Tông vào bãi cát, nam thanh niên mất gần hết vành tai

Minh Nhật

(Dân trí) - Sau ca làm việc đêm, anh N.H.C (31 tuổi, sống tại Ninh Bình), đi xe máy về nhà trọ cùng em trai. Nhưng trên đường đi, anh C. vô tình đâm phải bãi cát giữa đường dẫn đến tai nạn.

Anh C. nhanh chóng được em trai đưa lên bệnh viện trong khu vực. Qua thăm khám, bệnh nhân C. được chẩn đoán mất một phần tai trái bên dưới, nhiều cấu trúc tai sót lại bị tổn thương nặng.

Sau đó, anh C. được khâu ghép vạt da ở vành tai bị tổn tương. Tuy nhiên, sau 5 ngày, phần da cấy ghép có biểu hiện hoại tử nên bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện Tai - Mũi - Họng Trung ương.

Tông vào bãi cát, nam thanh niên mất gần hết vành tai - 1

BS Lê Thúy An thăm khám cho bệnh nhân C.

Theo BS Lê Thúy An, khoa Phẫu thuật tạo hình - Thẩm mỹ, bệnh nhân C. nhập viện trong tình trạng vạt da được cấy ghép hoại tử. Để xử lý, các bác sĩ của Khoa đã nhanh chóng cắt lọc phần vành tai đã bị hoại tử (bao gồm da và sụn), sau đó ghép vạt da mới vào.

BS An phân tích: "Sau khi bệnh nhân được ghép da, chúng tôi sẽ tiến hành theo dõi vết thương hàng ngày, để đánh giá tình trạng sống của vạt da, cũng như kịp thời phát hiện những bất thường. Bệnh nhân cũng sẽ được rửa nước muối và bôi thuốc phần da bị tổn thương hàng ngày"

Cũng theo BS An, phẫu thuật cấy ghép vạt da chỉ để bảo tồn phần vành tai còn lại. Với phần tai đã mất, nếu bệnh nhân có nhu cầu sẽ được tiến hành thêm các các cuộc phẫu thuật khác để tạo hình vành tai.

Tông vào bãi cát, nam thanh niên mất gần hết vành tai - 2

Vành tai của bệnh nhân sau phẫu thuật cấy ghép vạt da

Theo PGS.TS Phạm Tuấn Cảnh, Giám đốc Bệnh viện Tai - Mũi - Họng Trung ương, hiện tại trên thế giới có nhiều phương pháp để tạo hình vành tai thiểu bẩm sinh hoặc sau chấn thương. Trong đó, có 3 phương pháp chính là:

- Lấy sụn sườn để để tạo hình vành tai. Sau đó, cấy vào dưới da đầu vùng tai, rồi nâng lên tạo thành hình vành tai.

"Tạo hình vành tai theo phương pháp này cần ít nhất 2-3 lần phẫu thuật. Trong đó, lần đầu tạo khung sụn mất khoảng 5-6 tiếng và lần tiếp theo mất khoảng 2-3 tiếng", BS Cảnh nhận định.

Cũng theo chuyên gia này, hiện chưa có kỹ thuật nào trên thế giới khôi phục vành tai bằng sụn sườn giống hệt 100% so với vành tai gốc.

Tông vào bãi cát, nam thanh niên mất gần hết vành tai - 3

PGS.TS Phạm Tuấn Cảnh, Giám đốc Bệnh viện Tai - Mũi - Họng Trung ương

Tuy nhiên, tai sau khi được tái tạo đã rất tốt, có thể giúp bệnh nhân tự tin hơn, cũng như giảm bớt bất tiện trong cuộc sống, điển hình như: đeo kính hay đeo khẩu trang. Đây cũng là phương pháp tạo hình vành tai phổ biến nhất ở nước ta.

- Dùng vành tai giả bằng silicone. Tai bệnh nhân được làm mẫu để đổ khuôn vành tai silicone. Sau đó, tai giả này sẽ được bắt vít xoáy vào xương sọ. Tuy nhiên, phương pháp này có giá thành cao nên ít phổ biến tại Việt Nam.

- Dùng vật liệu có sẵn như silicon để làm sụn vành tai, thay vì dùng sụn sườn tự thân của bệnh nhân. Tuy nhiên, phương pháp này khiến bệnh nhân đối diện với nguy cơ bị đào thải phần sụn silicone.