1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Thành tựu y khoa Việt Nam: Phương pháp điều trị qua da giúp hạn chế đột tử

Hoàng Lê

(Dân trí) - Theo chuyên gia tim mạch, sau phẫu thuật sửa tứ chứng Fallot, bệnh nhân thường diễn tiến hở van động mạch phổi, gây giãn buồng tim phải, dẫn đến tăng nguy cơ đột tử.

Ngày 27/2, đại diện Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết, tối qua (26/2), đơn vị đã được vinh danh tại Lễ trao giải Thành tựu y khoa Việt Nam 2023, cho công trình "Thay van động mạch phổi qua da sau phẫu thuật sửa chữa tứ chứng Fallot".

Đây là giải thưởng nhằm tôn vinh những đóng góp của các tập thể, cá nhân và giới thiệu rộng rãi các thành tựu, công trình y khoa của ngành Y tế Việt Nam, do Sở Y tế TPHCM phối hợp cùng một số đơn vị tổ chức.

Thành tựu y khoa Việt Nam: Phương pháp điều trị qua da giúp hạn chế đột tử - 1

Công trình tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM vừa nhận giải thưởng thành tựu y khoa (Ảnh: BV).

Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM là đơn vị y tế đầu tiên tại Việt Nam độc lập thực hiện kỹ thuật thay van động mạch phổi qua da trên người bệnh hở van động mạch phổi. Kỹ thuật này được triển khai tại đây từ tháng 4/2023.

Đến nay, Bệnh viện đã thực hiện kỹ thuật cho 8 trường hợp. Sau can thiệp, người bệnh không phải nằm hồi sức và có thể xuất viện trong 1-2 ngày, được tái khám định kỳ, theo dõi chặt chẽ. Người bệnh được can thiệp tốt, không có biến chứng và chất lượng cuộc sống được cải thiện rõ rệt.

 Giáo sư Trương Quang Bình, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện cho biết, tứ chứng Fallot là bệnh lý tim bẩm sinh đặc trưng bởi 4 tổn thương về mặt cấu trúc trong tim. Sau phẫu thuật sửa chữa bệnh lý trên, hở van động mạch phổi là một trong những diễn tiến tự nhiên thường gặp.

Tình trạng này gây giãn buồng tim phải, dẫn đến hở van ba lá, suy tim phải, rối loạn nhịp tim, tăng nguy cơ đột tử. Do đó, người bệnh cần được điều trị bằng phương pháp thay van để cải thiện quá trình suy tim phải, hạn chế nguy cơ rối loạn nhịp và đột tử.

Theo Giáo sư Bình, hiện có hai phương pháp thay van động mạch phổi, là phẫu thuật tim mở và can thiệp qua da. Trong đó, kỹ thuật can thiệp thay van qua da giúp người bệnh tránh được cuộc phẫu thuật tim lớn lần thứ 2, giảm các nguy cơ biến chứng do mổ mở.

Thành tựu y khoa Việt Nam: Phương pháp điều trị qua da giúp hạn chế đột tử - 2

Kỹ thuật can thiệp thay van qua da giúp người bệnh tránh được cuộc phẫu thuật tim lớn (Ảnh: BV).

Thạc sĩ, bác sĩ Đào Anh Quốc, khoa Phẫu thuật tim trẻ em cho biết, với kỹ thuật này, bác sĩ sẽ sử dụng một ống thông có khung kim loại hình dáng giống như mạch máu (stent), trên đó gắn van tim nhân tạo. Ống được luồn từ một mạch máu lớn ở đùi để đưa dụng cụ đến ngay chỗ van động mạch phổi bị hẹp, hở.

Thông qua hệ thống máy chụp mạch máu xóa nền, người điều trị sẽ đưa dụng cụ đến vị trí van động mạch phổi bị hẹp, đẩy van nhân tạo ra khỏi ống thông và bung ra. Van nhân tạo này sẽ hoạt động như một van tim bình thường.

Phó giáo sư Nguyễn Hoàng Bắc, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết, phương pháp thay van động mạch phổi qua da là niềm hy vọng cho những người bệnh hở van động mạch phổi, sau phẫu thuật sửa tứ chứng Fallot.

Đồng thời, đây còn là bước tiến lớn trong việc quản lý và điều trị cho người bệnh của đơn vị, mang lại cơ hội điều trị ít xâm lấn, giảm bớt nguy cơ phẫu thuật, rút ngắn thời gian nằm viện nhưng vẫn đảm bảo tính an toàn và hiệu quả.

Trong thời gian tới, Bệnh viện sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện kỹ thuật và hỗ trợ đào tạo, chuyển giao kỹ thuật cho các cơ sở y tế, các trung tâm khác ở TPHCM cũng như các tỉnh thành trên toàn quốc. Từ đó, giúp ngày càng nhiều người bệnh được tiếp cận với phương pháp tiên tiến này.

Ngoài "Thay van động mạch phổi qua da sau phẫu thuật sửa chữa Tứ chứng Fallot", có 11 công trình khác nhận giải thưởng Thành tựu y khoa Việt Nam lần 4, như "Chặng đường 30 năm giảm tỷ lệ tử vong bệnh uốn ván" (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM), "Phẫu thuật bảo tồn sinh sản trong ung thư cổ tử cung" (Bệnh viện Ung bướu TPHCM); "Can thiệp dị dạng mạch máu bằng phương pháp tiêm cồn" (Bệnh viện Nhân dân Gia Định)...