Tiêu chảy do bú bình cao gấp đôi so với bú mẹ

(Dân trí) - “Trong số trẻ tiêu chảy nặng thì nhóm trẻ bú bình cũng chiếm cao nhất. Đáng lưu ý là vi khuẩn Ecoli và độc tốc được tìm thấy thường xuyên nhất ở phân nhóm trẻ bú bình”, BS Cao Thị Hậu, Chuyên gia dinh dưỡng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cho biết.

Tại Việt Nam, trung bình hàng năm một trẻ dưới 2 tuổi mắc 2,2 đợt tiêu chảy cấp. Tỷ lệ trẻ bú bình bị tiêu chảy chiếm tới 60% trong khi nhóm trẻ bú mẹ chỉ chiếm 39%. Thực tế khám chữa bệnh cho thấy những trẻ được bú mẹ trong 2 năm đầu đời ít bị tiêu chảy hơn.

Theo bác sĩ Hậu, một trong những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tiêu chảy là bình vú và núm vú nhân tạo nhiễm khuẩn do không luộc bình và núm vú trước khi pha sữa, không biết cách xúc rửa bình sữa và núm vú, bình sau khi uống xong không rửa ngay…; cùng đó là nước dùng rửa bình, pha sữa không vệ sinh; người pha sữa không rửa tay hoặc rửa không sạch, sữa cất giữ nơi không an toàn.

“Nếu bắt buộc phải cho trẻ ăn sữa ngoài thì cần ăn bằng thìa, cốc hợp vệ sinh. Còn nếu cho con bú bình thì cần phải vệ sinh bình sữa, núm vú rất sạch sẽ. Kể cả bình, núm cao su hay các núm vú chất liệu khác, cần rửa thật sạch bình, núm vú, tiếp đến cần luộc kỹ, vớt ra để khô ráo rồi mới pha sữa cho trẻ”, BS chuyên khoa II Nhi Trần Thị Nga, Nguyên trưởng khoa dinh dưỡng, BV Nhi TƯ, khuyên.

Hồng Hải