TPHCM: 14.800 trẻ em dưới 16 tuổi mắc Covid-19

Quang Huy

(Dân trí) - Lãnh đạo Sở Y tế cho biết, thành phố đã ghi nhận 14.800 trường hợp mắc Covid-19 là trẻ em dưới 16 tuổi. Việc chăm sóc các em nhỏ gặp những khó khăn nhất định do đặc thù của công tác điều trị Covid-19.

Chiều 8/9, Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 TPHCM tổ chức buổi họp báo nhằm cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn.

Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, thông tin, từ đầu năm đến nay thành phố đã ghi nhận 14.800 trường hợp mắc Covid-19 là trẻ em dưới 16 tuổi. Hiện tại, thành phố còn phải điều trị cho 2.800 cháu.

"Thành phố đã điều trị khỏi 12.000 cháu, chiếm tỷ lệ 8,7%. Mặt khác, có 13 trẻ em dưới 16 tuổi mắc Covid-19 đã tử vong trên địa bàn, chiếm 0,1%", ông Nguyễn Hữu Hưng chia sẻ thêm số bệnh nhi Covid-19 tử vong đa số đều có bệnh nền rất nặng.

TPHCM: 14.800 trẻ em dưới 16 tuổi mắc Covid-19 - 1

Ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM tại họp báo.

Đối với công tác điều trị, lãnh đạo Sở Y tế TPHCM cho biết, về cơ bản, những bệnh nhân Covid-19 là trẻ em có sức đề kháng tốt hơn, ít bệnh nền hơn người lớn. Trong thực tế, các bệnh nhi mắc Covid-19 sẽ ít gặp nguy hiểm, mức độ chuyển nặng ở mức thấp.

Tuy nhiên, khó khăn đối với ngành y là khi các cháu nhỏ bị bệnh cần có người lớn đi kèm để chăm sóc. Điều đó dẫn đến việc, các phụ huynh, người đi cùng chăm sóc cũng mắc Covid-19 theo.

Ngoài ra, do đặc thù của ngành y, lực lượng y, bác sĩ, nhân viên y tế cần mặc đồ bảo hộ trong quãng thời gian làm việc tại cơ sở điều trị Covid-19, không thuận tiện các cháu nhỏ. Ngoài ra, các cháu nhỏ sẽ ít có khả năng tự chăm sóc nên gây khó khăn cho ngành y tế.

Trong ngày 7/9, TPHCM đã ghi nhận hơn 7.000 bệnh nhân mắc Covid-19. Thành phố cũng ghi nhận 3.616 bệnh nhân được điều trị khỏi, xuất viện trong ngày.

Trong vòng 24 giờ qua, ngành y thành phố đã thực hiện tiêm chủng gần 159.000 mũi vắc xin Covid-19. Tính từ đợt tiêm chủng đầu tiên đến nay, toàn địa bàn đã tiêm hơn 6.8 triệu mũi vắc xin.

Trong đó, hơn 6,1 triệu người được tiêm mũi một, hơn 700.000 người đã được tiêm mũi 2. Số người trên 65 tuổi, có bệnh nền được tiêm chủng là hơn 751.000 trường hợp.