Tỉ lệ rửa tay sạch sau tiểu tiện vẫn rất thấp

(Dân trí) - Mặc dù tỉ lệ rửa tay bằng xà phòng tăng mạnh nhưng báo cáo kết quả dự án sau 5 năm cho thấy sự giác ngộ về nhận thức, thay đổi hành này trong dân chưa cao, đặc biệt là rửa tay với xà phòng sau khi tiểu tiện (mới chỉ đạt 15%).

 

Tỉ lệ rửa tay sạch sau tiểu tiện vẫn rất thấp

Sơ đồ lây truyền bệnh qua bàn tay (Ảnh: N.Hà)
 

Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cứ 1cm2 da tay có tới 40.000 vi khuẩn. Kẽ tay, móng tay và các nếp nhăn là nơi có mật độ tụ khuẩn dày nhất và những vi khuẩn lì lợm vẫn có thể bám trụ lại khi bạn rửa tay bằng nước. Chỉ cần một hành động quên rửa tay sau khi cầm tiền, đi vệ sinh... bạn cũng có thể nhiễm 10 trong tổng số 26 bệnh truyền nhiễm gây dịch như cúm, tiêu chảy, sốt rét, sốt xuất huyết, lỵ, trực khuẩn, viêm gan,…

 

Vậy nhưng, sau 5 năm (2007-2011) thực hiện tiêu truyền rửa tay bằng xà phòng tại 10 tỉnh, với hơn 2.000 cán bộ xã, giáo viên được tập huấn nâng cao năng lực về quản lý giám sát và kỹ năng truyền thông, hơn 37 ngàn người dân tại các xã dự án được tuyên truyền và gần 30 ngàn em học sinh tiểu học và trung học cơ sở tham gia các buổi ngoại khóa… và cấp phát tới 2 triệu bánh xà phòng, tỉ lệ rửa tay với xà phòng sau khi đi tiểu tiện dù đã tăng tới gần 20 lần nhưng vẫn rất thấp, tính ra cứ gần 6 người mới có 1 người thực hiện hành vi vệ sinh này (khoảng 15%). Trong khi tỉ lệ rửa tay với xà phòng sau khi đại tiện tuy chỉ tăng hơn 5 lần nhưng đạt tới hơn 65%...

 
Tỉ lệ rửa tay sạch sau tiểu tiện vẫn rất thấp

TS Trần Đắc Phu, Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế

Theo TS Trần Đắc Phu, Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, do còn có các yếu tố gây nhiễu (thực phẩm, nguồn nước… hay hoạt động tương tự của các dự án khác) nên trong đợt triển khai dự án 2012-2016 tới đây tại 12 tỉnh (trong đó có 6 tỉnh mới), sẽ có sự phối hợp của nhà tài trợ với Bộ Y tế để có những nghiên cứu tập trung hơn, chọn ra những điểm chứng (không có can thiệp của dự án) xem có khác biệt với các điểm thực hiện dự án không.

 

Tuy nhiên, dù kết quả có thế nào, không thể phủ nhận rằng rửa tay bằng xà phòng là cần thiết bởi nó giúp tiêu diệt các mầm bệnh và bàn tay sạch sẽ không làm lây lan bệnh tật qua đường ăn uống.

 

“Vừa rồi tôi đi kiểm tra phòng chống tay chân miệng, hầu như các trường mầm non đều thực hiện tốt rửa tay phòng tay chân miệng. Nhiều nơi, chẳng hạn như Quảng Ngãi không xảy ra các vụ dịch tay chân miệng nào tại trường học. Tuy nhiên có những nơi như Bắc Cạn, vẫn có những ổ dịch vì điều kiện vệ sinh, nước sạch chưa đảm bảo. Ngoài ra, có những vùng quê nghèo không nằm trong dự án nhưng nhiều nhà đã tự xây nhà tiêu hợp vệ sinh (tự hoại), có xà phòng rửa tay…”, TS Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục quản lý môi trường y tế chia sẻ.

 

Nhân Hà

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm