TPHCM: Cứu sống người đàn ông ngưng tim ngã gục khi chơi bóng đá
(Dân trí) - Đang chơi bóng đá cùng bạn, người đàn ông ở TPHCM đột ngột ngã gục, ngưng tim. Trước đây, gia đình anh đã có 4 thành viên mất không rõ nguyên nhân.
Ngày 3/4, đại diện Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TPHCM) cho biết, vừa qua các bác sĩ nơi đây đã cứu sống ngoạn mục một người đàn ông đột tử khi đang chơi thể thao, do đột biến gene hiếm gặp.
Bất ngờ ngưng tim khi chơi bóng đá
Đó là trường hợp anh V.H.H. (39 tuổi, ngụ TP Thủ Đức, TPHCM). Khai thác bệnh sử, anh H. chưa từng ghi nhận bệnh lý tim mạch, nhưng trong gia đình đã có 4 thành viên đột tử không rõ nguyên nhân.
Một ngày tháng 3, anh H. chơi thể thao cùng bạn. Khi vừa đỡ quả bóng bằng ngực, người đàn ông đột ngột ngã gục rồi ngưng tim, được người dân đưa đến khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TPHCM) trong đêm. Tại đây, bệnh nhân đã trong tình trạng mạch và huyết áp không thể xác định, sinh hiệu ghi nhận nhịp nhanh thất liên tục.
Ngay lập tức, ekip điều trị tiến hành xoa bóp tim ngoài lồng ngực kết hợp sốc điện liên tục trong 30 phút, nhưng tim vẫn chưa đập trở lại. Bệnh nhân tiếp tục được hồi sức tim phổi, trong tâm thế "còn nước còn tát" của các bác sĩ.
Sau 45 phút hồi sức với tổng cộng 10 lần sốc điện chuyển nhịp, cuối cùng người bệnh đã có dấu hiệu hồi phục tuần hoàn tự nhiên.
Dù vậy, người bệnh vẫn tụt huyết áp nặng, đồng thời diễn tiến phù phổi tổn thương do hồi sức tim phổi kéo dài.
Sau khi dùng thuốc vận mạch, anh H. được chuyển đến đơn vị Hồi sức tim mạch để vừa tiến hành hạ thân nhiệt bảo vệ não (còn gọi là kỹ thuật "gấu ngủ đông"), vừa can thiệp oxy hóa máu màng ngoài cơ thể (ECMO).
Thạc sĩ, bác sĩ Trần Thanh Nam, đơn vị Hồi sức tim mạch chia sẻ, bên cạnh tổn thương cơ tim nặng, anh H. cũng tổn thương hai phổi tiến triển. Nếu chỉ thực hiện chạy ECMO đơn thuần, tình trạng hô hấp người bệnh khó đảm bảo. Do đó, các bác sĩ quyết định can thiệp theo phương thức lai ghép (V-AV ECMO), để hỗ trợ tối ưu cho cả tim và phổi.
Sau 48 giờ can thiệp ECMO đặc biệt, phối hợp hạ thân nhiệt và lọc máu liên tục, anh H. phục hồi tri giác hoàn toàn. Bệnh nhân được cai ECMO sau 3 ngày can thiệp, ngừng hỗ trợ thở máy xâm lấn sau 4 ngày và ra khỏi phòng hồi sức tích cực sau 6 ngày.
Đột biến gene hiếm gặp gây đột tử
Dù đã qua cơn nguy hiểm, người bệnh tiếp tục được theo dõi chuyên sâu tại đơn vị Hồi sức tim mạch, đồng thời làm các chụp chiếu, tầm soát những yếu tố nguy cơ tim mạch. Song song đó, các bác sĩ cho người đàn ông xét nghiệm di truyền học để phát hiện đột biến gene, liên quan đột tử do rối loạn nhịp tim.
Kết quả xét nghiệm di truyền học ghi nhận, anh H. có đột biến gene MYPN - một loại gene mã hóa protein cấu thành đơn vị co cơ tim myopalladin. Đột biến gene MYPN chiếm tỉ lệ dưới 2% ở bệnh cơ tim dãn nở và đã được báo cáo là nguyên nhân gây đột tử trong vài ca lâm sàng theo y văn trên thế giới.
Dựa trên tiền sử có đột tử do rối loạn nhịp thất kết hợp với bằng chứng đột biến gene, người bệnh được cấy máy phá rung (ICD) để phòng ngừa bệnh tái phát trong tương lai. Bên cạnh đó, kết quả bất thường di truyền cũng là cơ sở để các bác sĩ tim mạch tiếp tục tầm soát bệnh tim mạch cho thân nhân người bệnh.
"Sau khi được cấy máy phá rung, người bệnh cần thời gian phục hồi chức năng tim mạch vài tuần tại bệnh viện và có thể hòa nhập cuộc sống bình thường sau đó", thạc sĩ, bác sĩ Huỳnh Trung Tín, Đơn vị Hồi sức tim mạch nói.
Đột tử liên quan vận động thể thao là vấn đề rất được quan tâm trong thời gian gần đây. Để phòng ngừa đột tử, người tham gia các môn thể thao cần hiểu về sức khỏe tim mạch của bản thân, đặc biệt quan trọng khi trong gia đình có thành viên đột tử do tim hay không rõ nguyên nhân.
Khi các triệu chứng đau tức ngực, chóng mặt, khó thở… xuất hiện trong lúc đang vận động thể lực (dù ở cường độ nào), người dân cũng nên đến bệnh viện để tầm soát các bất thường tim mạch và xin lời khuyên của bác sĩ chuyên khoa, về việc lựa chọn môn thể thao phù hợp tình trạng sức khỏe và tình trạng bệnh lý.