Thương mẹ

(Dân trí) - Bên cạnh thuốc bệnh, tôi chú trọng thêm các loại thực phẩm chức năng để nâng cao đề kháng của mẹ. Ngay sau khi phát hiện bệnh ung thư được 1 tháng tôi bắt đầu cho mẹ tôi uống thực phẩm chức năng GenK STF.

Năm nay nhuận tháng Tư nên thời tiết hình như khác năm trước, cuối tháng Mười âm lịch trời vẫn nắng chói chang, oi bức như mùa hè. Nhưng tôi lại thích cái nắng nóng này, bởi trời trở lạnh là mẹ tôi lại ho nhiều hơn do mẹ bị ung thư phổi. Chắc ai cũng hiểu, khi người thân của mình bị mắc bệnh ung thư thì sẽ lo lắng thế nào, vì bệnh ưng thư xưa nay vẫn được xem là bệnh nan y không chữa được.

Khi hay tin, mắt em gái tôi lúc nào cũng đỏ hoe, còn tôi thường cầu mong mẹ sẽ khỏi bệnh và vợ tôi thì động viên mẹ tuổi cao nên chắc diễn biến cũng chậm thôi. Ngay sau đó tôi bắt đầu tìm hiểu về bệnh ung thư phổi, tôi mang kết quả khám bệnh của mẹ đi xin tư vấn bác sĩ từ Viện Phổi Trung ương, đến Viện Bạch Mai, Viện K cơ sở 3 Tân Triều, hỏi thăm bạn bè người quen có người thân bị ung thư phổi để có thêm thông tin thực tế về bệnh lý cũng như cách chăm sóc, chưa kể các bài viết nhiều vô kể trên mạng internet.

Vấn đề đầu tiên tôi gặp phải đó là lựa chọn phương pháp điều trị bệnh cho mẹ vì sau khi tìm hiểu tôi mới biết bệnh ung thư là bệnh cá thể hóa, không ai giống ai. Cụ thể, khi đánh giá về bệnh ung thư phổi chẳng hạn, bạn cần quan tâm: ung thư phổi tế bào nhỏ hay không nhỏ; ở giai đoạn nào I, II, III hay VI; vị trí u ở đâu (thùy trên, thùy giữa (trung thất) hay thùy dưới); bệnh nhân có bệnh lý nền hay bệnh cơ hội nào khác không (hen, huyết áp, tiểu đường, mỡ máu...); độ tuổi (già, trẻ); thể trạng nói chung (khỏe, yếu); tâm lí và tinh thần người bệnh (lạc quan, nghị lực hay dễ xúc động...); chưa kể đến cơ thể có bị phản ứng với loại thuốc hay thành phần thuốc đưa vào người (Ví dụ: tôi gặp một bệnh nhân nam ở Sơn Tây, khám và điều trị tại Viện Ung bướu Hà Nội, bị ung thư phổi nhưng cơ thể lại phản ứng với chất phóng xạ khi làm xét nghiệm chụp PET/CT, chú này bị dị ứng phù nề toàn thân, thậm chí khó thở)… Dựa vào các thông tin đó có thể tìm được phương pháp điều trị phù hợp nhất thì quá tốt. Nhưng nếu không tìm được, mà ở trạng thái ngã rẽ năm mươi năm mươi thì sao? Nghĩa là có thể chọn giải pháp ngoại khoa (phẫu thuật, sau đó hóa trị và xạ trị) hoặc có thể chọn phương pháp nội khoa (không phẫu thuật mà chỉ dùng thuốc). Chưa kể tới các phương pháp ít cơ sở khoa học hơn như: dùng thuốc nam, nhịn ăn hay ăn kiêng, luyện khí công... thì việc ra quyết định thật khó khăn, vì khi chọn phương án này bạn không còn cơ hội để quay lại thử phương án khác. Và nếu việc chọn đó đem lại kết quả tạm ổn thì không sao nhưng nếu kết quả không may thì có thể bạn còn phải suy nghĩ mãi về sau.

Vấn đề thứ hai đó là khi quyết định chọn được phương pháp điều trị thì bạn sẽ thuyết phục vận động thế nào để người bệnh vui vẻ hưởng ứng, tuân thủ. Vì khi mới phát hiện bệnh ung thư, đặc biệt ở giai đoạn đầu thì sức khỏe người bệnh hoàn toàn bình thường, việc phải làm nhiều xét nghiệm (lấy máu, chiếu chụp, sinh thiết..), hoặc việc chấp nhận thông tin mình bị bệnh là không dễ dàng hoặc ngược lại có thể dẫn tới suy sụp tinh thần. Thường ở giai đoạn đầu này người thân hay giấu thông tin vì sợ người bệnh lo lắng nên việc vận động lại càng gặp khó khăn hơn. Do đó, tôi nhận thức được rằng tinh thần của người bệnh đóng một vài trò quyết định đến quá trình điều trị. Chính tâm lý và sự hợp tác của người bệnh sẽ giúp khả năng đáp ứng thuốc cũng như sức khỏe của họ nhanh hồi phục.

Thương mẹ - 1
Mẹ tôi trong một chuyến du lịch Hàn Quốc

Tiếp theo tôi quan tâm tới chế độ dinh dưỡng và sự luyện tập vận động cho mẹ. Một cơ thể khỏe mạnh cần phải duy trì ăn uống đủ lượng và chất thì một người bệnh càng phải chú ý hơn tới dinh dưỡng. Chúng ta thường nghe cụm từ "Thuốc thang" - thuốc là để chữa bệnh, còn thang chính là chất "phương tiện" dẫn truyền. Chọn được thuốc tốt mà cơ thể không thể hấp thụ, không thể dẫn được thuốc thì bệnh chắc cũng khó lui. Đồ ăn, thức uống hàng ngày sẽ cung cấp năng lượng cho các hoạt động của cơ thể và khi cơ thể vận động, ngoài sự linh hoạt, mềm dẻo các cơ khớp và lưu thông khí huyết nó lại kích thích nhu cầu ăn uống, giúp ăn uống được nhiều và ngon miệng hơn. Vợ tôi lâu nay đã chú ý tới ăn uống nhưng từ khi biết mẹ bị bệnh lại càng để ý hơn như: chỉ mua thực phẩm ở nơi rõ nguồn gốc, món ăn đảm bảo đa dạng đủ thành phần, ít làm món chiên rán và luôn quan tâm mẹ thích ăn gì nấu món đó. Nếu hôm nào cả nhà ăn món mà mẹ không thích thì lại làm riêng món cho mẹ. Tôi cũng hay nhắc mẹ cố vận động đi lại tập thể dục theo sức của mình. Khi rảnh rỗi, tôi lại đưa mẹ đến công viên cho thoáng mát và tập các bài vận động cùng mẹ.

Tôi biết mẹ vất vả từ nhỏ, hơn 10 tuổi đã phải đi lao động kiếm sống. Mẹ lấy chồng muộn và đến lần mang thai thứ ba mới giữ được và sinh ra tôi. Bố là bộ đội đóng quân xa nhà, hai lần sinh con là hai lần vất vả bởi con sinh thiếu tháng, mẹ lại không có sữa. Hai quê ở xa, đồng lương thì thấp, món ăn chính lúc sơ sinh của hai anh em tôi là nước cháo hầm từ gạo và đỗ xanh mà mẹ phải dậy rất sớm để nấu sau đó lọc và vắt qua khăn xô. Thời điểm đó cả xí nghiệp có mấy trăm hộ gia đình thì nhà tôi là một trong năm gia đình ở đầu danh sách các hộ giàu nghèo. Sau khi mẹ nghỉ hưu cả nhà tôi mới thực sự ở cùng nhau, vợ được gần chồng, anh em tôi được cả bố và mẹ chăm sóc hàng ngày. Cuộc sống vất vả thế nhưng chẳng thấy mẹ kêu than, mẹ luôn làm lụng liên tục, buông tay nọ bắt tay kia, khi nghỉ hưu còn nhận trông trẻ, ngay cả bây giờ khi bị ung thư phổi, đôi khi mẹ vẫn làm việc nhà quên cả ăn.

Tôi còn nhớ lời của Phó giám đốc Trung tâm Y học Hạt nhân và Ung bướu - Bệnh viện Bạch Mai sau khi xem kết quả xét nghiệm của mẹ tôi, ông nói "Với trường hợp u ở trung thất gần phế quản và độ tuổi này, thì phẫu thuật chưa hẳn đã tốt và kể cả có khả thi thì sau mổ cũng chỉ dùng hóa chất liều lượng vừa vừa nên kết quả cũng chỉ vừa vừa thôi". Một bác sĩ khác ở Khoa Nội 3 (Bệnh viện K3 Tân Triều) nói với tôi theo kinh nghiệm của bác sĩ, nếu mẹ tôi truyền hóa chất và đáp ứng tốt thì thời gian sẽ được khoảng 2 năm. Qua nhiều câu chuyện và tình huống thực tế tôi biết nếu chọn phương án này mẹ tôi có cơ hội kéo dài sự sống nhưng chắc chắn tác dụng phụ sẽ làm mẹ tôi suy giảm sức khỏe và phải chịu nhiều đau đớn. Mẹ tôi đã ngoài bảy mươi và có thời thanh xuân vất vả nên tôi muốn quãng thời gian còn lại của mẹ bên chồng, con và các cháu phải thật thoải mái, vui vẻ và đáng nhớ. Chính vì điều đó tôi đã chọn phương án điều trị nội khoa đó là uống thuốc. Bên cạnh thuốc bệnh, tôi chú trọng thêm các loại thực phẩm chức năng để nâng cao đề kháng và thuốc chữa các bệnh khác (khớp và tiền đình) của mẹ để nâng cao chất lượng cuộc sống. Ngay sau khi phát hiện bệnh ung thư được 1 tháng tôi bắt đầu cho mẹ tôi uống thực phẩm chức năng GenK STF, mẹ tôi phải công nhận là mẹ cảm thấy khỏe hơn. Cách đây gần 1 năm mẹ tôi bắt đầu dùng thuốc đích. Tính đến nay đã sắp bước sang năm thứ tư kể từ ngày mẹ phát hiện ra bệnh ung thư phổi, nhưng vì mẹ dùng sản phẩm nên không bị tác dụng phụ như các bệnh nhân khác khi truyền hóa chất, chỉ có điều mẹ ăn hơi kém nhưng vẫn ngủ tốt. Mẹ có thể đạp xe đi chơi quanh xóm. Năm ngoái, tôi đưa mẹ đi du lịch Hàn Quốc. Còn năm nay, mọi kế hoạch đưa mẹ đi chơi đều phải hủy do dịch Covid.

Khi lựa chọn phương pháp điều trị nội khoa cho mẹ, trước hết tôi đã phải đả thông tư tưởng cho bố, các em và vợ tôi. Sau nhiều lần đến các viện thăm khám và làm xét nghiệm mẹ tôi có cơ hội giao lưu, nói chuyện với các bệnh nhân ung thư, mẹ tôi thấy bệnh này thật phổ biến và cũng không kinh khủng như mình nghĩ. Đến lúc này, tôi mới chính thức để bác sĩ nói về bệnh tình của mẹ. Còn thời gian đầu tôi nói là mẹ bị viêm kẽ phổi nên cần phải uống thuốc và theo dõi định kỳ. Ngay cả bây giờ, các con tôi cũng chưa biết bà bị ung thư, các cháu chỉ thấy bà gầy đi nên các cháu luôn động viên, chủ động nấu ăn sáng cho bà hay làm món bà thích, thậm chí giám sát xem bà có ăn nhiều không. Mỗi đợt mẹ tôi ho nhiều, con gái hơn 10 tuổi của tôi lại bảo bố phải đưa bà đi khám ngay. Cháu thường nói: "Bà bị ho nhiều là tại bố không đưa bà đi khám và chữa kịp thời, tất cả là do bố". Tôi hiểu cháu nói thế là vì quan tâm và lo cho bà, tôi cũng thương mẹ mà chưa thể nói hết được với cháu.

Nhiều đêm nghe thấy tiếng mẹ ho, tôi lại tỉnh giấc và thầm mong mẹ bớt ho. Tôi thường thức đến khi mẹ hết ho và đã ngủ lại. Những lúc như thế tôi hay nghĩ ngợi và lẩm nhẩm, để rồi cũng viết được một bài thơ về mẹ.

THƯƠNG MẸ

Mỗi đêm nghe tiếng mẹ ho

Lòng con đau xót, âu lo lệ tràn

Mẹ ơi, tím ruột bầm gan

Làm sao níu giữ thời gian bây giờ?

Chập chờn giấc ngủ, con mơ

Mẹ đưa con dưới trời mưa tới trường

Mẹ trao tất cả yêu thương

Mẹ giành khó nhọc, chẳng nhường chồng con.

Bao năm, ngày tháng hao mòn

Một mình vất vả, chồng còn ở xa

Bố con, quân ngũ xa nhà

Khi về tranh thủ khi ra chiến trường.

Vợ bộ đội, khổ trăm đường

Vật chất thiếu thốn, yêu thương đợi chờ

Quê xa, đâu nỡ cậy nhờ

Thôi đành gắng sức, giấc mơ sẽ thành.

Mầm non, nay lớn tươi xanh

Ra hoa kết trái, trĩu cành quả ngon

Mẹ ơi, con biết phận con

Phải lo báo hiếu khi còn mẹ cha.

Đường xa, ơi hỡi đường xa

Đi qua năm tháng, cũng đà tới nơi

Tuổi già, cha mẹ nghỉ ngơi

Vui bên con cháu, thảnh thơi một đời.

Hưởng ứng cuộc thi "Sống như những đóa hoa, vươn về phía mắt trời" tôi xin gửi đôi lời suy nghĩ của mình, về những trăn trở khi lựa chọn phương pháp điều trị bệnh ung thư cho mẹ mình. Điều này chắc nhiều người cũng gặp phải, tôi mong rằng sẽ nhận được nhiều chia sẻ phản hồi để tất cả các bệnh nhân ung thư cũng như các bệnh khác được chữa trị và chăm sóc một cách tốt nhất, kịp thời nhất. Còn những người thân của bệnh nhân thì vững tâm vào những chọn lựa của mình. Vẫn biết cuộc sống này vô thường, không ai nằm ngoài quy luật "Sinh - Lão - Bệnh - Tử" nhưng chắc chắn những kỷ niệm đẹp, những tình cảm yêu thương chân thành sẽ còn đọng mãi trong tâm trí mỗi chúng ta.

(Trong bài có một số nội dung mang tính y khoa được viết theo ý hiểu của mình - một người ngoại đạo ngành Y. Tôi mong nhận được sự thông cảm và chỉ bảo cho những chỗ chưa đúng. Tôi xin chân thành cám ơn!)