Thương tiếc GS.TS Trần Đỗ Trinh - Viện trưởng đầu tiên Viện Tim mạch Việt Nam

(Dân trí) - Giáo sư Tiến sĩ Thầy thuốc nhân dân Trần Đỗ Trinh đã vĩnh viễn ra đi ngày 9/6/2015 nhưng tấm gương sáng điển hình của ông sẽ còn được nhắc đến nhiều trong bạn bè, đồng nghiệp và người thân và các thế hệ tiếp sau.

GS. TS. Trần Đỗ Trinh những ngày đầu thành lập Viện Tim mạch Việt Nam
GS. TS. Trần Đỗ Trinh những ngày đầu thành lập Viện Tim mạch Việt Nam

Giáo sư Tiến sĩ Thầy thuốc nhân dân Trần Đỗ Trinh sinh năm 1930 tại Hà Nội, xuất thân từ một gia đình trí thức yêu nước ở Thủ đô. Thời ấu thơ, Trần Đỗ Trinh học trường Bưởi, sớm giác ngộ Cách mạng, tham gia hoạt động Việt Minh từ năm 1944.

Sau ngày toàn quốc kháng chiến 1946, cậu học sinh Hà Nội Trần Đỗ Trinh học trường Trung học chuyên khoa kháng chiến Chu Văn An.

Khi giặc Pháp tiến công lên Việt bắc; tháng 1/1950, anh cùng toàn thể giáo viên, học sinh nhà trường làm đơn tình nguyện xin được ra tiền tuyến chiến đấu. Sau một thời gian, anh được đơn vị giới thiệu thi và trúng tuyển vào học trường Đại học Y, được phân công cứu chữa các thương bệnh binh tại các đội điều trị tiền phương của Trung đoàn 209, Đại đoàn 312 chiến đấu ở các chiến dịch Tây bắc, Thượng Lào, Điện Biên Phủ. Hà Nội được giải phóng, Trần Đỗ Trinh được điều làm Chủ nhiệm quân y Trung đoàn 63 pháo binh rồi được đi học tiếp trường Đại học Y Hà Nội.

Luận án tốt nghiệp Đại học về tim mạch của anh đã được Hội đồng thi Quốc gia đánh giá vào loại xuất sắc.

Về bệnh viện Bạch Mai, đến năm 1960 sau 2 năm công tác ông đã thành công trong một công trình điều trị huyết áp cho trên 1.000 bệnh nhân, nghiên cứu trên các bản điện tâm đồ của hàng trăm bệnh nhân rồi biên soạn nhiều sách về điện tâm đồ góp phần làm cho điện tâm đồ trở thành một thường qui đặc biệt trong lâm sàng.

Sau đó, công trình sốc điện, đưa dòng điện 7.000V vào lồng ngực bệnh nhân bị loạn nhịp tim của các bác sĩ Trần Đỗ Trinh, Phạm Văn Đính, Hàn Thành Long, Nguyễn Ngọc Tước đã được giải thưởng đặc biệt của Tổng Công đoàn Việt Nam.

Tiếp theo, công trình cấy máy tao nhịp tim vào cơ thể bệnh nhân bị loạn nhịp tim của nhóm các bác sĩ Vũ Văn Đính, Trần Đỗ Trinh, Đặng Hanh Đệ thành công đã đưa việc điều trị loạn nhịp tim tốt đẹp hơn nhiều.

Trươc những tiến bộ kể trên, năm 1972 Bộ Y tế và Bệnh viện Bạch Mai đã quyết định thành lập khoa Tim mạch đầu ngành.

Bác sĩ Trần Đỗ Trinh được chỉ định làm Chủ nhiệm khoa.

Sau Đại thắng Mùa Xuân năm 1976, thống nhất đất nước, bác sĩ Trần Đỗ Trinh nhận quyết định làm phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Viện trưởng đầu tiên của Viện Tim mạch Việt Nam, được phong Giáo sư, Thầy thuốc Ưu tú rồi Thầy thuốc Nhân dân. 

Trần Đỗ Trinh nhiều nhiệm kỳ là Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam, đã có công đưa Hội Tim mạch Việt Nam gia nhập Liên đoàn Tim mạch Thế giới (WHF), Liên đoàn Tim mạch ASEAN (AFC), là người Việt Nam đầu tiên được bầu làm Thành viên trưởng Môn Tim mạch học Hoa Kỳ. Ông đã viết trên 100 đề tài khoa học về tim mạch được công bố trên các sách báo trong và ngoài nước.

Những bạn đồng nghiệp cùng công tác với Trần Đỗ Trinh nhận thấy một ưu điểm đặc biệt của ông là có quyết tâm rất cao trong việc hoàn thành bất kể một việc làm nào mà ông đảm nhiệm, luôn có lương tâm, say sưa, đam mê làm việc.

Ngày 11/11/2009, Viện Tim mạch VN đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động, thời Đổi Mới; nhiều bạn đã cùng học tập, công tác và chiến đấu với Trần Đỗ Trinh đến chúc mừng Viện và người viện trưởng đầu tiên của Viện, Một bạn mang theo một cuốn sổ lưu niệm có dòng ghi của Trần Đỗ Trinh hôm chia tay nhau sau khóa học lên đường đi công tác: "Hẹn sẽ gặp lại nhau ở Sorbonne". Có bạn hỏi Trinh:

-Trinh viết câu này trong lúc chúng ta đang gạo không đủ ăn, áo không đủ mặc. Các bạn cho rằng Trinh lãng mạn, hoài bão quá cao. Đã lân nào Trinh đi Sorbonne?

- Nhưng đó là lãng mạn Xã hội chủ nghĩa. Hoài bão cao là đức tính rất cần thiết cho mỗi người chúng ta. Mình đã hơn một lần đến trường Đại học Sorbonne ở Paris, nơi đã gần 800 năm qua đào tạo biết bao nhân tài cho thế giới.

Và mình biết trong số chúng ta, nhiều bạn cũng đã đến Pháp, đến Sorbonne.

Nói về Trần Đỗ Trinh, ngay khi còn là một học sinh, một sinh viên cho đến khi công tác, chiến đấu, người con đất Thăng Long văn hiến ấy luôn ham học, học giỏi, luôn tận tụy, có lương tâm cao, hoài bão lớn. Những đức tinh ấy đã góp phần mang đến những thành công tốt dẹp trong suốt cuộc đời hoạt dộng của ông sau này.

Nhiều năm nay, tuy đã bước vào tuổi 80, ông vẫn giữ được những đức tính vốn có, vẫn miệt mài nghiên cứu viết những tài liệu đóng góp cho những hoài bão mà ông từng đam mê theo đuổi, vẫn giữ được những quan hệ thân tình với bạn bè, người thân và địa phương nơi ông sinh sống ở vùng đất Thái Hà - Hà Nội.

Cuối Xuân năm 2015, Giáo sư Tiến sĩ Thầy thuốc nhân dân Trần Đỗ Trinh lâm bệnh, tuy được các bác sĩ và nhân viên y tế cùng gia đình hết lòng chăm sóc nhưng ông đã vĩnh viễn ra đi hồi 16h5 ngày 9/5/2015.

Giáo sư Tiến sĩ Thầy thuốc nhân dân Trần Đỗ Trinh không còn nữa nhưng tấm gương sáng điển hình của ông sẽ còn được nhắc đến nhiều trong bạn bè, đồng nghiệp và người thân và các thế hệ tiếp sau.

Hà Nội ngày 9 tháng 6 năm 2015

Đại tá Đỗ Sâm