TPHCM: Gánh nặng kép về dinh dưỡng

(Dân trí) - Đây là nhận định của BS Lê Thị Kim Quý, Giám đốc TT Dinh dưỡng TPHCM tại hội nghị tổng kết chiến lược quốc gia dinh dưỡng TPHCM ngày 3/4.

Trong thời gian qua, tuy tình trạng suy dinh dưỡng (SDD) trẻ dưới 5 tuổi đã được cải thiện  (từ 18,1% năm 1999 còn 7,8% năm 2006) nhưng tình trạng SDD ở trẻ dưới 5 tuổi vẫn tập trung nhiều ở các vùng ngoại thành. Nguyên nhân chủ yếu là do cuộc sống các gia đình vùng nông thôn vẫn còn nhiều khó khăn và kiến thức về dinh dưỡng vẫn còn rất hạn chế.  

 

Tình trạng SDD ở lứa tuổi học đường cũng là vấn đề thách thức đối với ngành dinh dưỡng. Bởi dinh dưỡng không hợp lý ở độ tuổi này sẽ làm giảm khả năng học tập và hạn chế sự phát triển thể lực của trẻ.

 

Mặt khác, đang có sự gia tăng đáng báo động về số trẻ thừa cân béo phì (TCBP). Phần lớn trẻ thừa cân tập trung ở các vùng nội thành và ở lứa tuổi dưới 5 tuổi, học sinh cấp 1. TCBP xuất hiện sớm trên lứa tuổi nhỏ sẽ dẫn đến các bệnh lý như tiểu đường, cao huyết áp, rối loạn chuyển hóa chất béo khi trẻ trưởng thành.

 

Theo TTDD TPHCM, để chiến lược quốc gia về dinh dưỡng tại TPHCM năm 2008 có kết quả tốt hơn, cần tập trung việc đẩy mạnh chương trình dinh dưỡng học đường, bổ sung các vi chất dinh dưỡng (vitamin A, viên sắt, iot ...) cho phụ nữ và trẻ em. Ngoài ra cần phải có biện pháp khống chế tình hình gia tăng TCBP ở trẻ nhỏ, cũng như cải thiện vấn đề tuân thủ các quy định về VSATTP trong người dân.

 

Ngọc Thanh