1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Thương lái tuồn “chất cấm” vào trang trại chăn nuôi

(Dân trí) - Công tác kiểm soát “chất cấm” trong chăn nuôi ở phía Nam đã được đẩy mạnh và đem lại nhiều hiệu quả tích cực vài năm gần đây, nhưng nhiều thương lái vẫn cố tình tuồn “chất cấm” vào trại nuôi heo, ép người chăn nuôi sử dụng thì mới mua heo với giá cao.

Qua khảo sát thực tế gần đây của PV Dân trí tại một số cơ sở chăn nuôi ở tỉnh Tiền Giang và tỉnh Đồng Nai cho thấy: Đa phần các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đã ngừng việc sử dụng thuốc tăng trong chăn nuôi vì chi phí cao và ý thức về nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên, nhiều thương lái và thậm chí là nhà cung cấp thức ăn chăn nuôi cho các trang trại chăn nuôi lớn lại là nơi cung cấp các “chất cấm” này. Đôi khi, họ còn ép người chăn nuôi phải dùng để tạo nạc cho heo thì họ mới mua heo với giá cao hơn thị trường.

Anh Đậu Văn Trọng, người chăn nuôi heo ở ấp Bình Hòa, xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc, Đồng Nai, khẳng định rằng: “Ở vùng này nuôi nhỏ lẻ thì không ai dùng chất tăng trọng vì làm vậy thực chất chỉ làm lợi cho mấy thương lái (heo nạc nhiều họ bán lời hơn). Nếu mình nuôi heo mã đẹp hơn thì họ trả thêm được 1.000đ/kg, số tiền này cũng chỉ đủ bù chi phí mua thuốc. Chỉ những trại lớn, người ta nuôi tập trung và chênh lệch giá bán nhiều từ 3.000-5.000đ/kg người ta mới làm như vậy. Cách đây nhiều năm, khi nhà nước chưa đưa ra khuyến cáo về việc sử dụng thuốc tăng trọng thì tôi đã sử dụng 1 lần. Chi phí mua chất tăng trọng mất khoảng 500.000 đ/tháng và lợn bán được cao hơn khoảng1.000đ/kg. Như vậy, mỗi lứa heo tôi lãi thêm được 500.000 đ. Tuy nhiên, dùng chất tăng trọng thì heo rất lười ăn và tăng trọng chậm hơn khi bình thường con heo tăng được 25kg/tháng nay chỉ tăng được 20kg/tháng vì chất này chỉ làm tăng tỷ lệ nạc”.

Đa số các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không dùng chất cấm trong chăn nuôi. (
 
Đa số các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không dùng chất cấm trong chăn nuôi. (Ảnh: T. Nguyên)

Phổ biến ở trang trại chăn nuôi lớn

Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Đồng Nai, cho biết: Từ đầu năm 2014 đến nay, Chi cục Thú y tỉnh đã tiến hành 3 đợt kiểm tra chất cấm tại 120 cơ sở chăn nuôi và trang trại chăn nuôi. Kết quả thanh tra đợt 1 trên cả hộ chăn nuôi nhỏ lẻ và trang trại chăn nuôi đã phát hiện 2 trang trại sử dụng chất cấm tại xã Xuân Định, huyện Xuân Lộc và tại xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu. Do đó, đoàn thanh tra kết luận việc sử dụng chất cấm không có ở các nông hộ nhỏ lẻ và đối tượng của đợt thanh tra lần 2 là các trang trại chăn nuôi tập trung. Lần này, đoàn thanh tra phát hiện 4 cơ sở chăn nuôi quy mô lớn từ vài trăm con trở lên có sử dụng chất cấm. Đợt thanh tra lần 3 lại phát hiện 6 trang trại chăn nuôi tập trung có sử dụng chất cấm.

“Điều này cho thấy việc sử dụng chất cấm hiện nay khá phổ biến. Điều đáng nói là hiện tượng này tập trung ở các trang trại chăn nuôi lớn bởi vì khi giá heo lên cao người chăn nuôi làm vì lợi nhuận”, ông Quang nhận định.

Ông Quang cũng cho biết: Nguyên nhân của tình trạng trên là do công tác quản lý nguyên liệu chất cấm còn nhiều bất cập. Trong khi Bộ Y tế vẫn cho nhập khẩu chất cấm này để làm nguyên liệu sản xuất thuốc cho người và nhiều người dùng chất này trong chăn nuôi. Thứ hai là do quản lý nhập khẩu tiểu ngạch chưa tốt. Hơn nữa, khâu quản lý sản xuất thức ăn bổ sung còn lỏng lẻo; đồng thời công tác quản lý thương lái heo còn nhiều bất cập. Có nhiều trường hợp thương lái ép người chăn nuôi dùng chất cấm để họ mua heo với giá cao hơn.

Các cơ sở vi phạm đã bị phạt 15 triệu đồng/hộ, tuy nhiên, mức phạt này còn quá nhẹ so với lợi nhuận các trang trại thu được.

Ông Lê Minh Khánh, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Tiền Giang cho biết: Qua kiểm tra chưa phát hiện trường hợp nào sử dụng chất cấm, tuy nhiên, trong dân vẫn còn xảy ra, và các cơ quan quản lý biết nhưng chưa có biện pháp nào xử lý. Có trường hợp thương lái mang thuốc đến chuồng heo để người chăn nuôi cho ăn và hẹn 1 tuần sau đến mua heo. Ngoài ra, một số tiếp thị công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi chào hàng cho các trang trại chăn nuôi lớn.

“Theo quy định nhà nước về kiểm tra chất cấm tại cơ sở giết mổ rất khó phát hiện vì nhập heo 6 tiếng đồng hồ là được phép giết mổ. Những kiểm tra định tính cũng không hẳn cho kết quả chính xác. Nếu gửi mẫu thịt lên cơ quan xét nghiệm thì đến khi có kết quả thịt heo đã vào bụng người tiêu dùng rồi,” ông Khánh nói.

Nguyên An