Tổn thương não nặng nề vì vàng da
(Dân trí) - Quan niệm chưa chẵn tháng, cả mẹ và em bé chưa được ra khỏi phòng để tránh gió máy của nhiều người dân cả ở thành thị, nông thôn là nguyên nhân dẫn tới nhiều trường hợp vàng da bệnh lý nhưng không được phát hiện sớm.
Nguy hiểm nằm phòng kín
Tại nhiều vùng quê, phòng gái đẻ luôn có đặc trưng các cửa đóng kín, mùi bồ kết thơm nồng (nhất là vào mùa đông). Trẻ rất hiếm khi được bế ra khỏi phòng, hưởng ánh sáng tự nhiên.Và nhiều gia đình có gái đẻ ở thành phố cũng không phải là ngoại lệ.
Dù nhiều gia đình không quan niệm "cho ra ngoài dễ gió máy" nhưng do nhà cửa quá chật hẹp, nhà ống, dưới nhà là ngõ nhỏ đông đúc nên trẻ cũng ít khi được tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên, kết quả là 24/24h trẻ sống trong ánh điện.
Việc không được tiếp xúc thường xuyên với ánh sáng, khí trời không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất, trí tuệ của trẻ mà nó cũng là nguyên nhân khiến khó phát hiện được những bệnh lý có thể quan sát bằng mắt thường, như bệnh vàng da ở giai đoạn sau sinh.
Chị Lê Thanh H, ở Long Biên, Gia Lâm, Hà Nội thở phào khi con chị được điều trị khỏi chứng vàng da bệnh lý. Chị kể, vì nhà ở ngay mặt phố tấp nập, lại nhà ống kéo dài, vừa để tránh ồn, tránh bụi, chị luôn giữ con trong phòng. Cũng chẳng khi nào đưa con xuống dưới đường vì không gian không thuận tiện, xe cộ đông đúc. Trẻ ở trong ánh đèn tuýp 24/24h nên không nhận biết dấu hiệu lạ thường của da.
Đến ngày thứ 5, thấy con mọc nhiều kê, chị mới nhờ cô em họ là y sỹ xem cho cháu, nhìn trong ánh điện, không xác định được liệu có phải viêm da, chị mới bạo dạn bế xuống tầng dưới, mở cửa, ra đường để nhìn rõ da của bé. Cả chị và cô em họ đều giật mình vì thấy ngoài những chấm trắng li ti trên da, da bé rất vàng mà lòng trắng mắt cũng có màu đục đục. Tình trạng vàng da của bé đã lan tới vùng ngực.
Vội đưa con tới khoa nhi Bệnh viện Bạch Mai, bác sĩ khám và xác định cháu bị vàng da sinh lý, chỉ cần điều trị bằng chiếu đèn vài ngày là khỏi. May mắn, chị phát hiện con bị vàng da ở ngày tuổi thứ 5, tình trạng nhẹ nên không để lại biến chứng gì đặc biệt.
Đau lòng hơn, mới đây, bệnh viện Nhi Đồng 1, TPHCM đã tiếp nhận và điều trị nhiều trường hợp sơ sinh bị vàng da trong tình trạng rất nặng. Đặc biệt, có hai trẻ bị chất gây vàng da (bilirubin) thấm vào não nên đã tử vong. Được biết, cả hai trường hợp này đều được cho nằm trong buồng tối từ khi mới sinh, ít khi được bế ra khỏi phòng.
Ranh giới mong manh sinh lý - bệnh lý
TS.BS Nguyễn Tiến Dũng, trưởng khoa Nhi BV Bạch Mai khẳng định: "Tỷ lệ trẻ sơ sinh bị vàng da rất nhiều, trong đó chủ yếu là vàng da sinh lý, bệnh tự khỏi sau vài ngày. Chính vì thế, mà rất nhiều người dân chủ quan không đưa trẻ đi khám khi bé có dấu hiệu vàng da".
Chỉ đến khi trẻ vàng da có thêm các dấu hiệu bú kém, bỏ bú, hay quấy khóc, ngủ li bì, nôn trớ, vàng da tới vùng bụng… thì nhiều người mới đưa trẻ đi khám.
Theo TS Dũng, hầu hết trẻ sau sinh từ 2 - 3 ngày là bị vàng da. Nguyên nhân là do các hồng cầu trong máu bị vỡ quá nhanh chuyển hoá thành Bilirubin - một chất có sắc tố màu vàng. Nếu là sinh lý, thường chỉ từ 7 - 10 ngày là hết vì bilirubin ở mức độ thấp, không đủ khả năng thấm vào não. Bilirubin càng nhiều trong máu, mức độ vàng da càng nặng hơn. Còn nếu trẻ bị vàng da sớm trong 1- 2 ngày sau sinh thì gần như 80 - 90 % là bệnh lý.
Vàng da bệnh lý tức là bilirubin vượt qua giới hạn cho phép, gan không đào thải kịp, bilirubin có nguy cơ thấm vào não (vàng da nhân) có thể gây tử vong, hoặc nếu cứu được thì não trẻ cũng đã bị tổn thương không hồi phục: không nói, không nhìn, không nghe được; bị liệt tay chân; có những rối loạn về hành vi; không phát triển về trí tuệ.... Di chứng tổn thương não do vàng da đến nay vẫn được đánh giá là di chứng nặng nề nhất những trường hợp bị di chứng não ở trẻ sơ sinh. Tuy vậy, ranh giới để phân biệt giữa vàng da sinh lý, bệnh lý không phải dễ dàng.
Chỉ có 7 ngày để chữa trị
“Qua giai đoạn 7 ngày, nếu là bệnh lý chắc chắn nhân não đã bị tổn thương. Còn nếu là sinh lý, bệnh sẽ tự khỏi. Vấn đề là quá nguy hiểm để đợi đến ngày thứ 7 xem con bị sinh lý hay bệnh lý. Vì thế, khi thấy trẻ có dấu hiệu vàng da, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám để xác định”, TS Dũng nói.
Phát hiện, điều trị sớm, trẻ sẽ hết vàng da và không để lại bất cứ di chứng gì cho sức khoẻ sau này. Tuy nhiên, có một thực tế, là nhận thức của người mẹ về bệnh này rất thấp và cũng rất chủ quan.
"Để phát hiện vàng da sớm, nên cho trẻ nằm ở phòng đủ ánh sáng tự nhiên, thường xuyên bế trẻ ra chỗ sáng để kiểm tra da toàn thân, đặc biệt là đầu vì vàng da biểu hiện ở đầu nhiều nhất. Nếu chỉ vàng da ở trên đầu thì đó là mức độ nhẹ. Nhưng nếu thấy vàng da ở bụng, rồi xuống tới chân thì mức độ bệnh đã rất nặng. Trong trường hợp khó nhận biết (da trẻ đỏ hồng hoặc đen), người mẹ có thể dùng ngón tay ấn nhẹ xuống da trẻ trong vài giây, sau đó buông ra, nếu trẻ bị vàng da, nơi ấn ngón tay sẽ có màu vàng rõ rệt.
Ngoài ra, người mẹ có thể căn cứ vào các dấu hiệu: trẻ bị nôn trớ, bú kém, ngủ nhiều, quấy khóc... để xác định mức độ bệnh của trẻ. Đây là những biểu hiện sớm của vàng da đã có thể ảnh hưởng đến não", TS Dũng nói.
Hồng Hải