1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Tiêu chảy cấp do vi rút Rota: Phụ huynh cần lưu ý

Thời điểm này trong năm, khi khí trời chuyển mình cũng là lúc những căn bệnh giao mùa hăm he tấn công vào cơ thể còn non yếu của trẻ nhỏ.

Bên cạnh nhóm bệnh lý hô hấp, bệnh dị ứng thì đây cũng là thời gian bùng phát bệnh tiêu chảy cấp và dễ có nguy cơ phát triển thành dịch. Tại Việt Nam, tác nhân gây tiêu chảy cấp phân nước phải nằm viện thường gặp nhất là vi-rút Rota chiếm hơn 50% các trường hợp.

1. Vi-rút Rota là gì?

Vi-rút Rota là tác nhân gây bệnh tiêu chảy cấp nặng thường gặp nhất. Mặc dù bệnh tiêu chảy do vi-rút Rota thường xảy ra ở trẻ từ 6 tháng đến 2 tuổi, nhưng tất cả chúng ta đều có thể bị nhiễm siêu vi này.

2. Bệnh lây lan như thế nào?

Vi-rút Rota chủ yếu lây lan qua đường phân miệng. Các trẻ nhỏ vốn thích “khám phá” nên thường cho các vật cầm nắm được vào miệng, tạo điều kiện cho bệnh phát triển. Khi trẻ nhiễm vi-rút Rota sẽ đào thải một lượng siêu vi rất lớn, đến 10 ngàn tỷ vi-rút trong 1 ml phân nhưng chỉ cần khoảng 10 vi-rút thì đã gây bệnh nên khả năng lây nhiễm rất cao. Vi-rút Rota có thể sống trên các bề mặt tiếp xúc như đồ chơi, mặt bàn ghế, tay vịn, trong nước hoặc trên da. Người ta rất dễ bị nhiễm vi-rút Rota khi tiếp xúc với nguồn phân của những người đang bị nhiễm. Trẻ em thường bị nhiễm vi-rút Rota qua bàn tay bị nhiễm bẩn của mình.
Tiêu chảy cấp do vi rút Rota: Phụ huynh cần lưu ý
Vi-rút Rota tấn công vào hệ tiêu hóa của trẻ, khiến trẻ bị nôn ói dữ dội và tiêu chảy cấp (Ảnh: shutterstock).

3. Bệnh thường xảy ra lúc nào?

Ở miền Bắc nước ta, bệnh thường xảy ra vào mùa đông, còn ở miền Nam bệnh xảy ra quanh năm và nhiều nhất vào tháng Ba (70,6% số ca tiêu chảy cấp phân nước nhập viện tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, theo thống kê giám sát điểm vi-rút Rota năm 2012) và khoảng tháng Mười (60%).

4. Bệnh có biểu hiện ra sao?

Sau khi bị lây nhiễm khoảng 12 giờ đến 4 ngày sau bệnh bắt đầu xảy ra. Trẻ thường bị ói sau đó là tiêu chảy và sốt vừa phải. Ói xuất hiện trước tiêu lỏng 6-12 giờ và có thể kéo dài khoảng 2-3 ngày. Bé ói rất nhiều vào ngày đầu và giảm bớt khi bắt đầu tiêu lỏng. Phân lỏng toàn nước, có lúc có màu xanh, có thể có đàm nhớt nhưng không có máu. Trẻ có thể bị tiêu lỏng hơn 20 lần một ngày. Vì vừa bị ói và tiêu lỏng nhiều, trẻ bị nhiễm vi-rút Rota rất dễ bị mất nước, nhanh chóng khô kiệt nếu không được chăm sóc thích hợp trong giai đoạn này.

Tiêu chảy ngày càng tăng trong vài ngày sau đó giảm dần. Đa số các trẻ sẽ hết tiêu chảy sau 4-8 ngày. Tuy nhiên, có trẻ vẫn còn tiêu lỏng đến 2 tuần dù đã khỏe, chơi, đòi ăn trở lại.

5. Chăm sóc trẻ bệnh như thế nào để tránh lây lan?

Trẻ đang bệnh thải ra phân một lượng rất lớn vi-rút vì vậy có thể dễ dàng lây sang trẻ khác và người chăm sóc. Cần phải tách riêng nhóm trẻ bệnh và có người chăm sóc riêng. Nhà trường, các cơ sở nuôi trẻ và gia đình cần đặc biệt lưu ý điểm này. Cần tuân thủ các biện pháp vệ sinh phòng ốc, đồ chơi và các đồ vật, vật dụng trong phòng. Người chăm sóc cần chú ý rửa tay sạch trước khi chuẩn bị thức ăn cho trẻ, sau khi thay tã.

6. Phòng ngừa bệnh như thế nào?

Vi-rút Rota rất dễ lây nhiễm. Các biện pháp vệ sinh tiệt trừ thông thường đối với vi khuẩn và siêu vi khác không đủ bảo vệ trẻ khỏi bị lây nhiễm tác nhân này. Không riêng các nước đang phát triển mà ở các nước đã rất phát triển như Mỹ, Anh, Pháp tỷ lệ nhiễm vi-rút Rota vẫn rất cao. Thực sự trong 5 năm đầu đời tất cả trẻ em đều sẽ bị nhiễm vi-rút này.

Trẻ em dưới 2 tuổi dễ mắc bệnh và bệnh nặng do các bé có sức đề kháng yếu
Trẻ em dưới 2 tuổi dễ mắc bệnh và bệnh nặng do các bé có sức đề kháng yếu
(Hình có tính chất minh họa).

Điều may mắn là hiện nay đã có vắc-xin phòng ngừa bệnh này. Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã đưa vắc-xin này vào sử dụng từ tháng 7 năm 2007. Đây là vắc-xin dạng uống, dùng cho trẻ nhỏ hơn 4 tháng tuổi. Vắc-xin này rất hữu hiệu để phòng ngừa hoàn toàn các trường hợp tiêu chảy cấp nặng do vi-rút Rota. Tuy nhiên cũng như các vắc-xin phòng các bệnh khác, do tính đặc hiệu nên vắc-xin ngừa vi-rút Rota không phòng được trẻ bị tiêu chảy do những tác nhân khác. Dù bé đã được uống vắc-xin này, bạn vẫn phải tuân thủ các nguyên tắc vệ sinh an toàn thực phẩm, rửa tay, chủng ngừa sởi và cho bé bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu sau sanh.

BS Hoàng Lê Phúc
Trưởng khoa Tiêu Hóa - BV Nhi Đồng 1 – TP.HCM
(Thông tin Giáo dục này được thực hiện bởi sự hợp tác của
 Hội Y học Dự phòng Việt Nam và Văn phòng đại diện GlaxoSmithKline)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm