Thuốc lá điện tử cũng gây ung thư, không an toàn như quảng cáo
(Dân trí) - Các nhà khoa học Nhật Bản gần đây đã phát hiện trong khí phát thải và trong thuốc lá điện tử cũng có các thành phần độc hại giống như thuốc lá thông thường, gây ung thư, bệnh tim mạch, bệnh hô hấp...
Các thuật ngữ khác nhau mà ngành sản xuất thuốc lá sử dụng cho sản phẩm thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng gồm thuốc lá thế hệ mới, các sản phẩm nicotine hóa hơi, nicotin thay thế, nicotin an toàn, giảm hại, làm theo yêu cầu.
Theo bà Tan Yen Lian, Liên minh phòng chống tác hại thuốc lá Đông Nam Á, tất cả những thuật ngữ này đều nói đến cùng một sản phẩm là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Đây là hình thức khác của sản phẩm thuốc lá truyền thống. Chúng đều chứa nicotine là chất gây nghiện.
Rất nhiều thuốc lá điện tử có mặt trên thị trường, được bán với nhiều màu sắc, hình dạng để lôi kéo khách hàng mới, lôi kéo người đang hút thuốc lá truyền thống.
“Các sản phẩm thuốc lá mới không an toàn như các công ty thuốc lá tuyên bố và nên bị cấm. Không có bằng chứng cho thấy chúng ít tác hại hơn so với các sản phẩm thuốc lá đốt cháy”, bà Tan Yen Lian nhấn mạnh.
Các nhà khoa học Nhật Bản gần đây đã phát hiện ra trong khí thải và trong thuốc lá điện tử cũng có các thành phần độc hại giống như thuốc lá thông thường. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng trong khí thải của thuốc lá điện tử có các chất có thể gây ung thư.
Năm 2019, FDA đã cho phép bán các sản phẩm thuốc lá làm nóng ra thị trường nhưng đồng thời cũng cấm nhà sản xuất là tuyên bố các sản phẩm này giảm nguy cơ lên sức khỏe.
TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế.
Tại hội thảo chia sẻ thông tin về thuốc lá thế hệ mới do Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tổ chức ngày 15/11, TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết các thuốc lá thế hệ mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha có hình thức bắt mắt, dễ tiếp cận với thế hệ trẻ. Ngoài ra hiện nay có một sự hiểu nhầm khi cho rằng hút thuốc lá điện tử để cai nghiện thuốc lá truyền thống. Điều này không đúng mà chỉ là thay nghiện cái này chuyển sang nghiện cái khác.
Tổ chức Y tế Thế giới, Trung tâm kiểm soát và ngăn ngừa bệnh tật Hoa kỳ (CDC) đã phát hiện ra các tác hại của thuốc lá thế hệ mới với sức khỏe, môi trường, an toàn xã hội, kinh tế.
“Những tác hại mới này đòi hỏi các quốc gia quan tâm chú ý đến nó. Việt Nam cũng sẽ nghiên cứu để đưa ra quyết sách phù hợp”, TS Quang nói.
Theo WHO, thuốc lá điện tử là một thiết bị điện tử sử dụng pin để làm nóng dung dịch. Thành phần chính của dung dịch này bao gồm nicotine, propylene glycol, có hoặc không có glycerol và các chất tạo hương.
Ngoài tính gây nghiện, nicotine gây tác động tiêu cực đến sự phát triển thai nhi trong quá trình mang thai và các bệnh tim mạch. Nó không phải là chất gây ung thư, nhưng nó lại tác động như “chất tạo khối u” và liên quan đến hình thành bệnh ung thư.
Ngoài ra, propylene glycol có thể tạo thành propylene oxide, một chất gây ung thư khi được đun nóng. Trong dung dịch thuốc lá điện tử cũng có thể có các kim loại như chì, bạc, cadmium, chromium, thủy ngân, nickel.
Thuốc lá làm nóng là sản phẩm thuốc lá làm sản sinh ra sol khí chứa nicotine với hương vị thuốc lá cho người sử dụng hít vào qua đường miệng. Những sản phẩm này được làm nóng ở nhiệt độ thấp hơn thuốc lá đốt cháy nhưng vẫn có những thành phần giống như thuốc lá thông thường, bao gồm cả các chất gây ung thư và các chất độc gây bệnh tim mạch và hô hấp
Đến ngày 22/10, Trung tâm kiểm soát và ngăn ngừa bệnh tật Hoa kỳ (CDC) đã ghi nhận 1.604 ca tổn thương phổi liên quan đến sử dụng thuốc lá điện tử và các sản phẩm thuốc lá mới. Các ca tử vong liên quan đến thuốc lá điện tử tăng lên 39 ca và làm ảnh hưởng sức khỏe của ít nhất 2.051 người.
Số liệu thống kê từ Mỹ, EU, Canada… cho thấy đến đã có hơn 2.600 ca ngộ độc do sử dụng thuốc lá điện tử.
Xu thế hiện nay là các quốc gia nên cấm các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới này để bảo vệ sức khỏe người dân. Hơn 40 quốc gia trên thế giới hiện đã cấm thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng, trong đó có 5 quốc gia thuộc ASEAN: Brunei, Campuchia, Lào, Singapore và Thái Lan.
Nam Phương