TPHCM:
Tình yêu tan vỡ, cô gái cầu cứu bác sĩ xóa hình xăm nhạy cảm
(Dân trí) - Chia tay người yêu, cô gái vội tìm đến bác sĩ nhờ xóa hình xăm từ lúc còn mặn nồng hương lửa với cuộc tình cũ.
Khốn khổ tìm cách xóa hình xăm tình yêu cũ
Đi xăm đôi hoặc khắc trái tim, tên "tình yêu" lên cơ thể rồi… chia tay, nhiều người rơi vào tình trạng dở khóc dở cười vì muốn xóa hình xăm nhưng sợ đau, để lại sẹo và xảy ra biến chứng nguy hiểm.
Gần đây, cô gái tên Đ.H.T. (24 tuổi, TPHCM) đến bệnh viện mong bác sĩ xóa giúp một "dấu vết" trên cơ thể. T. cho biết, mình vừa chia tay mối tình kéo dài 3 năm. Trong thời gian còn mặn nồng, cô đã xăm cùng người yêu cũ một trái tim với sóng điện xung quanh.
"Lúc đó tôi không nghĩ nhiều, thấy nó ý nghĩa như dấu ấn tình yêu thì xăm" - T. chia sẻ.
Nhưng sau chia tay, cô gái lại thấy hình xăm gợi nhớ kỷ niệm buồn, nên muốn xóa. Lúc đầu, cô dùng miếng dán, kem trang điểm để che nhưng cũng mang tính tạm bợ.
Sau đó, T. lại tìm đến tiệm xăm cũ để xóa bằng cách mài mòn da. Ngồi chờ tới lượt, cô gái nhìn thấy người đi xóa xăm giống mình kêu than đau đớn, nên sợ hãi bỏ về. Hình xăm cũng làm T. mất nhiều cơ hội việc làm, do một số nơi có quy định khắt khe về việc này.
Cuối cùng khi đến bệnh viện, sau khi khai thác bệnh sử, T. được bác sĩ can thiệp xóa xăm bằng laser không đau.
Sau 30 phút ủ tê và 3 lần bắn laser Pico, hình xăm trái tim trên tay của T. chính thức được xóa sạch dấu mực và không để lại sẹo.
Tương tự, anh P.V.K. (34 tuổi, quê Đồng Nai) cũng đau đầu tìm cách xóa hình xăm người yêu cũ trên bắp tay. Tại tiệm xăm cũ, nhân viên đề xuất anh xăm hình con hổ với màu đỏ, đen… chồng lên hình cũ.
Hậu quả là cả 2 hình xăm không đáp ứng về mặt thẩm mỹ, khiến người đàn ông tự ty, luôn phải mặc áo tay dài khi ra đường.
Tại bệnh viện ở TPHCM, sau 7 lần được bắn laser xóa cả 2 hình xăm mới lẫn cũ, bắp tay của anh K. đã chuyển màu da giống các vùng khác. Hình xăm nằm trên người anh gần 10 năm chính thức biến mất.
"Xóa xăm như xóa mọi đau khổ. Giờ tôi nhận ra yêu là để trong tim, chứ không vội xăm rồi xóa nữa" - bệnh nhân tâm sự.
Cảnh báo biến chứng khi xóa xăm sai cách
Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Dung, chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ da cho biết, mỗi tuần bệnh viện nơi cô làm việc tiếp nhận hàng chục trường hợp đến xóa hình xăm, với nhiều nguyên nhân như thấy không đẹp, muốn quên ký ức cũ, xóa để đi xin việc, xuất khẩu lao động hay bị dị ứng mực xăm, sức ép từ gia đình…
Bác sĩ chia sẻ, có những người lại chọn đi xăm thêm hình mới chồng lên hình xăm cũ bằng mực có màu giống da. Điều này khiến việc xóa xăm trở nên khó khăn hơn, khi màu mực xăm không hoàn toàn giống màu da thật nên rất dễ nhận biết.
Ngoài ra, nhiều người tìm đến các cơ sở xóa xăm không an toàn dẫn đến sẹo xấu, nhiễm trùng, nguy cơ cao lây nhiễm các bệnh lây truyền qua đường máu như HIV, viêm gan siêu vi B và C…
Thạc sĩ, bác sĩ Phan Ngọc Huy, khoa Thẩm mỹ da, Bệnh viện Da Liễu TPHCM cho biết, trong một số trường hợp như hình xăm có diện tích quá lớn, hoặc chứa màu mực dễ gây dị ứng (màu đỏ), sẽ tạo nên phản ứng viêm nhiều hơn, hoặc da lên bóng nước.
Nặng hơn, bệnh nhân có thể bị dị ứng toàn thân, hay thậm chí sốc phản vệ, nếu xóa lượng mực quá nhiều.
Bác sĩ Huy phân tích thêm, đã có những trường hợp tự dùng kim lể mực xăm trên da, hay nghe bạn bè chỉ dẫn đến các cơ sở xóa xăm trôi nổi để dùng muối chà xát, dùng axit, dùng thuốc tím đậm đặc hoặc bàn ủi nóng xóa hình xăm.
Hậu quả là sau đó, bệnh nhân phải để lại trên da những vết sẹo loang lổ, lồi lõm, nhưng mực xăm lại không bay hết. Vì vậy, người dân phải lựa chọn phương pháp xóa xăm đúng, ở các cơ sở uy tín, được cấp phép.
Hiện tại, nhiều bệnh viện đã ứng dụng laser Pico giây (laser có thời gian phát xung khoảng 1 phần ngàn tỷ giây), giúp phá hủy các hàng mực xăm tốt và nhanh hơn, cũng như giảm sự truyền tải nhiệt qua các mô xung quanh.
Từ đó, làm giảm các tác dụng phụ thường gặp của laser trên da, như đỏ da, sưng nề, rộp da, lên bóng nước…
Các bác sĩ lưu ý, mức độ đáp ứng điều trị sẽ tùy thuộc vào thể trạng bệnh nhân và đặc điểm hình xăm. Sau khi thực hiện can thiệp, da sẽ có dấu hiệu hơi đỏ, rát, nên bệnh nhân cần tuân thủ hướng dẫn điều trị, dùng kem dưỡng ẩm, phục hồi làn da được chỉ định, để việc phục hồi nhanh và tốt hơn.
Ngoài ra, vùng da sau khi xóa hình xăm khá nhạy cảm với ánh sáng, nên cần được che chắn cơ học. Người dân có thể sử dụng những tấm vải hoặc quần áo dài tay có chất liệu dày, sậm màu để hạn chế tình trạng tăng sắc tố sau viêm (còn gọi là sạm da) sau khi điều trị với laser.