Thuốc điều trị huyết áp có gây bất lực?

(Dân trí) - Xin hỏi, dùng thuốc điều trị huyết áp cao có khiến tôi bị bất lực?

  

Thuốc điều trị huyết áp có gây bất lực? - 1


Trả lời:

 

Rối loạn cương dương là một bệnh. Nghiên cứu cho thấy 40% nam giới tuổi 40 mắc chứng này đôi lần hoặc triền miên; ở độ tuổi trên 70, 70% nam giới chung sống với chứng bệnh này.

 

Rối loạn cương dương thường được cho là liên quan với các bệnh như tiểu đường, tim và vì thế lo lắng của bạn về việc thuốc điều trị huyết áp gây bất lực là hoàn toàn có cơ sở và đây là một tác dụng phụ phổ biến của thuốc.

 

Các loại thuốc mà gây ra vấn đề “khó nói” trên chủ yếu là thuốc lợi tiểu, có tác dụng chống tăng huyết áp. Thuốc lợi tiểu giúp “đẩy” lượng nước và muối thừa ra khỏi cơ thể nhưng nếu dùng quá nhiều lại gây ra giữ nước, làm tăng huyết áp.

 

Thật không may, các loại thuốc lợi tiểu lại ngăn không cho máu xuống “cậu nhỏ”. Nhưng đối với bệnh nhân huyết áp, thuốc lợi tiểu luôn là lựa chọn hàng đầu trong điều trị, đặc biệt là cho những trường hợp huyết áp tăng nhẹ.

 

Những loại thuốc điều trị huyết áp khác cũng có thể gây rối loạn cương (nhấn mạnh là có thể) là thuốc chẹn beta (propranolol, atenolol, sotalol…) Những loại thuốc này thường dùng để chặn hormone gây tăng huyết áp và cũng “chặn đứng” luôn mọi xúc cảm trên giường ngủ.

 

Nhưng không phải tất cả các loại thuốc điều trị huyết áp đều gây ra tình trạng này, ví như nifedipine hay amlodipine có tác dụng làm giãn mạch, giúp giảm huyết áp. Một loại thuốc điều trị huyết áp khác như losartan lại có tác dụng tích cực đối với người mắc chứng rối loạn cương.

 

Không chỉ thuốc điều trị huyết áp mà thuốc chống trầm cảm (đặc biệt là amitriptyline và doxepin) cũng có thể gây rối loạn cương do tác dụng tới hệ thần kinh.

 

Tuy nhiên, thuốc điều trị huyết áp không phải là thủ phạm duy nhất. Ví như bệnh đái tháo đường. Đường huyết cao cũng gây nguy hại cho các tế bào thần kinh. Bệnh tiểu đường cũng làm tăng cholesterol và có thể gây ách tách các mạch máu.

 

Đối với bệnh tim, nó có thể gây hạn chế việc cung cấp máu cho “cậu nhỏ”, vì thế áp lực máu sẽ không đủ và dẫn tới rối loạn cương.

 

Điều này có nghĩa, khi một bệnh nhân phàn nàn về tình trạng rối loạn cương, bác sĩ cần phải xem xét tất cả các yếu tố, không nên quên cả các yếu tố tâm lý (nghĩ mình có bệnh).

 

Vậy nên trong trường hợp của bạn, không thể kết luận rằng thuốc điều trị huyết áp là thủ phạm. Ngoài ra, nếu đúng là do thuốc điều trị huyết áp thì việc điều trị chống tăng huyết áp cần được ưu tiên. Bởi huyết áp cao có thể dẫn tới đột quỵ và suy tim nếu không được điều trị tích cực. Ngoài ra, việc không điều trị huyết áp cao cũng gây nguy hiểm cho các mạch máu, gây ra tình trạng rối loạn cương bất cứ lúc nào.

 

Tốt nhất bạn nên trao đổi với bác sĩ về tình trạng hiện tại của mình để có phương pháp điều trị ít ảnh hưởng hơn. Hãy thành thật với bác sĩ về những gì bạn ăn uống hằng ngày, bao gồm cả các loại thảo dược và đồ uống chứa cồn…

 

Một tin vui nữa là vấn đề của bạn có thể giải quyết với các loại thuốc cường dương, có tác dụng tăng lượng máu tới “khu vực trọng yếu”.

 

Thu Trang

Theo Dailymail