Tiêm ngừa viêm gan B và những thông tin cần biết

PV

(Dân trí) - Tiêm ngừa viêm gan B là việc làm cần thiết đối với mỗi đứa trẻ khi vừa sinh ra. Đây cũng là mũi tiêm đầu tiên của trẻ và cần được nhắc lại theo đúng lộ trình.

Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về giải pháp phòng ngừa viêm gan B này.

Viêm gan B là gì?

Theo thống kê, hiện nay trên toàn thế giới có khoảng hơn 400 triệu người mắc bệnh viêm gan B. Tại Việt Nam có đến hơn 20% dân số mắc căn bệnh này. Đây vẫn luôn là căn bệnh đe dọa nhiều đến sức khỏe toàn cầu, trong đó, Việt Nam cũng không ngoại lệ. Vậy bạn đã biết gì về bệnh viêm gan B?

Bệnh viêm gan B là gì?

Viêm gan B gây ra bởi Hepatitis B Virus, viết tắt là HBV. Thuộc nhóm bệnh truyền nhiễm vì có thể lây từ người bệnh sang người lành theo nhiều con đường khác nhau.

Tiêm ngừa viêm gan B và những thông tin cần biết - 1
Virus viêm gan B trong cơ thể người

Mức độ nguy hiểm của bệnh viêm gan B

Viêm gan B được coi là căn bệnh mãn tính và gần như chưa có giải pháp điều trị dứt điểm. Căn bệnh này được chia thành 2 dạng:

Người lành mang virus viêm gan B: đây là dạng virus đang ở thể ngủ, người bệnh không có dấu hiệu gì bất thường, vẫn khỏe mạnh và ăn uống sinh hoạt bình thường. Tuy nhiên khi xét nghiệm máu vẫn cho kết quả dương tính với virus viêm gan B. Việc tiêm phòng viêm gan B lúc này cũng không còn tác dụng.

Viêm gan B phát tác: virus ở thể ngủ có thể phát tác và hoạt động bất cứ khi nào. Thường là do tuổi cao hoặc sức khỏe yếu, sức đề kháng kém, phải dùng thuốc điều trị một loại bệnh nào đó vô tình thức tỉnh virus viêm gan B.

Viêm gan B một khi chuyển sang thể hoạt động sẽ gây ra rất nhiều hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe của lá gan và là yếu tố mạnh dẫn đến các bệnh lý nguy hiểm như xơ gan, ung thư gan.

Những điều bạn cần biết về tiêm ngừa viêm gan B

Viêm gan B luôn là căn bệnh khiến giới y học phải đau đầu tìm cách đối phó. Mặc dù chưa có giải pháp nào điều trị hữu hiệu thực sự với căn bệnh này nhưng tiêm phòng viêm gan B vẫn được cho là giải pháp tốt nhất để phòng bệnh. Tại Việt Nam, vắc xin viêm gan B được chỉ định tiêm cho trẻ sơ sinh ngay khi vừa sinh ra.

Lộ trình tiêm vắc xin viêm gan B cho trẻ em

Bất kể một đứa trẻ được sinh ra bởi người mẹ khỏe mạnh hay mẹ mắc bệnh viêm gan B đều được khuyến cáo tuân thủ lộ trình tiêm ngừa viêm gan B như sau:

Mũi 1: tiêm cho trẻ sơ sinh ngay trong vòng 24h đầu sau khi sinh.

Múi vắc xin 2, 3, 4: bắt đầu tiêm khi trẻ đủ 2 tháng tuổi trở lên, mỗi mũi cách nhau khoảng 28 ngày trở lên, tiêm lúc bé khỏe mạnh. Các mũi này hiện nay thường được đi kèm với mũi 5 trong 1 hoặc 6 trong 1 theo chương trình tiêm chủng quốc gia mà Bộ y tế đã quy định.

Mũi cuối: tiêm trước khi bé tròn 24 tháng tuổi. Thời điểm thích hợp nhất là khoảng thời gian bé được 18 tháng tuổi, tiêm tích hợp với mũi 5 trong 1 hoặc 6 trong 1.

Tiêm ngừa viêm gan B và những thông tin cần biết - 2
Cần tiêm ngừa viêm gan B cho trẻ trong vòng 24h đầu sau sinh

Tác dụng của vắc xin viêm gan B đối với trẻ sơ sinh

Một trong những đường lây nhiễm cao nhất của viêm gan B là lây truyền từ mẹ sang con. Thông thường, rất ít khi viêm gan B lây truyền trong quá trình mang thai mà thường là lây nhiễm trong quá trình sinh nở là chủ yếu. Do vậy, trong vòng 24h đầu sau khi sinh, bé cần được tiêm huyết thanh phòng virus viêm gan B càng sớm càng tốt. Tiêm vắc xin đúng thời điểm này thì hiệu quả phòng viêm gan B có thể đạt hiệu quả trên 85%. Tiêm càng muộn thì hiệu lực càng giảm. Đồng thời, trẻ cần được tiêm đủ các mũi vắc xin viêm gan B theo lộ trình như đã nói ở trên trong những thời gian sau đó cho đến khi được 24 tháng tuổi.

Tiêm ngừa viêm gan B và những thông tin cần biết - 3
Trẻ cần được tiêm đủ các mũi phòng viêm gan B

Lộ trình tiêm ngừa viêm gan B cho người trưởng thành

Với người trưởng thành, trước khi tiêm phòng viêm gan B thì cần được xét nghiệm HBsAg và anti-HBs (HBsAb) để xác định lại xem trong cơ thể đã có kháng thể chống virus viêm gan B hay chưa. Nếu chưa có thì mới tiến hành tiêm theo lộ trình quy định như sau:

Phác đồ 1 (0 - 1 - 6): có nghĩa là bạn sẽ phải tiêm mũi đầu tiên, sau đó tiêm mũi 2 cách mũi đầu 1 tháng. Mũi thứ 3 cách mũi thứ 2 là 5 tháng (cách mũi đầu 6 tháng).

Phác đồ 2 (0 - 1 - 2 - 12): với phác đồ này, bạn cần tiêm 3 mũi vắc xin liên tiếp, mỗi mũi cách nhau 1 tháng. Mũi thứ tư tiêm cách mũi thứ 3 khoảng 1 năm.

Công dụng của vắc xin viêm gan B

Cơ chế hoạt động của vắc xin viêm gan B cũng giống như các loại vắc xin khác. Khi tiêm vào cơ thể, vắc xin sẽ sản sinh ra kháng thể giúp cơ thể chống lại sự tấn công của virus viêm gan B. Đây là giải pháp tối ưu và hiện đại nhất để bảo vệ sức khỏe trước nguy cơ lây nhiễm viêm gan B. Phòng ngừa tối đa các nguy cơ về xơ gan và ung thư gan.

Tiêm ngừa viêm gan B và những thông tin cần biết - 4
Tiêm ngừa viêm gan B cho người có nguy cơ cao lây nhiễm

Những ai cần tiêm ngừa viêm gan B?

Trẻ sơ sinh khi đã tiêm đủ vắc xin viêm gan B không có nghĩa là có kháng thể phòng bệnh cả đời. Do vậy, xét nghiệm HBsAg và anti-HBs (HBsAb) cần được thực hiện lại sau mỗi 5 năm 1 lần để xem kháng thể có trong người hay không. Từ đó có giải pháp tiêm bổ sung khi cần thiết.

Những người có nguy cơ cao mắc bệnh cần được làm xét nghiệm kháng thể chống virus viêm gan B thường xuyên và tiêm bổ sung vắc xin này khi cần thiết. Trong đó phải kể đến những đối tượng sau:

- Các y bác sĩ làm việc tại các cơ sở y tế, bệnh viện tuyến đầu.

- Những người làm việc trong phòng xét nghiệm hóa lý, thường xuyên tiếp xúc với máu, bệnh phẩm.

- Nhân viên làm việc tại các phòng thí nghiệm, sản xuất vắc xin.

- Người có nguy cơ cao mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục.

- Người công tác trong ngành quân đội, công an.

- Người có nguy cơ lây truyền viêm gan B từ người trong gia đình mắc bệnh này.

Tiêm ngừa viêm gan B không có nghĩa là bạn sẽ hoàn toàn miễn nhiễm với loại virus này. Nếu như không có giải pháp bảo vệ bản thân khỏi những con đường lây nhiễm thì vẫn có nguy cơ mắc rất cao. Do vậy, mỗi người cần chủ động tự bảo vệ sức khỏe bản thân bằng cách tăng cường đề kháng, cẩn trọng trước những tác nhân gây hại.