Thuốc lá – “sát thủ” giết chết 8 triệu người mỗi năm trên thế giới

(Dân trí) - Thuốc lá được xem là sát thủ vô hình hay kẻ giết người thầm lặng, cướp đi sinh mạng của 8 triệu người trên thế giới mỗi năm. Riêng tại Việt Nam, con số này vào khoảng 40 nghìn người, tức là cứ mỗi giờ có 5 người chết vì các bệnh liên quan đến hút thuốc lá.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 8 triệu người tử vong do các căn bệnh liên quan đến thuốc lá. Riêng tại Việt Nam, thuốc lá cướp đi sinh mạng của khoảng 40 nghìn người. Tính trung bình, mỗi giờ có gần 5 người chết vì các bệnh liên quan đến hút thuốc lá. Theo tính toán, nếu không có can thiệp khẩn cấp, số tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá sẽ tăng lên thành 70.000 người vào năm 2030.

Ngày Thế giới không thuốc lá năm nay, Tổ chức Y tế thế giới lựa chọn chủ đề “Thuốc lá và các bệnh về phổi” nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của thuốc lá. Tại Việt Nam, Bộ Y tế phát động Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá từ ngày 25/5 đến ngày 31/5 hàng năm. Đến nay, 40 tỉnh, thành phố trong toàn quốc đã tổ chức Lễ mít tinh hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia không khói thuốc với nhiều chương trình và chiến dịch ý nghĩa.

Thuốc lá – “sát thủ” giết chết 8 triệu người mỗi năm trên thế giới - 1
Hàng trăm người tham gia hưởng ứng buổi lễ mít tinh ngày Thế giới không khói thuốc tại Hà Nội

Cụ thể, ngày 26/5 tại Hà Nội Lễ mít tinh hưởng ứng ngày Thế giới không khói thuốc với phần biểu diễn nhảy flasmob của 500 sinh viên và hoạt động đi bộ của 1000 người tại khu vực bờ hồ Hoàn Kiếm. Chương trình cũng lựa chọn 3 gương mặt cầu thủ trẻ là Quang Hải, Bùi Tiến Dũng, Đoàn Văn Hậu của đội tuyển Quốc gia Việt Nam làm đại sứ chương trình, nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về phòng chống tác hại của thuốc lá.

Thuốc lá – “sát thủ” giết chết 8 triệu người mỗi năm trên thế giới - 2
Ba đại sứ của chương trình Thế giới không thuốc lá năm nay là cầu thủ Quang Hải, Đoàn Văn Hậu và thủ môn Bùi Tiến Dũng

Tại Ninh Bình, ngày 26/5, Ban Chỉ đạo phòng, chống tác hại của thuốc lá tỉnh tổ chức mít tinh hưởng ứng Ngày thế giới không thuốc lá. Thời gian qua, tỉnh Ninh Bình đã đẩy mạnh công tác truyền thông, về tác hại của thuốc lá, nhận thức của người dân cũng được nâng lên. Tình trạng hút thuốc lá trong giới trẻ có chiều hướng giảm dần; nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đưa tiêu chí không hút thuốc lá vào bình xét xếp loại thi đua hàng năm… Tại Lễ mít tinh, đại diện một số sở, ngành, đơn vị, các huyện, thành phố trong tỉnh đã ký cam kết xây dựng cơ quan, đơn vị không khói thuốc với sự chứng kiến của Ban Chỉ đạo Phòng chống tác hại của thuốc lá tỉnh Ninh Bình.

Thuốc lá – “sát thủ” giết chết 8 triệu người mỗi năm trên thế giới - 3
Lễ mít tinh hưởng ứn ngày Thế giới không khói thuốc tại Ninh Bình

Tại Quảng Ninh, buổi lễ mít tinh hưởng ứng ngày Thế giới không thuốc lá được tổ chức vào ngày 25/5/2019 tại thành phố Hạ Long. Không chỉ tuyên truyền về tác hại của thuốc lá, Ban chỉ đạo Phòng chống tác hại thuốc lá tỉnh Quảng Ninh còn đề nghị các sở, ban, ngành… phổ biến quy định của Luật phòng, chống tác hại thuốc lá, xây dựng môi trường không khói thuốc lá tại các cơ quan y tế, các cơ sở khám, chữa bệnh … Đưa nội dung phòng, chống tác hại của thuốc lá vào kế hoạch hoạt động hàng năm và quy định rõ việc cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc.

Thuốc lá – “sát thủ” giết chết 8 triệu người mỗi năm trên thế giới - 4
Tại lễ mít tinh các sở, ban, ngành và các đơn vị của tỉnh Quảng Ninh đã ký cam kết  thực hiện môi trường không khói thuốc

Không chỉ tổ chức các buổi lễ mít tinh, tuyên truyền, thời gian qua, các hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá đang ngày càng được triển khai rộng khắp. 63 tỉnh, thành phố đã thành lập Ban chỉ đạo phòng chống tác hại thuốc lá. 

Hơn 1.500 cơ quan hành chính nhà nước thực hiện nghiêm quy định, cấm hút thuốc lá nơi làm việc. 10 nghìn trường học thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc lá trong trường học. 508 bệnh viện tuyến tỉnh, huyện thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc…

Theo Báo cáo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đã có gần 70 % công đoàn cơ sở triển khai thực hiện môi trường làm việc không khói thuốc và 195.000 cán bộ nhân viên bỏ thuốc lá, trên 200.000 đoàn viên, công nhân viên chức lao động giảm hút thuốc lá.

Thuốc lá – “sát thủ” giết chết 8 triệu người mỗi năm trên thế giới - 5
Người cao tuổi huyện Tiền Hải, Thái Bình thực hành truyền thông nhóm

Thông qua hỗ trợ cho các sáng kiến Phòng chống tác hại thuốc lá, một số mô hình xây dựng môi trường không khói thuốc lá được thực hiện như Hội Y tế công cộng Việt Nam trong vận động mạng lưới cộng tác viên y tế công cộng và người cao tuổi tuyên truyền Phòng chống tác hại thuốc lá.

Trong đó, chương trình huy động những Người cao tuổi còn khoẻ mạnh, minh mẫn và tình nguyện đóng góp cho cộng đồng, mỗi hội viên được giao phụ trách truyền thông cho một cụm hộ gia đình, được truyền thông về Phòng chống tác hại thuốc lá, quy định cấm hút thuốc ở nơi công cộng và ngôi nhà không khói thuốc. Mô hình được triển khai tại 4 xã thuộc tỉnh Thái Bình, Đồng Tháp. Ngoài ra, các sáng kiến Phòng chống tác hại thuốc lá còn được tổ chức hoặc lồng ghép trong các chương trình, sự kiện của các Bộ ngành, địa phương nhằm lan tỏa thông điệp: “Nói không với khói thuốc”.

Thuốc lá – “sát thủ” giết chết 8 triệu người mỗi năm trên thế giới - 6
Tại xã An Phong, Thanh Bình (Đồng Tháp) một thành viên giới thiệu Mô hình mô phỏng Ngôi nhà không khói thuốc

Qua các hoạt động này, nhận thức của cộng đồng về tác hại của thuốc lá đã tăng lên đáng kể. Theo báo cáo điều tra GATS năm 2015, tỷ lệ phơi nhiễm với khói thuốc thụ động giảm đáng kể so với năm 2010 ở hầu hết các địa điểm: tại gia đình (từ 73,1% xuống còn 59,9%), tại nơi làm việc (từ 55,9% xuống còn 42,6%), tại các trường đại học, cao đẳng (từ 54,3% xuống còn 37,9%), trên phương tiện giao thông công cộng (từ 34,4% xuống còn 19,4%) và tại trường học (từ 22,3% xuống còn 16,1%).

Tuy tỷ lệ hút thuốc giảm nhưng Việt Nam vẫn là một trong 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất trên thế giới. Sử dụng thuốc lá là nguyên nhân chính gây ra các bệnh về phổi, điển hình là ung thư phổi và các bệnh phổi tắc nghẽn, mãn tính. Trên thế giới, hàng năm có trên 90% tổng số người mắc ung thư phổi và 75% các ca bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính là người hút thuốc lá. Đặc biệt, những người hút thuốc có nguy cơ mắc ung thư phổi cao gấp 22 lần trong đời, so với những người không hút thuốc.

Tại Việt Nam, tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá là 96,8%. Số trường hợp tử vong do các bệnh không lây nhiễm chiếm 73% tổng số ca tử vong do bệnh tật và thương tích, mà một trong những nguyên nhân là do tỷ lệ sử dụng thuốc lá cao. Chính vì thế, theo các chuyên gia thời gian tới cần phải tiếp tục tăng cường hơn nữa các hoạt đồng để tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân để giảm tỷ lệ hút thuốc lá trong cộng đồng.

P.V