1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

TPHCM: Ngành y tế đặt trên đường ray xe lửa siêu tốc

Đề án quy hoạch phát triển ngành y tế TPHCM đến 2020 và tầm nhìn 2025 vừa được UB Mặt trận tổ quốc TPHCM đưa ra lấy ý kiến góp ý. Nhìn chung, các đại biểu băn khoăn về sự dư thừa mục tiêu và chỉ tiêu nhưng lại thiếu biện pháp và chính sách để thực hiện.

  

Sinh viên y khoa thực tập tại khoa nhiễm bệnh viện Nhi Đồng 1, TPHCM

Sinh viên y khoa thực tập tại khoa nhiễm bệnh viện Nhi Đồng 1, TPHCM

Ông Trần Thành Long, chủ tịch hội bảo trợ bệnh nhân nghèo TP.HCM, cho biết đề án nghe ra rất công phu và tâm huyết nhưng còn nhiều điểm chưa làm rõ. Cụ thể, trong lĩnh vực khám chữa bệnh, nếu vào tháng 1/2012 thành phố có 42 giường bệnh/1 vạn dân thì đến năm 2015 và 2020 cũng chỉ là 42 giường (?). Ông Long lưu ý người bệnh mà các bệnh viện thành phố tiếp nhận hiện nay không chỉ là người dân thành phố mà còn bao gồm cả người từ các địa phương khác đến, vì thế theo ông cần thay thế chỉ tiêu trên bằng chỉ tiêu số giường bệnh trên số bệnh nhân điều trị.

 

Một điểm khác cần làm sáng tỏ là mặc dù đề ra mục tiêu kêu gọi đẩy mạnh xã hội hoá nhưng đề án không nói rõ biện pháp cụ thể là gì. Ông Long nói: “Chúng ta có chủ trương xã hội hoá, nhưng chính sách nào để làm điều này thì cần phải kiến nghị làm rõ. Chứ nếu cứ nói theo kiểu tâm huyết thì tôi băn khoăn không biết có làm được hay không”.

 

Ông Đặng Văn Khoa, chủ tịch hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường TPHCM băn khoăn nhất là nếu đề án này được thông qua thì ngành y tế thành phố được đặt trên đường ray của một xe lửa siêu tốc bởi nguồn lực đổ vào cực kỳ lớn nhưng việc di chuyển lại hoàn toàn chông chênh và không ổn định. Ông Khoa lý giải: “Ngay từ mục tiêu tổng quát của đề án tôi đã có cảm giác quá ôm đồm. Cụ thể, ngành y tế đặt mục tiêu mọi người dân thành phố đều được sống trong môi trường và cộng đồng an toàn. Thế nhưng “môi trường an toàn và cộng đồng an toàn” là gì? Đây là mục tiêu quá xa vời với ngành y tế vì nó có thể được hiểu là một môi trường an ninh, không cướp bóc”.

 

Không chỉ ông Đặng Văn Khoa, ông Huỳnh Văn Minh, cũng bức xúc về tính khả thi của đề án. Mặc dù đồng cảm với những khó khăn của ngành, nhưng ông Minh cho rằng đây không phải là một đề án kinh tế đúng nghĩa. “Nếu cầm đề án này mang đi kêu gọi đầu tư thì chắc không có nhà đầu tư nào mặn mà vì thiếu tính khoa học, thiếu những chính sách cụ thể và không nói rõ những hạn chế, yếu kém, bất cập mà ngành đang có. Muốn đặt mục tiêu phát triển thì mình phải nói hiện tại mình đang như thế nào, trình độ ra sao, nhưng đề án không thấy nói nhiều”.

 
“Không ngạc nhiên việc mổ thoát vị bẹn mà cắt nhầm bàng quang”
 
Là người rất nhiều năm tham gia giảng dạy sinh viên y khoa, bác sĩ Trần Đông A, nguyên phó giám đốc bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM, rất bức xúc: “Tôi không ngạc nhiên lắm với việc bác sĩ mổ thoát vị bẹn mà cắt nhầm bàng quang hay thận đôi hình móng ngựa rõ ràng mà bác sĩ lại cắt luôn. Nếu chúng ta chỉ chú ý đến số lượng mà không quan tâm đến chất lượng đào tạo thì chắc chắn những chuyện này sẽ xảy ra vì sinh viên bây giờ chỉ được học lý thuyết mà không được thực tập. Y khoa là ngành khoa học thực nghiệm, nhưng cơ sở thực tập ở đâu cho sinh viên bây giờ? Như thế, theo tôi đề án này khó khả thi”.
 
Tán đồng với ý kiến của bác sĩ Đông A, nhưng GS Văn Tần, nguyên phó giám đốc bệnh viện Bình Dân TP.HCM, nhìn ở góc cạnh khác: “Năm nay đại học Phạm Ngọc Thạch đào tạo 620 chỉ tiêu, 800 chỉ tiêu vào năm 2013 và 1.000 chỉ tiêu vào năm 2014. Rồi cũng làm được thôi, nhưng có điều ai dạy và cán bộ giảng lấy đâu ra? “Với cách đào tạo hiện nay thì không thể đòi hỏi chất lượng được”, ông kết luận.
 
Không nên duy ý chí
 
Từng là giám đốc sở Y tế TPHCM, VS.TS.BS Dương Quang Trung, kêu gọi ngành y tế thành phố phải bình tĩnh. Ông đề xuất: “Không thể duy ý chí được, trong tình hình phức tạp hiện nay cần phải “liệu cơm gắp mắm”, lựa chọn những mục tiêu khả thi để thực hiện. Chẳng hạn việc đào tạo nhân lực, chúng ta có thể đề xuất ở trên giảm bớt chỉ tiêu”.
 
Một trong những chủ đề được nhiều đại biểu quan tâm và góp ý nhiều nhất là đào tạo nhân lực. Ông Đặng Văn Khoa băn khoăn chỉ tiêu quy hoạch cán bộ y tế đến năm 2015 cần có 15.000 bác sĩ. Hiện nay thành phố thiếu gần 8.000 bác sĩ, nhưng trong ba năm tới nếu kết hợp mọi nguồn đào tạo thì giỏi lắm chỉ có 1.000 bác sĩ ra trường, chưa kể một số bác sĩ còn về các tỉnh, vậy thì số còn lại lấy ở đâu ra để bổ sung? Ông nói thẳng: “Quy hoạch đề án rất hay, rất đẹp, mặc dù nó chưa hoàn chỉnh nhưng theo tôi tính khả thi không cao, từ nguồn lực, tài chính cho đến thủ tục”.
 

Theo Phan Sơn

Sài Gòn tiếp thị