1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

TPHCM: Mắc bệnh sởi nặng, nhiều trẻ nhập viện

(Dân trí) - Sau thời gian dài tạm lắng, bệnh sởi bất ngờ xuất hiện trở lại khiến nhiều trẻ phải nhập viện trong tình trạng nặng. Ngoài những trường hợp không được chích ngừa, trẻ chưa đến tuổi tiêm phòng loại bệnh này cũng mắc bệnh.

Cha mẹ chủ quan, con phát bệnh

Đi học về, bé Nguyễn Hoàng Thanh (8 tuổi, ngụ tại quận Bình Tân) đột nhiên lên con sốt cao, ho nhiều… Gia đình cho cháu uống thuốc tây nhiều ngày nhưng bệnh tình mỗi ngày một xấu hơn. Đến ngày thứ 4 của bệnh, bé Thanh có biểu hiện đỏ mắt, tiêu chảy, phát ban toàn thân. Cháu được người nhà đưa đến bệnh viện Nhi Đồng 1, qua kiểm tra lâm sàng bác sĩ kết luận bệnh nhi bị bệnh sởi, biến chứng viêm phổi nên đề nghị nhập khoa Nhiễm - Thần kinh để theo dõi điều trị.

Không được chích ngừa là nguyên nhân chính khiến trẻ mắc bệnh
Không được chích ngừa là nguyên nhân chính khiến trẻ mắc bệnh

Ngồi bên giường bệnh nhìn đứa con lanh lợi hoạt bát ngày nào nay “sụi lơ, nằm một chỗ” chị Nguyễn Thị Quỳnh, mẹ bệnh nhân chép miệng: “Giờ con nó đổ bệnh thế này mình mới thấy hối hận, làm mẹ nhưng mình không lo chu toàn cho sức khỏe của con khiến thằng bé gánh hậu quả”. Theo lời chị Quỳnh, do vợ chồng chị quá bận với việc làm ăn nên chị không có nhiều thời gian để mắt đến con. “Thực lòng, tôi cũng không rõ đến giờ con tôi đã được chích ngừa sởi hay chưa”.

Nằm gần giường bệnh với Hoàng Thanh là trường hợp của bé Trịnh Văn Tuấn (4 tuổi, ngụ tại quận Tân Bình). Theo lời bà Lê Thị Hoa, cháu ngoại của bà đã phát bệnh ở ngày thứ 8. Thằng bé nhập viện được 4 ngày, nay bệnh tình cũng thuyên giảm nhiều. Bà Hoa không biết nguyên nhân mắc bệnh của cháu mình nhưng bà quả quyết Tuấn chưa được cha mẹ đưa đi chích ngừa. “Khi phường thông báo đến ngày tiêm chủng thì thằng bé lại bị bệnh nên không tiêm được. Đáng lý cha mẹ nó phải đưa con đi tiêm bổ sung hoặc tiêm dịch vụ để ngừa bệnh… đến khi con mắc bệnh rồi mới ngớ người ra”.

Trẻ mới hơn 5 tháng tuổi đã bị bệnh tấn công
Trẻ mới hơn 5 tháng tuổi đã bị bệnh tấn công

Ngoài những trường hợp không được chích ngừa mắc bệnh, các bé chưa đến tuổi tiêm phòng cũng bị lây nhiễm. Ngồi cạnh bé Tiến Minh (hơn 5 tháng tuổi) chị Nguyễn Thị Thu Uyên (42 tuổi, ngụ tại Gò Vấp) nghẹn ngào: “Vợ chồng tôi hiếm muộn, cưới nhau hơn 23 năm mới sinh được mụn con, tôi nghỉ cả việc để ở nhà chăm cho bé. Lịch tiêm chủng của bác sĩ cho con, tôi không bỏ sót mũi nào chẳng hiểu sao bé lại mắc bệnh”. Cùng cảnh với bé Minh, bé Văn Dũng mới được 8 tháng tuổi cũng mắc bệnh sởi, phát ban đỏ bầm khắp cơ thể. Người mẹ cho biết có thể bé đã bị nhiễm bệnh khi cho đi nhà trẻ.

Nhiều bác sĩ tư vấn chưa đúng

Theo thống kê của phòng Kế hoạch tổng hợp, bệnh viện Nhi Đồng 2, từ tháng 9 đến nay bệnh viện đã tiếp nhận 11 trường hợp trẻ mắc sởi phải nhập viện điều trị nội trú. Trong đó, tháng 10 và tháng 11 mỗi tháng có 5 trường hợp, riêng tháng 11 có thêm 8 trường hợp đến khám và điều trị ngoại trú.

Số ca bệnh sởi nhập viện tại bệnh viện Nhi Đồng 1 ghi nhận đông hơn, BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh cho biết: “Chúng tôi mới chỉ ghi nhận bệnh trong khoảng 2 tuần trở lại đây. Tuy nhiên, số ca nhập viện điều trị trong ngày liên tục duy trì ở mức từ 5 đến 6 bé. Tính đến ngày 04/12, tại khoa có 5 trẻ đang điều trị sởi, trong đó có 2 trường hợp bị biến chứng viêm phổi phải nằm cấp cứu, cần điều trị kháng sinh. Sởi là bệnh nguy hiểm với tốc độ lây lan nhanh, nhiều nằm qua công tác dự phòng đã ngăn chặn được dịch bệnh, nhưng hiện nay bệnh đang tái phát trở lại.”

Y bác sĩ quan ngại về nguy cơ bệnh sởi lây lan trên diện rộng
Y bác sĩ quan ngại về nguy cơ bệnh sởi lây lan trên diện rộng

Theo BS Trương Hữu Khanh: “Qua thực tế khai thác bệnh sử từ thân nhân bệnh nhân ghi nhận nhiều bác sĩ đã tư vấn chưa đúng về việc tiêm ngừa cho bệnh nhi. Không ít phụ huynh cho biết đã được bác sĩ khuyến cáo không nên chích ngừa sởi cho con khi bé 9 tháng tuổi mà để dồn đến khi trẻ được 12 tháng sẽ chích mũi 3 trong 1 (sởi, quai bị, rubella) điều này là không nên bởi có thể trong thời gian chờ đợi trẻ đã bị nhiễm bệnh”.

BS Hữu Khanh khuyến cáo: “Sởi là bệnh dễ lây nhiễm cho những người không có kháng thể với bệnh này. Do đó, khi trẻ bị bệnh, phụ huynh cần cách ly các bé để không lây bệnh cho người thân và cộng đồng. Chích ngừa là biện pháp phòng bệnh sởi hiệu quả nhất, khi trẻ được 9 tháng cần phải được chích mũi thứ nhất, trẻ phải chích nhắc lại khi 18 tháng tuổi.

Trẻ mắc sởi nhẹ hoàn toàn có thể điều trị tại nhà. Tuy nhiên, phụ huynh tuyệt đối không nên bắt trẻ kiêng ăn, kiêng tắm, kiêng gió. Nếu thấy trẻ có các biểu hiện sốt cao, khó thở, co giật, đi phân ra máu, chảy mủ tai… phụ huynh cần nhanh chóng chuyển trẻ đến bệnh viện để bác sĩ can thiệp tránh biến chứng viêm não, viêm phổi hoặc gây điếc, gây mù cho trẻ.

Tên bệnh nhi và thân nhân đã được thay đổi.

Vân Sơn