TPHCM: Gần nửa triệu học sinh cần phải đeo kính

Theo một nghiên cứu về các tật khúc xạ ở mắt trên thiếu nhi do BV Mắt TPHCM tiến hành, gần 40% học sinh ở TPHCM, tức gần nửa triệu em cần phải đeo kính. Để trang bị kính cho toàn bộ số học sinh này, xã hội phải chi phí hơn 85 tỷ đồng.

Cuộc khảo sát được tiến hành trong khoảng thời gian từ 3/2005 đến 7/2006. Có 2.747 học sinh từ 7 -15 tuổi của 20 trường ở 6 quận, huyện tại TPHCM đã được khảo sát.

 

Hiện nay số học sinh trên toàn TPHCM là trên 1 triệu em, với tỷ lệ tật khúc xạ chung trong HS là 39,35%, tức có khoảng 427.000 em cần phải đeo kính.

 

Kiến thức chung của học sinh về tật khúc xạ chưa được tốt, hầu hết chỉ đạt khá và trung bình. Số liệu khảo sát cho thấy, có 3,3% trẻ không biết về tật khúc xạ. Khi các em biết mình bị tật khúc xạ, do mặc cảm nên không đeo kính, sợ đeo kính vào sẽ trở nên xấu xí. Thậm chí có nhiều em quan niệm sai lầm là đeo kính vào sẽ làm tăng độ.

 

Không xem tivi , ngồi trước màn hình vi tính quá 45 - 60 phút và ngồi quá gần hay quá xa màn hình. Không thức quá khuya để đọc sách. Nghỉ ngơi 5-10 phút sau mỗi giờ học ở nhà. Dùng nhiều rau quả có màu vàng, đỏ, lá xanh đậm, gan, trứng... để bổ sung các vitamin cần thiết cho mắt như vitamin A, E...

 

Kết quả khảo sát còn cho thấy, có đến 55,4% phụ huynh còn hiểu lờ mờ về tật khúc xạ.

 

Điều đáng chú ý, theo BS. Lê Thị Thanh Xuyên - BV Mắt TPHCM, cứ 100 trẻ bị mắc các tật về khúc xạ (cận - viễn - loạn thị) thì có đến 33 trẻ không đeo kính. Tuy nhiên, trong 10 trẻ đeo kính thì có đến 7 trẻ đeo kính không đúng độ. 

 

Nghiên cứu trên còn chỉ ra rằng, nếu chi phí trung bình một cặp kính là 200.000đ thì mỗi năm, phụ huynh học sinh phải chi một số tiền tối thiểu là 85,4 tỷ đồng để mua kính đeo mắt cho các em. Đây là một số tiền không nhỏ mà xã hội và gia đình học sinh phải gánh chịu.

 

Các bác sĩ cho biết nên đưa trẻ đi khám mắt định kỳ 6 tháng một lần tại các cơ sở chuyên khoa mắt hoặc khi có các dấu hiệu: nhìn xa không rõ, cúi đầu sát sách, bàn khi đọc hay viết, dụi mắt một cách không bình thường.

 

Theo Hương Cát

Vietnamnet