TPHCM tạm thời bị gián đoạn vắc xin dịch vụ 5 trong 1

(Dân trí) - Phòng Nghiệp vụ Dược thuộc Sở Y tế TPHCM vừa phát đi thông báo về việc trên địa bàn TPHCM tạm thời bị gián đoạn vắc xin dịch vụ Pentaxim (5 trong 1). Trung tâm Y tế Dự phòng TPHCM khuyến cáo phụ huynh không nên chờ vắc xin dịch vụ mà cần chủ động phòng bệnh cho trẻ.

Thông tin từ Phòng Nghiệp vụ Dược cho hay, vắc xin dịch vụ Pentaxim (5 trong 1) được cung ứng từ các công ty dược tạm thời hết hàng. Tình trạng “gián đoạn” này dự kiến sẽ được “kết nối” lại sau tháng 9/2017 khi một công ty dược sẽ nhập khẩu thêm 63.000 liều Pentaxim để cung ứng cho cả nước.

Trong bối cảnh vắc xin dịch vụ hết hàng, phụ huynh nên chủ động cho trẻ thụ hưởng tiêm chủng mở rộng
Trong bối cảnh vắc xin dịch vụ hết hàng, phụ huynh nên chủ động cho trẻ thụ hưởng tiêm chủng mở rộng

Ngoài ra, một loại vắc xin dịch vụ khác là Infanrix (6 trong 1) đã hết hàng tại Việt Nam (khoảng 2 năm nay) cũng đang được một công ty dược hoàn tất các thủ tục xin phép Bộ Y tế để nhập về 120.000 liều trong tháng 10/2017. Nếu theo đúng kế hoạch trên thì sau tháng 10, thị trường vắc xin dịch vụ của Việt Nam sẽ đa dạng các chủng loại, tình trạng hết hàng hoặc khan hiếm sẽ cơ bản được giải quyết.

Trong bối cảnh vắc xin dịch vụ hết hàng, BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố khuyến cáo: Vắc xin dịch vụ tạm thời bị gián đoạn nhưng thành phố vẫn đảm bảo đủ cơ số vắc xin Quinvaxem trong chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia để cung ứng cho nhu cầu của cộng đồng. Quý phụ huynh không nên chờ đến khi có vắc xin dịch vụ trở lại mà cần thực hiện chủng ngừa bằng vắc xin hiện có để bảo vệ sức khỏe, sinh mạng cho con mình.

Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, trẻ đã tiêm mũi một, mũi hai của vắc xin dịch vụ mà chưa tiêm đủ liều vẫn có thể tiêm tiếp bằng vắc xin Quinvaxem. Các bậc phụ huynh cần tiếp tục phối hợp tốt với nhân viên y tế trong tiêm chủng. Phụ huynh cần chủ động thông báo cho cán bộ y tế về tình trạng sức khỏe của con mình khi đi tiêm vắc xin như đang ốm, sốt hoặc tiền sử dị ứng hay phản ứng mạnh với những lần tiêm chủng trước như sốt cao, quấy khóc kéo dài, sưng đau lan rộng tại vị trí tiêm hoặc có bất thường gì khác.

Phân tích của Phòng Nghiệp vụ Dược, Sở Y tế chỉ ra, thành phần ho gà toàn tế bào trong vắc xin Quinvaxem và ho gà vô bào trong vắc xin Pentaxim là sự khác biệt giữa hai loại vắc xin này. Trong đó, thành phần ho gà toàn tế bào là vắc xin tinh chế từ vi khuẩn ho gà sau khi được nuôi cấy tăng sinh trong môi trường và làm chết bằng nhiệt độ. Còn vắc xin thành phần vô bào là vắc xin tinh chế chỉ chứa thành phần kháng nguyên đặc hiệu sau khi đã loại bỏ những thành phần kháng nguyên không cần thiết khác của vi khuẩn.

Đó là nguyên nhân chính khiến vắc xin ho gà toàn tế bào (Quinvaxem) gây phản ứng tại chỗ và sốt nhiều hơn vắc xin ho gà vô bào (Pentaxim). Song thành phần ho gà kháng nguyên toàn tế bào trong Quinvaxem lại có công dụng kích thích cơ thể sinh kháng thể mạnh hơn, kéo dài hơn và có hiệu quả bảo vệ cao hơn so với vắc xin ho gà vô bào.

Vân Sơn