1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Quá ít người có thói quen rửa tay xà phòng

(Dân trí) - “Chỉ 12% người dân có thói quen rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi vệ sinh. Trong khi đó, cứ 10 vụ ngộ độc thì đến 7 vụ có nguyên nhân từ bàn tay bẩn”, GS.TS Trịnh Quân Huấn, thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết.

Trong cuộc điều tra Các thói quen và hành vi liên quan đến việc rửa tay ở nhóm các bà mẹ có con dưới 5 tuổi do Bộ Y tế tiến hành cho thấy: Chỉ có 30% số bà mẹ được phỏng vấn rửa tay trước khi cho con ăn và 20% rửa tay sau khi cho con ăn. Trong hầu hết các trường hợp, họ chỉ rửa tay bằng nước. Điều tra cũng cho thấy chỉ có 22,5% các bà mẹ rửa tay sau khi cho con đi vệ sinh và hơn một nửa trong số họ cũng chỉ rửa tay bằng nước và không dùng xà phòng hay bất kỳ một loại hoá chất tẩy rửa nào.

 

Trong khi đó một động tác rửa tay đơn giản đã giúp một người bình thường giảm 30% nguy cơ lây nhiễm những loại bệnh liên quan đến đường tiêu hoá như tả, lỵ, thương hàn, viêm gan A, bệnh chân tay miệng… và đặc biệt là cúm A (H5N1) một dịch bệnh đang diễn ra hết sức phức tạp trong thời gian gần  đây.

 

PGS. Trần Đáng, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm cho hay: “Một bàn tay bẩn chứa đến hơn 40.000 loại vi khuẩn gây bệnh, nếu không giữ sạch, tay là nơi vận chuyển vào cơ thể vi khuẩn, hóa chất độc hại từ môi trường và các chất bẩn khác bởi  do tiếp xúc thông thường ”.

 

TS. Đinh Thị Dụ, giám đốc Trung Tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cũng cho biết; trong số các ca ngộ độc được cấp cứu tại đây, có rất nhiều trường hợp bị nhiễm độc có bắt nguồn từ chính bàn tay bẩn. Gần đây nhất, Trung tâm phải cấp cứu cho hàng chục giáo viên ở một trưởng tiểu học (Hà Nội) có cùng chung một triệu chứng như: đau bụng, nôn, choáng…Sau đó, các bác sĩ đã xác định nguyên nhân do các giáo viên ăn bún tại một nhà hàng mà người bán dùng tay bẩn bốc thức ăn!

 

Hôm qua (8/5),  Bộ Y tế phối hợp với UBND Tỉnh Hà Tây phát động chiến dịch “Rửa tay bằng xà phòng”  trên phạm vi toàn quốc nhằm hưởng ứng Tuần lễ quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường năm 2007.

Đây cũng là hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án “Nâng cao sức khỏe cộng đồng thông qua thông qua việc cải thiện vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường” do Cục Y tế dự phòng Việt Nam thực hiện với sự tài trợ của Quỹ Unilever Việt Nam.

 

Thanh Trầm