Tiêm vắc xin sởi có hiệu quả khi đang xảy ra dịch?

(Dân trí) - Một thói quen cố hữu của nhiều người dân, đó là khi dịch bệnh xảy ra mới đổ xô đi tiêm vắc xin. Điều này có mang lại tác dụng phòng ngừa?

TS. Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ T.Ư, cho biết: "Với bất cứ loại vắc xin nào, khi tiêm phòng, phải sau một thời gian nhất định cơ thể mới sinh ra kháng thể chống lại dịch bệnh. Vì thế, để phòng dịch bệnh tốt nhất, nên tiêm phòng vắc xin trước mùa dịch".

Sởi là bệnh có thể gặp ở mọi nơi và quanh năm nhưng gặp nhiều nhất là vào mùa xuân, dễ bùng lên thành dịch. Sau tiêm phòng khoảng 10 - 14 ngày, cơ thể sẽ sinh ra kháng thể phòng ngừa bệnh sởi. Vì thế, để phòng ngừa hữu hiệu nhất căn bệnh này, mọi người nên tiêm vắc xin phòng sởi trước đó.

Tuy nhiên, nếu đang ở trong vùng dịch, vùng có bệnh nhân hoặc người có nguy cơ cao lây bệnh sởi, người dân vẫn nên đi tiêm vắc xin phòng bệnh sởi. Trong giai đoạn chờ cơ thể sinh kháng thể bảo vệ, mọi người nên chú ý phòng ngừa vì vẫn có nguy cơ mắc sởi.

Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính đường hô hấp, rất dễ lây do vi rút sởi lan truyền do dịch tiết mũi họng của người nhiễm bệnh theo không khí thoát ra khi người bệnh ho hoặc hắt hơi, nói chuyện. Vì thế, hãy thường xuyên rửa tay xà phòng, đeo khẩu trang khi ra đường, hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân mắc sởi.

Còn khi có dấu hiệu dấu hiệu sốt cao kèm theo phát ban (đỏ toàn thân), có triệu chứng viêm long (ho, hắt hơi, chảy mũi, mắt lèm kèm, hoặc mắt đỏ)… thì cần phải đến ngay cơ sở y tế. Khi mắc bệnh, hệ miễn dịch bị suy yếu, sẽ bị bệnh phổi, thậm chí biến chứng nặng gây viêm não. Đối với những trường hợp nhẹ, được hướng dẫn điều trị tại nhà, người bệnh vẫn cần tránh gió lạnh, nghỉ làm việc, ăn thức ăn mềm, cần hạn chế tiếp xúc và thường xuyên đeo khẩu trang.

Hồng Hải

Dòng sự kiện: Dịch Sởi ở HN