TPHCM: Trẻ bị bỏng tăng cao trong những ngày giáp Tết

(Dân trí ) - Tại BV NĐ2, bình thường có từ 4 - 5 ca trẻ bị bỏng nhập viện nhưng vào những ngày gần đây là từ 8 - 9 ca/ngày. Còn tại BV NĐ1, số trẻ nhập viện do bỏng tăng trung bình 30 - 40% so với ngày thường.

Những tai nạn thương tâm

Trong những ngày gần đây, tại 2 khoa bỏng của BV NĐ1 và 2 đều có những ca cấp cứu trẻ bị bỏng với nhiều mức độ khác nhau, trong đó có ca đã tử vong vì bị nhiễm trùng nặng, đưa đến cấp cứu trễ.

Đó là trường hợp của bé G.T.X (Bình Dương) được cha mẹ đưa đến cấp cứu tại BV NĐ2 ngày 26/12/08. Bố mẹ của cháu bé mới được vài tháng tuổi này cho biết cháu G.T.X. bị bỏng nước sôi. Nhưng qua biểu hiện của vết thương, các bác sĩ cho rằng cháu bé bị bỏng lửa. Do bị bỏng ở cấp độ III, vết thương dài từ ngực cho đến chân, diện tích bỏng đến 60% nên dù tích cực điều trị, cháu X. vẫn không qua khỏi.

Còn trường hợp của em B.H.Đ (7 tuổi, ngụ TPHCM) thì tuy không nguy hiểm đến tính mạng, chỉ bị bỏng độ I, II nhưng vết thương lại ở bộ phận sinh dục, tầng sinh môn và trên ngực. Theo lời gia đình, bé bị ngã ngồi vào nồi nước lẩu vừa nhắc xuống.

Tại BV NĐ 1, có 2 trường hợp bị bỏng cũng từ nước sôi. Đó là bé C.H.L.L, 10 tháng tuổi (Lâm Đồng) nhập viện ngày 04/01/09. Cháu bé bị bỏng độ II, diện tích bỏng 33%, vết bỏng có trên mặt, ngực, đùi. Bé không bú mẹ được mà phải dùng ống xông. Người nhà bé L. cho biết: bé đang ngồi trong xe đẩy và được người anh 3 tuổi đẩy chạy chơi trong nhà. Do anh trai đẩy mạnh xe đụng vào cạnh bàn làm đổ bình nước trà vừa rót, nước trà chảy tràn xuống mặt bé gây nên những vết bỏng đáng tiếc.

Riêng bé C.T.P.D, 3 tuổi (Đà Lạt), nhập viện lúc 14h ngày 21/12/08 với vết bỏng độ II, III, diện tích bỏng 48% ở phần lưng, mông và chân. Nguyên do là bé chơi đùa, đi thụt lùi, người nhà không để ý nên ngã ngồi vào nồi canh mẹ nấu để bán hàng cơm.

Những bất cẩn của người lớn

Theo BS Nguyễn Thị Minh Tâm, có nhiều trường hợp gây bỏng cho trẻ rất đơn giản do sự vô ý của người lớn. Hầu hết các trẻ bị bỏng thường ở vào độ tuổi từ 1 đến 5, cái tuổi đang chập chững tập đi và hay nghịch phá.

Nhà có máy nước nóng, phụ huynh thường cho nước nóng vào thau chậu trước, chưa kịp pha thêm nước lạnh thì nhiều cháu bé chập chững hay mới biết đi đã thò tay vào thậm chí té ngã vào chậu nước nóng đó luôn.

Còn những nhà nghèo hơn, chật chội hơn thì thường đặt những ấm, nồi sau khi nấu nướng… ngay trên nền nhà như những chiếc bẫy gài chính con mình mà không biết.

Trong khi đó vùng thôn quê trẻ bị bỏng vì lửa từ những đống rác vun, hố đốt rác do người lớn làm mà không dọn dẹp hay dụi tắt hẳn phần lửa than, là rất thường gặp...
 

Xử trí khi trẻ bị bỏng

Điều đầu tiên các bậc cha mẹ cần phải làm ngay khi có trẻ hay người lớn bị bỏng là làm mát vết bỏng bằng cách xối nước mát hay đặt trẻ vào thau nước mát. Nước lạnh có tác dụng làm sạch vết bỏng, giúp hạ độ nóng nhờ đó vết bỏng sẽ nhẹ hơn và tránh bị nhiễm trùng. Sau đó lập tức đưa trẻ đến bv gần nhất để cấp cứu. 

Các phụ huynh chú ý không được xé, cắt hay lột quần áo trên người cũng như không được lột lớp da bị bỏng ra. Tuyệt đối không bôi bất cứ chất gì như kem đánh răng, nước mắm, giấm… lên vết bỏng vì có thể gây nhiễm trùng và  làm vết thương thêm nặng.

Ngọc Thanh

Dòng sự kiện: Chăm sóc trẻ