Tổng thống Trump "đổ thêm dầu" vào phong trào chống tiêm chủng
(Dân trí) - Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bày tỏ lo ngại về sự "gia tăng mạnh mẽ" tỷ lệ mắc bệnh tự kỷ - một lập luận thường được những người vận động chống vắc xin vin vào. Tuy nhiên, ngay lập tức quan điểm này đã bị các chuyên gia về bệnh tự kỷ bác bỏ.
Trump tin rằng vắc xin gây ra tự kỷ
Tại một cuộc họp ở Nhà Trắng, Tổng thống Trump hỏi hiệu trưởng của một trung tâm giáo dục đặc biệt ở Virginia rằng bà có thấy sự gia tăng các trường hợp tự kỷ ở trường của mình không.
"Điều gì đang diễn ra với bệnh tự kỷ? Khi bạn nhìn vào sự gia tăng khó tin đó ... đó thực sự là sự gia tăng khủng khiếp", ông nói.
Hiệu trưởng Jane Quenneville đã đáp lại rằng 1/66 trẻ có chẩn đoán mắc bệnh tự kỷ, con số phù hợp với báo cáo gần đây nhất của chính phủ về vấn đề này.
"Thậm chí dưới mức đó cũng thật khó tin", ông Trump cho biết thêm: "Có lẽ chúng ta có thể làm gì đó".
Tháng trước, Robert F Kennedy Jr, người ủng hộ giả thuyết cho rằng vắc-xin gây ra tự kỷ, cho biết ông Trump đã lên kế hoạch bổ nhiệm ông làm chủ tịch một ủy ban “an toàn vắc-xin” mới.
Một khảo sát đã cho thấy rằng 1/3 số người ủng hộ Tổng thống Trump tin rằng vắc xin gây bệnh tự kỷ.
Trước đây ông chủ Nhà trắng đã từng cho biết ông tin rằng vắc xin có thể gây ra bệnh tự kỷ. Một đoạn tweet năm 2014: "Một đứa trẻ khỏe mạnh tới chỗ bác sĩ, được tiêm nhiều loại vắc xin, không cảm thấy tốt và thay đổi - TỰ KỶ. Nhiều trường hợp như vậy! "
Tổng thống đã sai
Tuy nhiên có nghiên cứu khoa học đầy đủ kết luận rằng các vắc xin như MMR – phòng bệnh sởi, quai bị và rubella - không liên quan với tự kỷ.
Nhà khoa học Steve Silberman nói trên tạp chí New York Magazine rằng tổng thống đã sai khi nhấn mạnh sự gia tăng là "to lớn" và "khủng khiếp" như thế nào.
"Một số người cho rằng có những yếu tố môi trường - không phải là vắc xin - có thể góp phần vào sự gia tăng nhỏ. Nhưng mọi người đều nhất trí là không có sự gia tăng lớn, đáng ngạc nhiên, hay “khủng khiếp”, như ông Trump nói, trong bệnh tự kỷ".
Silberman, tác giả cuốn sách về tự kỷ Neurotribes đoạt giải Samuel Johnson uy tín cho tác phẩm không hư cấu hay nhất, cho biết các nghiên cứu đã cho thấy cha mẹ lớn tuổi dễ sinh con tự kỷ hơn.
Do đó xu hướng sinh con muộn có thể đã góp phần làm tăng nhẹ số trường hợp tự kỷ, cũng như làm tăng nhận thức của cộng đồng về tình trạng này.
"Thống kê của CDC đã ổn định trong vài năm, đúng như dự kiến, vì nguyên nhân chính của sự gia tăng bắt đầu từ những năm 1990 là tiêu chuẩn chẩn đoán được mở rộng và tăng nhận thức về bệnh tự kỷ trong cộng đồng", Silberman nói.
Vắc xin MMR đã có mặt tại Mỹ kể từ năm 1963, và đã giúp nước Mỹ thanh toán bệnh sởi từ hơn một thập kỷ trước, có nghĩa là mọi ca bệnh đều là từ từ nước ngoài và không có nguy cơ lây truyền trong nước.
Nhưng trong năm 1998, bác sĩ người Anh Andrew Wakefield công bố một nghiên cứu gây tranh cãi và bị nghi ngờ trên tờ The Lancet, với mục đích chỉ ra sự liên quan giữa tiêm MMR và bệnh tự kỷ ở trẻ em.
Bài báo đã bị gỡ bỏ và TS Wakefield đã xóa đi, nhưng dù sao nó cũng đã tiếp sức cho phong trào chống tiêm phòng đang lan rộng.
Vụ dịch sởi tại Disneyland hai năm trước đây được cho là hệ quả của việc trẻ em không được tiêm phòng đúng cách.
Tháng Ba năm ngoái Trung tâm Phòng chống dịch bệnh Mỹ (CDC) báo cáo khoảng 1/ 68 trẻ tuổi học đường bị tự kỷ hoặc các rối loạn liên quan – tương đương như năm 2014.
Tuy tỷ lệ có vẻ tăng kể từ năm 2000, khi số liệu của CDC cho thấy khoảng1/150 trẻ bị rối loạn, các chuyên gia cho rằng điều này là do nhận thức tốt hơn về bệnh và những thay đổi trong cách thức chẩn đoán.
Cẩm Tú
Theo Independent