Tiêm insulin như thế nào là tốt nhất?
(Dân trí) - Insulin là một hoóc môn giúp quản lý bệnh tiểu đường khi được tiêm vào cơ thể. Không thể dùng insulin ở dạng thuốc viên hoặc thuốc uống, vì các men tiêu hóa trong dạ dày sẽ phá vỡ insulin trước khi nó vào máu.
Tiêm insulin là một trong nhiều cách để điều trị và quản lý bệnh tiểu đường. Những cách khác bao gồm thay đổi chế độ ăn uống và lối sống, và thuốc uống.
Đối với những người cần tiêm insulin, có nhiều loại insulin khác nhau. Điều quan trọng là phải hiểu và làm theo hướng dẫn của bác sĩ về cách tiêm và nơi tiêm insulin.
Các vị trí tiêm thông thường
Insulin được tiêm vào lớp mỡ ngay dưới da, còn được gọi là tổ chức dưới da.
Thuốc được tiêm bằng một kim nhỏ hoặc một thiết bị trông giống như chiếc bút. Có nhiều vị trí khác nhau có thể tiêm insulin, bao gồm:
Bụng
Bụng là một vị trí phổ biến để tiêm insulin mà nhiều người mắc bệnh tiểu đường chọn sử dụng.
Để tiêm vào bụng, hãy véo mô mỡ từ ở bên cạnh giữa eo và xương hông. Chỗ này nên cách rốn khoảng 5cm.
Vị trí này rất dễ tiếp cận và một số người cho biết nó ít gây khó chịu hơn các vị trí khác.
Cánh tay
Cánh tay là một vị trí nữa có thể tiêm insulin.
Kim phải được đặt ở mặt sau cánh tay (vùng cơ tam đầu, hay bắp tay sau), khoảng giữa vai và khuỷu tay.
Nhược điểm chính của vị trí này là rất khó tự tiêm và có thể phải nhờ người khác tiêm hộ. Có lẽ sẽ dễ chịu hơn nếu tiêm ở bên tay không phải là tay thuận, nghĩa là tiêm vào tay trái ở người thuận tay phải hoặc tay phải của người thuận tay trái.
Đùi
Đùi cũng là vị trí rất dễ để tự tiêm.
Khi tiêm đùi, cần đâm kim vào phía trước của đùi, đoạn giữa đầu gối và hang, hơi lệch về phía ngoài chân.
Điều quan trọng là tiêm thuốc vào nếp véo da ít nhất 2,5 – 5cm.
Mặc dù dễ tiếp cận, tiêm đùi thường xuyên đôi khi có thể gây khó chịu khi đi bộ hoặc chạy.
Lưng hoặc hông
Vị trí cuối cùng có thể tiêm insulin là vùng thắt lưng hoặc hông.
Để mũi tiêm ở đây, hãy vẽ một đường tưởng tượng qua đỉnh của mông nối hai bên hông.
Phải đặt kim trên đường này nhưng dưới đường, khoảng giữa cột sống và đường nách giữa.
Giống như cánh tay, vị trí này rất khó sử dụng để tự tiêm.
Hấp thu insulin
Insulin được hấp thu khác nhau từ mỗi vị trí tiêm khác nhau. Thông tin này có thể được sử dụng khi lập kế hoạch tiêm insulin:
• Bụng: Insulin đi vào máu nhanh nhất.
• Cánh tay: Tốc độ hấp thu vừa phải nhưng không nhanh như bụng.
• Thắt lưng và đùi: Tốc độ hấp thu chậm nhất.
Tốt nhất là tiêm insulin tác dụng nhanh vào bụng ngay sau bữa ăn, vì thuốc sẽ được hấp thụ nhanh nhất từ đây.
Insulin tác dụng kéo dài và trung bình có thể tiêm vào các vị trí khác, như cánh tay, đùi, hoặc hông.
Insulin hoạt động hiệu quả hơn trong suốt thời gian cần thiết vì tốc độ hấp thu chậm hơn.
Tập thể dục có thể làm tăng tốc độ hấp thu insulin và cũng nên được xem xét khi lập kế hoạch tiêm.
Ví dụ: người chơi bóng chày nên tránh tiêm vào bên tay ném bóng, vì vận động có thể ảnh hưởng đến sự hấp thu insulin vào cơ thể .
Nếu định tập luyện ở phần cơ thể gần nơi tiêm, cần chờ ít nhất 45 phút sau khi tiêm.
Luân phiên vị trí tiêm
Điều quan trọng là tránh tiêm vào cùng một vị trí hết lần này đến lần khác.
Điều này có thể gây kích ứng da và mô mỡ dưới da, có thể làm tăng sự khó chịu và gây ra các biến chứng khác.
Việc tiêm liên tục vào cùng một vị trí có thể dẫn đến nổi cục cứng hoặc lắng đọng mỡ phát triển dưới da, gây khó chịu và thậm chí ảnh hưởng đến việc hấp thu thuốc.
Khi luân phiên vị trí tiêm, mũi tiêm ở một giờ nhất định trong ngày nên được tiêm ở cùng một vị trí. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải di chuyển quanh vị trí đó để đảm bảo rằng không tiêm đúng vào một điểm.
Ví dụ, khi tiêm liều insulin tác dụng kéo dài ban đêm, người bệnh luôn tiêm vào đùi. Tuy nhiên, họ sẽ thay đổi giữa đùi phải và đùi trái mỗi đêm.
Nếu một người luôn tiêm liều insulin tác dụng nhanh buổi sáng vào bụng, thì nên luân phiên quanh các vùng khác nhau của bụng, sao cho không tiêm vào cùng một chỗ.
Theo dõi đường huyết
Cần hỏi bác sĩ bất kỳ câu hỏi nào về tiêm insulin, chọn và xoay vòng vị trí tiêm, và các kỹ thuật tiêm khác.
Ngoài ra, người mắc bệnh tiểu đường cần theo dõi đường huyết thường xuyên theo tư vấn của bác sĩ.
Cần ghi chép về lượng đường huyết vào sổ để có thể chia sẻ với bác sĩ. Những thông số bất thường cần được thông báo ngay cho bác sĩ để có thể điều chỉnh liều insulin nếu cần.
Cẩm Tú
Theo MNT