1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Tiểu thương bán thịt bị viêm màng não vì liên cầu khuẩn lợn

(Dân trí) - Nhập viện trong tình trạng sốt, tê bì, hạn chế vận động vai trái, nam bệnh nhân được bác sĩ tiến hành các kiểm tra cận lâm sàng. Kết quả cấy dịch não tủy và cấy máu cho thấy người bệnh bị viêm màng não do nhiễm liên cầu khuẩn lợn.

BS Nguyễn Phước Lan Anh, khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhân Dân 115 cho hay, tại đây vừa tiếp nhận và kịp thời can thiệp cho một trường hợp nhiễm liên cầu khuẩn lợn có biểu hiện không đặc trưng. 

Nam bệnh nhân là ông Đ.V.H. (74 tuổi, ngụ tại tỉnh Vĩnh Long) được chuyển đến bệnh viện trong tình trạng đau, tê bì vai trái, kèm sốt, không đau đầu. Tại khoa Bệnh Nhiệt đới qua thăm khám bác sĩ ghi nhận bệnh nhân tỉnh, sốt, đau, hạn chế cử động tay trái. Bệnh nhân không có dấu hiệu thần kinh khu trú nhưng cứng gáy (cổ gượng) đầu không cúi xuống được. 

Tiểu thương bán thịt bị viêm màng não vì liên cầu khuẩn lợn - 1

Nhiễm liên cầu khuẩn lợn là bệnh nguy hiểm đe dọa sinh mạng người bệnh

Khai thác bệnh sử của bác sĩ từ người bệnh nghi nhận, bệnh nhân làm nghề bán thịt heo (lợn), có tiền sử tăng huyết áp. Ngay sau đó, người bệnh được thực hiện các cận lâm sàng cần thiết. Trên kết quả cấy dịch não tủy và cấy máu, bệnh nhân được bác sĩ chẩn đoán bị viêm màng não do nhiễm liên cầu khuẩn lợn. 

Ngay sau chẩn đoán, bệnh nhân được điều trị nội khoa tích cực kết hợp sử dụng kháng sinh. Sau 2 tuần điều trị, tình trạng bệnh nhân cải thiện tốt, không còn sốt, vùng vai trái giảm đau. Đây là một trong những ca nhiễm liên cầu khuẩn lợn không có những biểu hiện đặc trưng nhưng may mắn được bác sĩ phát hiện, điều trị kịp thời.

Bệnh liên cầu khuẩn lợn do Streptococcus suis (S.suis) gây nên với các biểu hiện lâm sàng chính như: viêm màng não, xuất huyết, viêm phổi, viêm cơ tim và viêm khớp.

Từ ca bệnh trên bác sĩ khuyến cáo, bệnh liên cầu khuẩn lợn do Streptococcus suis gây nên có thể lây cho người nên được xếp vào nhóm các bệnh chung của người và động vật. Con người có nguy cơ lây nhiễm và phát bệnh khi tiếp xúc với lợn bệnh hoặc các sản phẩm từ lợn bệnh. 

Để tránh nguy cơ mắc bệnh, người dân khi sử dụng thịt heo (lợn) nên chọn mua thịt đã qua kiểm định của cơ quan thú y; tránh mua thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề; quan trọng nhất là phải nấu chín thịt lợn trước khi sử dụng. Không ăn lợn chết, không ăn các món ăn tái, đặc biệt là tiết canh trong thời gian có dịch.

Những người có vết thương hở phải đeo găng tay khi tiếp xúc với thịt lợn tái hoặc sống. Phải giữ các dụng cụ chế biến ở nơi sạch sẽ, rửa sạch tay và các dụng cụ chế biến sau khi tiếp xúc, chế biến thịt lợn. Dùng riêng các dụng cụ chế biến thịt sống và thịt chín.

Để tránh chẩn đoán không đúng bệnh, bác sĩ cũng khuyến cáo người làm công tác chuyên môn cần hỏi kỹ tiền căn và các yếu tố nguy cơ dịch tễ của bệnh nhân, khi nghi ngờ bệnh nhân có viêm màng não cần chọc dò sớm để chẩn đoán và điều trị kịp thời giúp giảm tỷ lệ tử vong do các biến chứng gây ra.

Vân Sơn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm