TPHCM: Vấn nạn y tế xả thải ra môi trường còn nhức nhối
(Dân trí) - Hàng loạt bệnh viện chưa hoàn thành hệ thống xử lý nước thải, một số nơi rác thải y tế nguy hại bị mang đi bán. Sở Y tế thành phố yêu cầu các bệnh viện sớm chấn chỉnh để giảm nguy cơ phát tán mầm bệnh ra môi trường gây nguy hiểm cho cộng đồng.
Đầu tháng 8/2019, sau phản ánh của các phương tiện truyền thông, cơ quan chức năng huyện Bình Chánh đã tiến hành kiểm tra phát hiện hoạt động mua bán trái phép chất thải y tế diễn ra trên địa bàn. Mở rộng điều tra, cơ quan chức năng xác định nguồn rác thải y tế được tuồn ra ngoài từ Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch.
Những loại rác thải y tế nguy hại như bơm tiêm, dây truyền dịch dính máu, ống nội khí quản… tại bệnh viện Phạm Ngọc Thạch bị thu gom, bán ra các vựa thu mua phế liệu sau đó tái chế để làm hộp đựng đồ ăn đã khiến cộng đồng và cả những người làm công tác quản lý y tế lo ngại về nguy cơ lây nhiễm, phát tán mầm bệnh.
Mặc dù, bệnh viện bác thông tin bán rác thải và cho rằng số rác thải đã được thu gom, bán cho các vựa ve chai là do bị “đánh cắp” nhưng Sở Y tế đang yêu cầu bệnh viện rà soát lại toàn bộ quy trình thu gom và xử lý chất thải rắn y tế tại bệnh viện. Sở cũng yêu cầu làm rõ trách nhiệm các cá nhân và tập thể liên quan, có hình thức xử lý dứt điểm đối với các sai phạm.
Trên thực tế, tại TPHCM hệ thống xử lý nước thải ở nhiều bệnh viện Đa khoa Sài Gòn, Đa khoa Khu vực Thủ Đức, Phạm Ngọc Thạch, Viên Tim, Ung Bướu, Truyền máu Huyết học, bệnh viện quận Bình Tân, quận 6, quận Tân Phú, Đa khoa Khu vực Củ Chi, Hóc Môn, … chưa hoàn thiện khiến chất lượng nước thải đầu ra không đạt chuẩn quy định.
Chất thải rắn, nước thải từ bệnh viện mang theo nhiều loại bệnh và vi rút nguy hại như tụ cầu vàng, trực khuẩn mủ xanh, E.coli cùng nhiều loại vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng, vi rút bại liệt… có khả năng xâm nhập các loại thủy sản, vật nuôi, rau thủy canh. Bệnh tật sẽ tấn công con người khi ăn phải các thực phẩm mang mầm bệnh. Trên thực tế, tình trạng ô nhiễm môi trường đang có sự “tiếp tay” của chất thải y tế làm gia tăng nguy cơ ung thư và các bệnh hiểm nghèo cho con người.
Để đầu tư một hệ thống xử lý chất thải không chỉ tốn nhiều chi phí mua sắm mà còn tốn chi phí vận hành, bảo dưỡng nên các cơ sở y tế cố tình “chây ì”. Quy định chuẩn hóa hệ thống xử lý nước thải, chất thải rắn trong y tế đã được ban hành từ lâu nhưng việc thực hiện diễn ra “ì ạch” đặc biệt là tại các bệnh viện công lập. Sự thờ ơ của nhưng đơn vị có liên quan khiến chất thải từ các cơ sở khám chữa bệnh quay lại gieo mầm bệnh gây họa cho người dân.
Trước thực trạng trên, ngày 19/8 Văn phòng Sở Y tế đã có thông báo kết luận của BS Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế tại cuộc họp về giảm ô nhiễm môi trường. Theo đó, Sở Y tế giao Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật xây dựng bảng kiểm đánh giá nhanh, kiểm tra, giám sát công tác quản lý chất thải y tế tại bệnh viện thu gom, phân loại, chuyển giao chất thải rắn y tế, vận hành hệ thống xử lý nước thải, tự kiểm tra, giám sát tại bệnh viện…
Sở cũng đề nghị các bệnh viện tăng cường công tác tự kiểm tra, giám sát quy trình vận hành hệ thống xử lý nước thải đảm bảo đã được xử lý chuẩn môi trường; giám sát quy trình phân loại, thu gom và chuyển giao chất thải rắn y tế tại bệnh viện, đảm bảo xử lý chất thải rắn y tế đúng các quy định.
Vân Sơn