1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

TPHCM: Miễn phí cấy ốc tai điện tử cho trẻ dưới 7 tuổi

(Dân trí) - Bệnh viện Nhi Đồng 1 sẽ dành 2 bộ ốc tai điện tử có giá gần 1 tỷ đồng để tặng 2 trường hợp đáp ứng đủ tiêu chí chuyên môn, có hoàn cảnh khó khăn nhất.

Ngày 31/5, Ban giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết đã tiếp nhận 2 bộ ốc tai điện tử được tài trợ có trị giá khoảng 900 triệu đồng (theo giá sàn quốc tế) để cấy ghép miễn phí cho 2 trường hợp đặc biệt không có khả năng chữa trị.

Theo đó, bệnh viện không tổ chức khám sàng lọc trên diện rộng mà chỉ chọn bệnh nhi có hoàn cảnh khó khăn nhất (căn cứ theo đơn xin giúp đỡ, có xác nhận của địa phương, được Phòng Công tác Xã hội của bệnh viện khảo sát, xét duyệt) từ những bệnh nhi đến đến khám, có chỉ định cấy ốc tai điện tử tại bệnh viện.

Được biết, sau khi cấy ốc tai điện tử các bé còn phải bước vào giai đoạn ngôn ngữ trị liệu để huấn luyện ngôn ngữ cơ bản.

TPHCM: Miễn phí cấy ốc tai điện tử cho trẻ dưới 7 tuổi - 1

Cấy ốc tai điện tử là giải pháp hỗ trợ để giúp trẻ khiếm thính có thể nghe và nói bình thường

Từ năm 2010 đến nay, Nhi Đồng 1 đã thực hiện phương pháp cấy ốc tai điện tử cho khoảng 40 bệnh nhi trong nhóm 1 - 6 tuổi (trẻ sau 7 tuổi đã mất khả năng ngôn ngữ nên không có chỉ định) và hiện các cháu đã có thể nghe, nói, hòa nhập xã hội, đến trường như những trẻ bình thường.

Tuy nhiên, còn hơn 90% trẻ đang phải sống chung với khuyết tật này do chi phí lên tới trên dưới 500 triệu đồng (tùy mức độ khuyết tật và độ tuổi từng ca), trong khi Bảo hiểm y tế chỉ chi trả một phần phí phẫu thuật, không chi trả cho thiết bị.

BS Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc bệnh viện cho hay: Khiếm thính là một trong những khuyết tật hàng đầu ở trẻ với tỉ lệ 3-5 trẻ/1.000 trẻ chào đời. Chưa kể điếc thứ phát ở nhóm trẻ mắc các bệnh lý liên quan như: vàng da, sinh non, nhẹ cân, nhiễm trùng, viêm màng não.

Tuy nhiên, việc tầm soát tại TPHCM hiện mới chỉ có Bệnh viện Nhi Đồng 1 và Bệnh viện Tai Mũi Họng thực hiện.

BS Nguyễn Tuấn Như, khoa Tai Mũi Họng cho hay, các bé có thể bị điếc hoàn toàn hoặc suy giảm một phần thính lực và có thể được phát hiện sau 3 ngày trẻ chào đời. Các giải pháp can thiệp hỗ trợ có thể thực hiện sau 5 tháng tuổi.

Bác sĩ lưu ý, sau khi trẻ chào đời, nếu bé có các biểu hiện bất thường như: không đáp ứng (giật mình) với tiếng động lớn, tiếng ồn từ bên ngoài trong khi ngủ; không có phản ứng (quay đầu nhìn, biểu hiện nét mặt, ánh mắt...) khi được gọi... phụ huynh nên đưa trẻ đến các bệnh viện chuyên khoa để được khám và hỗ trợ điều trị sớm.

Vân Sơn