Thuốc lá gây bệnh ung thư như thế nào?

(Dân trí) - Hút thuốc lá gây ra khoảng 25 căn bệnh, trong đó có nhiều bệnh lý nguy hiểm như ung thư, bệnh tim mạch, bệnh hô hấp và ảnh hưởng tới sức khỏe sinh sản…

Thế nhưng, không phải ai cũng hiểu đâu mới là nguyên nhân thực sự gây ra các căn bệnh liên quan tới việc hút thuốc lá.

Tại Việt Nam, mỗi năm ghi nhận số người tử vong vì các bệnh liên quan tới khói thuốc lớn hơn gấp 3 lần so với số người nhiễm HIV và tai nạn giao thông. Theo đó, mỗi năm Việt Nam có hơn 165.000 ca mắc mới và khoảng 114.000 người tử vong vì ung thư; trong đó ước tính có khoảng 1/3 các trường hợp là do có liên quan đến sử dụng thuốc lá hoặc hít khói thuốc lá.

Thuốc lá gây bệnh ung thư như thế nào? - 1

Nhiều người nhầm tưởng nicotin là nguyên nhân gây ra các bệnh liên quan đến thuốc lá. Tuy nhiên, các độc tố và chất gây ung thư trong khói thuốc lá là nguyên nhân chính gây ra bệnh tật và tử vong.

Khói thuốc lá tạo ra trong quá trình đốt và rít thuốc sản sinh rất nhiều chất độc hại. Việc đốt cháy tạo ra khói, than, nhựa và hàm lượng các hóa chất gây hại cao, đặc biệt là hắc ín (tar). Khi đốt cháy, khói thuốc lá sinh ra 40.000 độc chất, 4.000 - 7.000 tạp chất, 43 chất cực độc, như Benzen, Ethylen Oxit, Vinyl Chloride, Asen (thạch tín…tác động trực tiếp đến phổi gây ung thư cũng như tất cả các cơ quan khác. Đáng nói, quá trình đốt cháy nhả khói ra môi trường xung quanh sẽ tác động trực tiếp lên những người hút thuốc lá thụ động, mà đôi khi chính họ còn chịu nhiều tác động nguy hiểm hơn hút trực tiếp. Như với bệnh ung thư phổi, có đến 90% bệnh nhân ung thư phổi do hút thuốc lá.

Còn Nicotin là chất gây nghiện có trong thuốc lá, khiến người hút thuốc lá ngày càng lệ thuộc vào thuốc lá và rất khó bỏ thuốc.

Theo các tài liệu, nicotin được hấp thụ vào máu và ảnh hưởng đến não bộ trong khoảng 10 giây sau khi hút vào. Khi Nicotine trong khói thuốc gắn kết thụ thể Nicotine trên các tế bào thần kinh tại “trung tâm thưởng” ở hệ viền não bộ, các hóa chất trung gian dẫn truyền thần kinh được phóng thích gây ra một loạt các phản ứng hóa học tạo ra nhiều tác động tâm thần kinh như cảm giác sảng khoái, vui vẻ, tăng họat động nhận thức. tuy nhiên, cảm giác đó sẽ mau qua đi sau vài phút.

Tuy nhiên, khi nồng độ Nicotin trong cơ thể giảm xuống, người hút thuốc sẽ cảm thấy bứt rứt, căng thẳng; không tập trung được; buồn bã, lo lắng; rối loạn giấc ngủ...Vì vậy để có sự thoải mái, người hút thuốc phải hút thuốc.

Nicotin là thành phần tự nhiên có trong cây thuốc lá, thậm chí được tìm thấy ở trong nhiều loại cây khác. Nicontin cũng được ứng dụng để điều trị cai nghiện thuốc lá.

Phương pháp nicotin thay thế này dựa trên nguyên tắc là dùng liều lượng vừa đủ để làm giảm cơn thèm lúc khởi đầu, sau đó giảm dần bằng cách tăng khoảng cách giữa các lần dùng hoặc giảm tổng liều mỗi ngày. Tiếp đó sau khoảng 3 tháng, bác sĩ sẽ giúp người cai thuốc giảm dần liều cho đến khi họ không còn muốn hút thuốc và không còn dùng các sản phẩm thuốc để thay thế nicotin.

Để loại bỏ hoàn toàn tác hại của khói thuốc lá, các chuyên gia khuyến khích người hút thuốc lá bỏ nicotin và thuốc lá đồng thời. Thế nhưng, việc cai nghiện thuốc lá không đơn giản. Trên thực tế, tỉ lệ cai nghiện thuốc lá thành công còn thấp, tỉ lệ tái nghiện khá cao.

Nguy cơ gây hại cho sức khoẻ khi sử dụng thuốc lá truyền thống là cao hơn so với sử dụng các sản phẩm thuốc lá không khói và nicotin thay thế. Tuy nhiên, không có sản phẩm thuốc lá nào được chứng minh là an toàn và không có nguy cơ gây hại với sức khỏe con người.

Thuốc lá gây bệnh ung thư như thế nào? - 2

Các chuyên gia khuyến cáo, thuốc lá cũng như những sản phẩm có chứa nicotin không nên sử dụng, đặc biệt đối với phụ nữ mang thai hoặc cho con bú, người có các bệnh liên quan đến tim mạch, tiểu đường, huyết áp cao...

Trường Thịnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm