Thuốc diệt côn trùng: Bác sỹ sợ, người dùng thờ ơ

Biết rằng các hóa chất diệt côn trùng có độc tính cao nhưng không ít người tiêu dùng khi có nhu cầu vẫn mua về pha chế, sử dụng tùy ý.

Một nghiên cứu mới đây của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho thấy, tỷ lệ nhân viên y tế, các bác sỹ tham gia vào diệt, pha chế thuốc diệt côn trùng có sử dụng các biện pháp bảo hộ, phòng tránh rất cao. Trong khi đó, đối với người tiêu dùng thì ngược lại, thậm chí có nhiều trường hợp "điếc chẳng sợ súng". Kể cả khi đã mắc bệnh vì sử dụng hóa chất diệt côn trùng (HCDCT) không phù hợp nhưng người tiêu dùng cũng chẳng chịu đi khám, chữa, loại bỏ độc tố, bảo vệ sức khỏe.

 

100% nhân viên y tế sử dụng hóa chất diệt côn trùng đúng cách. Ảnh: N. M

100% nhân viên y tế sử dụng hóa chất diệt côn trùng đúng cách. Ảnh: N. M

 

PGS. Nguyễn Thúy Hoa, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương - người có nhiều năm công tác, nghiên cứu về côn trùng và các biện pháp phòng chống cho biết, khi tiến hành khảo sát trên diện rộng ở các tỉnh khắp miền Bắc, Trung, Nam, kết quả nhận được là có tới 100% số nhân viên y tế, các bác sỹ khi tham gia phun, sử dụng HCDCT đều thực hiện sử dụng các bảo hộ lao động. 100% nhân viên y tế dùng sản phẩm đúng hướng dẫn sử dụng và thông tin an toàn của nhà sản xuất ghi trên bao bì.

 

Trong khi đó, số hộ gia đình đọc và làm theo hướng dẫn của nhà sản xuất liên quan đến cách sử dụng và an toàn sản phẩm khi sử dụng chỉ đạt có 55,8%. Đặc biệt, có tới có 29,2% số người sử dụng HCDCT đã từng có vấn đề sức khỏe nhưng hơn 50% trong số đó gặp vấn đề sức khỏe mà lại không điều trị gì.

 

"Hằng năm trên thế giới có hàng trăm triệu ca mắc các bệnh do công trùng truyền. Các bệnh do vectơ truyền ước tính chiếm khoảng 17% gánh nặng do các bệnh truyền nhiễm. Các bệnh thường được lây truyền qua vectơ hoặc vật chủ trung gian bao gồm: sốt xuất huyết Dengue, viêm não Nhật Bản, sốt rét, giun chỉ...", PGS. TS Nguyễn Thúy Hoa nói.

 

Theo PGS. TS Nguyễn Thúy Hoa, HCDCT là các hợp chất có nguồn gốc tự nhiên hoặc tổng hợp có tác dụng làm giảm mật độ của côn trùng gây bệnh trong các vụ dịch. Cho đến nay, việc sử dụng hóa chất diệt côn trùng gia tăng nhanh chóng về cả số lượng và chủng loại.
 

Nếu như năm 1975, Việt Nam mới chỉ nhập 100 tấn, năm 1980 là 10.000 tấn thì đến năm 2006 đã là 100.000 tấn.

 
Theo báo cáo của Cục Quản lý môi trường y tế, số lượng chế phẩm diệt côn trùng đăng ký lưu hành năm 2000 mới chỉ có 3 chế phẩm, đến năm 2006 là 57 chế phẩm và năm 2010 là 62 chế phẩm. Hai năm gần đây, các chế phẩm diệt côn trùng nhập vào trong nước tiếp tục tăng.

 

Theo các chuyên gia vệ sinh dịch tễ, cùng với tác dụng chính là tiêu diệt và hạn chế số lượng côn trùng gây hại, việc sử dụng HCDCT bừa bãi cũng để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng như sự kháng hóa chất, tồn lưu hóa chất làm ảnh hưởng tới sức khỏe của con người, động vật và gây ô nhiễm môi trường.

 

Trong y tế, hóa chất được sử dụng trong các chương trình phòng chống sốt rét, sốt xuất huyết, vệ sinh môi trường. Bên cạnh đó, kiến thức và hành vi của người dân trong việc lựa chọn và sử dụng các sản phẩm cũng có phần làm gia tăng những ảnh hưởng của hóa chất đối với sức khỏe.

 

100% nhân viên y tế sử dụng hóa chất diệt côn trùng đúng cách. Ảnh: N. M

Không ít người tiêu dùng sử dụng sai hóa chất diệt côn trùng, có hại cho sức khỏe gia đình. Ảnh: N. M

 

Hiện nay, trên thị trường HCDCT bán tràn lan. Bất kể đâu người dân cũng có thể mua được HCDCT. Do "mù mờ" về cách sử dụng, pha chế nên không ít người đã "tự ý làm bừa" và hậu quả là côn trùng diệt được thì ít, ảnh hưởng tới sức khỏe thì nhiều.

 

Cũng trong một khảo nghiệm thực tế của Cục Quản lý môi trường Y tế - Bộ Y tế cho thấy, có 62,7% đối tượng nghiên cứu cho biết gia đình có sử dụng hóa chất diệt côn trùng trong năm qua. Tại các hộ gia đình, sử dụng phổ biến nhất là bình xịt, mức độ sử dụng sản phẩm này cao gấp 2 lần hương và gấp 4 lần sản phẩm dung dịch, keo, gel, bẫy côn trùng, bả, bẫy diệt côn trùng.

 

Cửa hàng tạp hóa là nơi cung cấp gần 60% các sản phẩm HCDCT cho các hộ gia đình, trong khi đó cửa hàng hóa chất trừ sâu và siêu thị cung ứng gần 40% nhhu cầu còn lại. Khi lựa chọn các loại HCDCT, các hộ gia đình dựa vào nhiều tiêu chí để lựa chọn, phổ biến nhất là công cụ của hóa chất, chất lượng của sản phẩm, quảng cáo trên các phương tiện truyền thông đại chúng, tư vấn của người bán và giá cả.

 

Cũng theo PGS. Nguyễn Thúy Hoa, những hạn chế lớn nhất đối với người tiêu dùng khi lựa chọn HCDCT là do công tác truyền thông còn nhiều nhược điểm. Việc sử dụng HCDCT tràn lan, không theo hướng dẫn cũng khiến cho côn trùng kháng thuốc tăng cao. Vì thế, cấp bách trước mắt là cần nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng về các hóa chất và cách dùng HCDCT. Ở cấp quốc gia, cần thiết phải có các tập huấn về HCDCT gia dụng cho cả những người bán và mua.

 

Có 9 loại HCDCT đang được sử dụng tại các cơ sở y tế gồm: Permethrin có 3 loại, Deltamethrin có 2 loại, Cypermethrin và Lambdacyhalothrin có 1 loại. 100% hóa chất đều được cấp, có số đăng ký lưu hành và còn hạn sử dụng. Có 3 loại hóa chát là Permethrin, Delta UK 2,5 EW và Fendona 10 SC được các cơ sở y tế tự mua thêm. Tất cả các loại hóa chất đều được cấp cho các cơ sở y tế.

 

Theo Xuân Hương - Hồng Anh

Chất lượng Việt Nam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm