Chùm tin:

Tiêm vắc xin sởi bổ sung cho các tỉnh miền núi phía Bắc

(Dân trí) - Bộ Y tế quyết định tổ chức chiến dịch tiêm vắc xin bổ sung cho các tỉnh miền núi phía Bắc do có tới trên 40% trẻ ở các tỉnh này bỏ sót chương trình tiêm chủng vắc xin sởi hoặc được tiêm nhưng chất lượng vắc xin sởi không đảm bảo.

Chiều qua (23/7), TS Đỗ Sĩ Hiển, Chủ nhiệm Chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR), cho biết: Từ 3 năm qua (2004- 2007), bệnh sởi có chiều hướng gia tăng về quy mô và lứa tuổi (gặp cả ở độ tuổi trên 15) một số vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Nguyên nhân là do nhiều trẻ em tại các tỉnh miền núi trong độ tuổi tiêm vắc xin sởi bị bỏ sót và chất lượng mũi tiêm chưa đạt tiêu chuẩn.

 

Nắm được tình hình này, năm 2007- 2008 với sự giúp đỡ về vắcxin, kinh phí của tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam sẽ tổ chức tiêm dịch chiến dịch tiêm vắc xin sởi bổ sung cho 17 tỉnh có nguy cơ bùng phát dịch. Theo đó, lứa tuổi tiêm chủng ở các địa phương này sẽ được mở rộng nhằm cắt đứt sự lưu hành của vi rút sởi ở những vùng nguy cơ cao.

 

Cụ thể, tháng 9-12 /2007 chương trình sẽ triển khai tại: Cao Bằng, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Hòa Bình, Lào Cai, Bắc Giang và Lạng Sơn. Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa và Quảng Ninh. 4 tỉnh triển khai ở một số vùng có nguy cơ cao là: Thanh Hoá, Quảng Ninh, Nghệ An, Hà Tĩnh.

 

Đối tượng được tiêm chủng 6-20 tuổi hiện đang có mặt tại địa phương. Riêng  4 tỉnh Hà Giang, Lai Châu. Lào Cai sẽ tiêm cho các đối tượng trong độ tuổi 1-20.

 

Được biết, kinh phí cho chiến dịch lên tới trên 3 triệu USD. 

 

Tỷ lệ nạo phá thai giảm nhưng tai biến tăng cao

 

Thông tin trên được đưa ra trong ngày hôm qua (23/7), tại Hội thảo công bố kết quả khảo sát và nghiên cứu về phá thai bằng thuốc tại Việt Nam.

 

GS - TS Trần Thị Phương Mai - Phó Vụ trưởng Vụ sức khoẻ sinh sản (Bộ Y tế) cho biết tỷ lệ tái phá thai và tai biến do phá thai không an toàn hiện vẫn còn cao dù tỷ lệ phá thai đang giảm.

 

Bộ Y tế đã cho phép sử dụng biện pháp phá thai nội khoa bằng sử dụng kết hợp 2 loại viên uống mifepristone và misoprostol theo chỉ định.

 

Phương pháp này đã được thử nghiệm ở 8 cơ sở y tế thuộc 5 tỉnh/thành Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, TPHCM với hơn 600 phụ nữ mang thai dưới 8 tuần. Kết quả cho thấy tỷ lệ thành công 85 - 95%. Theo thống kê của Bộ Y tế, phá thai vị thành niên chiếm khoảng 25% tổng số ca phá thai, 50% số ca phá thai là do thất bại trong việc dùng biện pháp tránh thai.

 

P. Thanh - Lan Hương