấy thoải mái vì không gặp phải các tác dụng phụ như nhiều loại thuốc ngăn chặn tình trạng rậm lông chứa hormone giới tính thường gặp.

 

TS Mehmet Numan Tamer và các cộng sự ở ĐH Suleyman Demirel (thuộc ĐH Quốc gia Isparta) cho biết các loại thuốc trị chứng rậm lông thường chứa hormone nam tính, bao gồm cả các thành phần trong thuốc tránh thai để ngăn chặn việc sản xuất các hormone kích thích mọc lông hoặc dùng các loại thuốc làm “ngưng kết” phản ứng của cơ thể đối với quá trình này.

 

Chính lưu ý của nghiên cứu trước rằng uống trà bạc hà cay sẽ làm giảm dục năng ở một số nam giới đã thôi thúc các nhà nghiên cứu Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện đề tài này bởi có khoảng 5% chị em luôn cảm thấy phiền muộn vì ảnh hưởng tới thẩm mỹ.

 

Các nhà nghiên cứu cũng lưu ý những phụ nữ có mức hormone nam tính cao cũng thường có hàm lượng triglyceride cao (dẫn tới tình trạng gan nhiễm mỡ), kháng insulin, béo phì và buồng trứng đa nang (95% phụ nữ bị buồng trứng đa nang bị chứng rậm lông).

 

"Bạc hà có thể thay thế các hợp chất chống lại androgenic nam tính thường được dùng trong điều trị chứng rậm lông. Tuy nhiên, cũng cần phải có thêm nhiều nghiên cứu hơn nữa để có thể đưa loại thuốc trị chứng rậm lông chứa bạc hà lưu hành rộng rãi trên thị trường (nghiên cứu này mới chỉ được thử nghiệm trên 21 phụ nữ)", TS Mehmet kết luận.

 

Nhân Hà

Theo Reuters