"Thuốc gia truyền" - Khó phân biệt thật giả!

Nhiều người mua thuốc gia truyền không rõ nguồn gốc để điều trị bệnh nan y. Mới uống thấy giảm, uống càng lâu, bệnh không khỏi mà còn có cơ mất mạng…

Corticoid giấu mình

 

Bị gout (thống phong) hơn 10 năm, nên khi nghe người quen giới thiệu một loại thảo dược chữa bệnh này rất hiệu quả bán tận TP Long Xuyên - An Giang, ông T.H.N, 55 tuổi, ngụ tại quận 3, TPHCM, liền nhờ người tìm mua uống ngay. Thuốc hiệu quả thật, chỉ sau 3 ngày là ông không còn đau nhức khớp, đi đứng như trai trẻ và ăn rất nhiều. Tuy nhiên sau 1 tháng dùng thuốc, ông N. phù nhiều chỗ trên người và huyết áp cũng tăng vọt!

 

Nhưng ông N. vẫn may mắn hơn người bạn của mình trước đó 2 năm, người này cũng bị gout và sau một thời gian dài sử dụng thảo dược không rõ nguồn gốc đã tử vong!

 

Theo số điện thoại do ông N. cung cấp, 076989…, ngày 17/7, từ TPHCM chúng tôi gọi xuống An Giang mua thuốc cho người nhà. Một giọng nữ từ đầu dây bên kia cho biết đây là “thuốc gia truyền” hàng chục năm nay, chuyên chữa các bệnh đau thần kinh, đau khớp, viêm mũi, viêm xoang, nổi mề đay. Cách dùng rất đơn giản, thuốc bỏ sẵn trong gói, mỗi ngày uống 2 lần sáng, chiều, mỗi lần 1 gói. Khi tôi hỏi thăm người nhà cũng bị thêm các bệnh tim mạch, cao huyết áp dùng thuốc này có được không, người bán khẳng định là chẳng có vấn đề gì!

 

“Nhiệt ngộ nhiệt tắc cuồng - hàn ngộ hàn tắc tử”

 

Trong dân gian nhiều người vẫn lầm tưởng mọi thảo dược đều có tác dụng tốt, nhưng theo các chuyên gia y học cổ truyền không ít thảo dược như cà độc dược, mã tiền vẫn có thể gây chết người nếu dùng không đúng liều, thời gian và chỉ định của thầy thuốc.

 

Ngoài ra, do lý luận của y học cổ truyền rất phức tạp, không phải ai cũng lĩnh hội được, nên không ít trường hợp bệnh nhân lâm cảnh “nhiệt ngộ nhiệt tắc cuồng - hàn ngộ hàn tắc tử”. Năm qua, tại Hà Nội, một người dân đã thiệt mạng sau khi uống bài thuốc gia truyền, nguyên nhân được xác định do trong thuốc có chu sa và sâu ban miêu, hai độc tố rất mạnh. Nhưng đặc biệt nhất là trước đó có một lương y chết do dùng chính bài thuốc của mình bào chế từ phụ tử!

Theo TS.BS Lê Anh Thư, trưởng khoa Nội cơ xương khớp Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM, với những triệu chứng như ông N. mô tả, nhiều khả năng trong thảo dược này có corticoid, một loại tân dược có tính kháng viêm cực mạnh điều trị các bệnh viêm khớp, dị ứng. Mặc dù rất hiệu quả, nhưng corticoid lại gây nhiều tác dụng như phù, cao huyết áp (do giữ muối, nước), loét dạ dày - tá tràng, rối loạn điện giải, đục thuỷ tinh thể, che lấp các bệnh nhiễm khuẩn, loãng xương… Đặc biệt khi dùng corticoid kéo dài mà ngưng đột ngột, người bệnh có thể bị suy tuyến thượng thận. Do có quá nhiều tác dụng phụ như vậy, nên corticoid được xếp vào nhóm thuốc độc bảng B, dùng phải có hướng dẫn của bác sĩ và mua thuốc theo toa.

 

Quản lý như đùa!

 

Theo pháp lệnh hành nghề y dược tư nhân hiện hành, các bài thuốc gia truyền hay y học cổ truyền phải do Bộ Y tế hoặc Sở Y tế cấp phép mới được lưu hành, tuy nhiên trong thực tế thì có rất ít bài thuốc làm điều này vì chủ yếu đó là thuốc bào chế theo kinh nghiệm dân gian, thuốc trôi nổi không nguồn gốc hoặc Đông dược có trộn lẫn tân dược.

 

Một cán bộ thanh tra Sở Y tế TPHCM cho biết tất cả trông chờ vào sự tự giác của nơi có bài thuốc gia truyền, nếu họ không đi đăng ký xin cấp phép, kinh doanh “chui” thì cũng thua, chỉ khi có sự cố thì thanh tra mới xử phạt.

 

Được biết, hàng năm Thanh tra Sở Y tế TPHCM đều “đến hẹn lại lên” tiến hành các đợt thanh tra về thuốc y học cổ truyền, thuốc Đông y, nhưng kết quả chẳng được bao nhiêu vì mỗi khi biết tin có thanh tra, nhà thuốc giấu tất cả những thuốc “có vấn đề”, thanh tra đi xong họ bày trở lại, thế là “huề trớt”.

 

Tại TPHCM, ở các địa bàn quận 5, 6, 11, nơi tập trung nhiều nhà thuốc Đông y, tình hình bán thuốc gia truyền rất phổ biến, dưới dạng thuốc tễ, sirop hoặc thuốc bột, hầu hết không nhãn mác, mua dễ dàng như mua kẹo. Bác sĩ Đặng Văn Quỳ, trưởng phòng quản lý dịch vụ y tế Sở Y tế TP.HCM, cho biết trong thực tế có nhiều bài thuốc gia truyền rất giá trị, được kế thừa qua nhiều thế hệ và chứng tỏ hiệu quả hàng trăm năm qua ở những cộng đồng nhỏ. Tuy nhiên, nếu muốn lưu hành ra ngoài công chúng trên nhiều người, thuốc phải được kiểm chứng rõ ràng để hạn chế những tác dụng có hại.

 

Trước những bức xúc của người dân về tai biến do thuốc Đông y, Sở Y tế TPHCM có dự án thành lập Phòng quản lý Đông y. Dự án triển khai từ giữa năm qua, chủ trương về nhân sự cũng đã được Sở Nội vụ đồng ý, tuy nhiên sau một năm phòng này vẫn chưa ra đời và cũng không biết khi nào mới ra đời. Vậy là trong lúc này, người dân chỉ còn biết tự bảo vệ mình bằng cách tránh xa những thuốc Đông y không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

 

Theo Phan Sơn

Sài Gòn tiếp thị