TPHCM: Nắng nóng, bệnh nhi tăng

Ghi nhận tại một số bệnh viện trong thành phố cho thấy nhiều loại bệnh liên quan đến thời tiết tăng nhanh. Đặc biệt, bệnh mùa nóng đang gia tăng mạnh đối với trẻ em.

Bệnh về đường hô hấp, tiêu hóa tăng nhanh

 

Như mọi năm, cứ  bắt đầu vào mùa nóng, tại các giường bệnh ở bệnh viện bắt đầu gia tăng một số bệnh liên quan đến mùa nóng như nhiễm siêu vi, viêm nhiễm đường hô hấp, bệnh ngoài da như trái rạ, rôm, sảy, nấm lác…

 

Theo PGS-TS Nguyễn Hữu Đức - Trường Đại học Y Dược TPHCM, vào mùa nắng, do thời tiết nóng dần lên, môi trường ô nhiễm nên nhiều bệnh có điều kiện phát sinh ở trẻ em. Thường gặp nhất là các bệnh về đường hô hấp với các triệu chứng sốt, ho, sổ mũi đau họng, nhức đầu, khò khè và tiêu hóa với các triệu chứng như sốt, ói, tiêu chảy, đau bụng có kèm nhức đầu.

 

Ghi nhận thực tế tại 2 bệnh viện Nhi đồng 1 và Nhi đồng 2 cho thấy, chỉ trong 6 ngày (từ 29 tháng chạp đến mùng 5 tết), đã có gần  20.000 lượt bệnh nhi đến khám, chữa bệnh và cấp cứu. 

 

Theo các bác sĩ, sở dĩ cứ vào mùa nắng, trẻ thường có nguy cơ bị bệnh về đường hô hấp và tiêu hóa, ngoài nguyên nhân môi trường ô nhiễm, điều mà các bậc phụ huynh cần chú ý là vào mùa nóng, trẻ thường bị mất nước, nhưng chúng không chủ động được trong việc bù nước cho cơ thể (trẻ nhỏ không tự lấy nước uống, không biết kêu khát...).

 

Sau một 2 ngày thiếu nước trẻ sẽ bị hiện tượng tiểu ít, niêm mạc khô và sau đó sẽ bị sốt, ho... Do vậy, phụ huynh cần chú ý cho trẻ uống nhiều nước. Khi trẻ phát hiện trẻ đi phân lỏng (hoặc nước) trên 3 lần/ngày thì cần bù nước và chất điện giải ngay bằng cách cho uống Oresol. Nếu không có Oresol thì thay bằng nước muối đường, nước cháo muối...

 

Đưa trẻ đến cơ sở y tế khi bệnh không giảm trong 3 ngày hoặc có kèm theo: ói mửa nhiều, sốt, khát nước nhiều, ăn uống kém, có máu trong phân (phân đen). Đặc biệt, cha mẹ cần lưu ý không được lạm dụng thuốc kháng sinh cho trẻ bởi việc tùy tiện uống thuốc không theo đơn sẽ gây nhiều hậu quả khó lường.

 

Ngoài ra, để đề phòng tiêu chảy, người dân nên ăn uống những thức ăn nấu chín, hợp vệ sinh, sử dụng nước sạch.

 

Hội chứng tay, chân, miệng

 

Bệnh này thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi và rất dễ lây. Thường lây lan nhanh qua đường tiêu hóa và trẻ sống cùng nhà và sinh hoạt cùng nhà trẻ.

 

Theo tổng kết nhiều năm của Bệnh viện Nhi đồng 1, TP Hồ Chí Minh, bệnh xảy ra theo hai mùa trong năm, từ tháng 2 đến 4 và sau đó từ tháng 9 đến 12. Ngay những ngày trong và sau tết, ở các bệnh viện nhi trên địa bàn TPHCM đã xuất hiện một số ca bị bệnh tay chân miệng.

 

Theo PGS-TS Nguyễn Hữu Đức: Biểu hiện của bệnh cũng rất dễ nhận biết nếu được chú ý, đó chính là các bóng nước. Bóng nước có kích thước từ 2-10mm, mầu xám, hình ô van, thường xuất hiện ở vùng mông, gối, lòng bàn tay, lòng bàn chân và thường ấn không đau. Bóng nước còn xuất hiện trong miệng và khi vỡ ra gây những vết loét trong miệng. Khi nổi bóng nước trẻ có thể sốt nhẹ, quấy khóc do đau miệng, bỏ ăn.

 

Bóng nước sẽ tự xẹp đi và có thể tự khỏi sau 5-7 ngày. Một số trẻ có kèm nôn ói, tiêu chảy ngay khi nổi bóng nước hay khi bóng nước đã xẹp. Đa số trường hợp bệnh sẽ tự khỏi nhưng nếu bệnh do tác nhân enterovirus 71 gây ra, một số trẻ sẽ có biến chứng rất nguy hiểm là viêm não, viêm cơ tim, viêm màng não. Điều nguy hiểm hơn là các biến chứng này rất khó phát hiện sớm nếu thầy thuốc không có kinh nghiệm và người nhà không chú ý.

 

Khi biến chứng viêm não, trẻ có dấu hiệu thần kinh như lừ đừ, kích thích vật vã, nói lảm nhảm, run chi, co giật và hôn mê. Triệu chứng khác có thể thấy là trẻ sốt rất cao, nôn ói nhiều, mạch nhanh, yếu chân tay, méo miệng. Khi trẻ có biến chứng, nếu không được nhập viện để điều trị đúng và kịp thời, trẻ có thể bị tử vong. Khi thấy trẻ bị sốt, nôn ói, bị một số triệu chứng bất thường vừa kể, lại thấy trẻ có những bóng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông và miệng, cần nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện.

 

Cảnh giác cao với viêm não và sốt xuất huyết  

 

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), viêm não và sốt xuất huyết là hai bệnh mùa hè đáng ngại nhất. Năm ngoái, dịch sốt xuất huyết đặc biệt tăng mạnh ở khu vực TPHCM và các tỉnh phía Nam. Năm nay, việc phòng chống dịch này vẫn phải trong tình trạng cảnh giác cao độ. Theo các bác sĩ: sốt xuất huyết thường rải đều cả năm, đặc biệt vào mùa mưa nhưng không vì thế mà người dân chủ quan bởi mùa hè nếu không kiểm soát chặt chẽ sẽ có nguy cơ bùng phát thành dịch lớn.

 

 Nên nghi ngờ trẻ bị bệnh nguy hiểm này khi sốt cao đột ngột 39 - 40 độ C liên tục trong 2-3 ngày. Đến ngày thứ 3-4, trẻ có thể chảy máu cam, chảy máu chân răng, chảy máu dưới da (gọi là nổi ban xuất huyết), nặng hơn nữa có thể ói ra máu, đi tiêu ra máu. Lưu ý các dấu hiệu nặng như li bì, vật vã, chân tay lạnh, tiểu ít hoặc không tiểu để đưa đi cấp cứu. Trong sốt xuất huyết, lúc nhiệt độ giảm cũng là lúc trẻ bị sốc, trụy tim mạch, nếu không chữa trị kịp thời sẽ nguy hiểm.

 

Riêng bệnh viêm não, để tránh nguy cơ bị bệnh cho trẻ, gia đình chú ý nên đưa trẻ em đi tiêm phòng viêm não Nhật Bản theo đúng quy định. Theo các bác sĩ chuyên khoa nhi, giai đoạn đầu của sốt do virus với sốt dẫn đến viêm não là gần như giống nhau. Sốt virus từ 5-7 ngày thì tự hết, còn sốt chưa rõ nguyên nhân thì rất nguy hiểm.  Nếu đã bị bệnh phải nghỉ ngơi, uống nhiều nước, đặc biệt với trẻ bị sốt phải uống đủ nước thì cơ thể mới tuần hoàn tốt và nhanh hạ sốt.

 

Theo Kim Liên

Sài Gòn giải phóng