Thuốc tiểu đường tiêu diệt tế bào ung thư trong bệnh bạch cầu
(Dân trí) - Các nhà khoa học có lẽ đã tìm ra một cách sáng tạo để tiêu diệt các tế bào ung thư trong bệnh bạch cầu tủy cấp - một bệnh ung thư máu, đồng thời bảo vệ và tái tạo các tế bào hồng cầu khoẻ mạnh.
Nghiên cứu mới được tiến hành bởi các nhà nghiên cứu từ Viện Nghiên cứu Ung thư và Tế bào gốc McMaster tại Đại học McMaster ở Ontario, Canada.
Chủ nhiệm nghiên cứu là Mick Bhatia, giảng viên sinh hóa và y sinh học tại Đại học McMaster và là giám đốc Viện Nghiên cứu Ung thư Tế bào McMaster. Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Cell Biology.
Theo các nhà khoa học giải thích, các phương pháp thông thường để điều trị bệnh bạch cầu tập trung nhắm vào các tế bào bạch cầu, không chú ý đến việc bảo vệ các tế bào hồng cầu.
Nhưng sản xuất các tế bào máu khỏe mạnh trong tủy xương là điều cốt yếu để ngăn ngừa bệnh nhân bị bệnh bạch cầu không bị thiếu máu hoặc nhiễm trùng gây tử vong.
“Cách tiếp cận của chúng tôi tiêu biểu cho một cách nhìn khác về bệnh bạch cầu và coi toàn bộ tủy xương là một hệ sinh thái, thay vì tiếp cận truyền thống nghiên cứu và cố gắng trực tiếp tiêu diệt các tế bào bệnh ".
"Những cách tiếp cận truyền thống này không mang đến những lựa chọn điều trị mới đủ hiệu quả cho bệnh nhân", bà tiếp tục. "Tiêu chuẩn điều trị cho căn bệnh này vẫn giậm chân tại chỗ trong nhiều thập kỷ qua", các nhà nghiên cứu cho biết.
Hội Ung thư Mỹ (ACS) ước tính 21.380 người sẽ được chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu tủy cấp trong năm 2017. Hầu hết những người này sẽ là người lớn, vì AML có xu hướng nhằm vào người cao tuổi. Gần một nửa số bệnh nhân sẽ chết vì bệnh.
Thuốc tiểu đường tiêu diệt tế bào ung thư như thế nào?
Để thay đổi tiên lượng sống kém này, các nhà nghiên cứu đã thu thập mẫu tủy xương từ 34 bệnh nhân AML "đa dạng di truyền".
Họ đã kiểm tra quá trình hình thành tế bào máu của bệnh nhân và so sánh với người cho khỏe mạnh. Sau đó nhóm nghiên cứu đã kiểm tra tập tính của các tế bào riêng lẻ cả trong ống nghiệm nuôi cấy tế bào, và trong cơ thể - trên chuột được cấy ghép tế bào người.
Các nhà nghiên cứu thấy rằng bệnh "phá vỡ hốc mỡ" trong tủy xương. Cụ thể hơn, họ thấy bệnh bạch cầu ức chế tế bào mỡ tủy xương. Điều này dẫn đến rối loạn chức năng ở tế bào gốc và các tế bào tiền thân mà trong cơ thể khỏe mạnh sẽ tạo thành các tế bào hồng cầu. Vì thế, sự thành thục của các tế bào hồng cầu bị ngừng lại.
Để chống lại điều này, các nhà nghiên cứu đã sử dụng một chất chủ vận PPAR-gamma "một loại thuốc thường dùng để điều trị bệnh đái tháo đường týp 2" cho chuột, và họ thấy rằng nó đã khôi phục các tế bào mỡ trong tủy xương.
Sự tái sinh của các tế bào mỡ này đã “cứu nguy cho sự thành thực của tế bào tạo máu khỏe mạnh, đồng thời ức chế sự phát triển của bệnh bạch cầu”.
Nói cách khác, thúc đẩy các tế bào mỡ trong tủy xương sẽ tái tạo các tế bào máu khỏe mạnh trong khi tiêu diệt các tế bào bạch cầu ung thư.
Phát hiện có thể dẫn đến liệu pháp mới
GS Bhatia nhận xét về tầm quan trọng của những phát hiện này trong bối cảnh các liệu pháp chống ung thư truyền thống: "Trọng tâm của hóa trị liệu và điều trị chuẩn hiện nay là giết chết tế bào ung thư, nhưng thay vào đó, chúng tôi có một cách tiếp cận khác hoàn toàn là làm thay đổi môi trường mà các tế bào ung thư sống".
"Điều này không chỉ tiêu diệt những tế bào ung thư "xấu", mà còn tăng cường những tế bào “tốt” khỏe mạnh", cho phép chúng tái tạo trong môi trường được tạo ra bởi thuốc mới.
"Thực tế là việc có thể nhắm vào một loại tế bào trong một mô với một loại thuốc sẵn có khiến chúng tôi vui mừng về khả năng thử nghiệm trên bệnh nhân".
Thuốc kích hoạt sự tái tạo máu có thể mang lại lợi ích cho những người đang đợi ghép tuỷ xương nhờ hoạt hóa tế bào khỏe mạnh của chính họ".
Cẩm Tú
Theo MNT