1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Thuốc chữa sốt trong sách cổ trở thành thuốc trị bệnh sốt rét như thế nào?

(Dân trí) - Trong khi dư luận trong và ngoài nước đặt câu hỏi về việc thuốc Artemisinin của bà Đồ U U cứu chữa cho bộ đội Việt Nam, chúng tôi xin giới thiệu bài phỏng vấn GS Chu Nghĩa Thanh, người đã đạt giải thưởng phát minh châu Âu năm 2009 cho loại thuốc phối hợp artemisinin. Bài phỏng vấn đã hé lộ một sự thật khác.

Giáo sư Chu Nghĩa Thanh sinh năm 1929 trong một gia đình nông dân. Ông gia nhập Bát lộ quân (sau này là một phần của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc) ở tuổi 16. Trong cuộc chiến tranh Trung-Nhật và chiến tranh giải phóng ông phục vụ với vai trò của một y tá, đứng đầu một đội điều dưỡng, y sĩ và cuối cùng bác sĩ phụ trách. Năm 1960, ông tốt nghiệp trường Đại học Quân Y số 2 Thượng Hải và sau này trở thành một nhà nghiên cứu tại Viện Vi sinh và Dịch tễ học (IME) của Học viện Quân y Trung Quốc (AMMS).


Giáo sư Chu Nghĩa Thanh

Giáo sư Chu Nghĩa Thanh

Tháng Tư năm 2009, Chu Nghĩa Thanh và nhóm của ông đã giành được giải thưởng Nhà phát minh châu Âu của năm (trong hạng mục các nước ngoài châu Âu) cho việc phát triển liệu pháp phối hợp dựa trên artemisinin (ACT) đầu tiên để điều trị sốt rét, được gọi là Coartem. Ông đã có cuộc nói chuyện với phóng viên Thúy Vi Viên về thành tích này:

Có phải bệnh sốt rét đã từng ảnh hưởng tới người dân Trung Quốc?

Sốt rét là một bệnh dịch ở Trung Quốc trong hơn 3000 năm. Các triệu chứng đã được mô tả trong các thư tịch cổ. Ví dụ, Nội Kinh (cuốn sách cổ về nội khoa) từ năm 270 trước Công nguyên đã mô tả các triệu chứng của sốt rét.

Khi nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa được thành lập năm 1949, bệnh sốt rét gây dịch ở hai phần ba số huyện của Trung Quốc, nhưng mãi đến những năm 1980 nó mới trở thành vấn đề lớn của y tế công cộng.

Trải nghiệm đầu tiên ông với bệnh sốt rét là gì?

Trong trận chiến vượt sông Dương Tử năm 1949, lần đầu tiên tôi mắc phải căn bệnh này và bị những cơn sốt rét tái phát. Lúc đó không có loại thuốc nào có hiệu quả.

Sự đau đớn để lại một ấn tượng mạnh đối với tôi. Tôi được tiêm một mũi asen và sau đó là thuốc uống Atabrine (quinacrine). Thuốc khiến cả người tôi chuyển thành màu vàng. Mặc dù bị tác dụng phụ nặng, tôi đã qua khỏi. Một số đồng chí nữ đã phát điên do độc tính của thuốc sau khi điều trị.

Có phải điều đó đã thúc đẩy ông nghiên cứu để tìm ra thuốc chống sốt rét?

Khi làm thầy thuốc chiến trường, có một điều khiến tôi trăn trở nhất: những thương binh van nài tôi cứu mạng, vì đôi khi tôi không thể làm gì để giúp họ. Tôi mới chỉ học đến lớp bốn. Tôi đã tự hứa là sẽ tiến bộ.

Năm 1960, tôi tốt nghiệp trường y và được bổ nhiệm làm nghiên cứu viên được chỉ tại Học viện Quân y Trung Quốc, nhưng trước hết sẽ được gửi sang Liên Xô để nghiên cứu thêm. Việc bị bệnh sốt rét ký khiến tôi nhận ra căn bệnh này có thể tồi tệ đến mức nào. Tuy nhiên, việc tôi chính thức tham gia dự án nghiên cứu bắt nguồn từ cuộc chiến tranh Việt Nam.

Khi tôi từ Liên Xô trở về năm 1964, chiến tranh đã nổ ra. Tôi được lệnh tiến hành nghiên cứu thực địa về các bệnh nhiệt đới ở Việt Nam. Lúc đó Trung Quốc đang hỗ trợ Bắc Việt Nam và cung cấp sự trợ giúp y tế.

Sau khi nhận lệnh, tôi cùng các đồng chí của mình đã đi theo Vịnh Bắc Bộ và qua đường mòn Hồ Chí Minh trong rừng - đó là con đường duy nhất để duy trì nguồn cung cấp cho Bắc Việt Nam vì Mỹ đang ném bom rất ác liệt.

Trong suốt hành trình chúng tôi đã gặp phải nhiều trận mưa bom. Ở đó, tôi đã chứng kiến ​​bệnh sốt rét tràn lan làm giảm một nửa sức chiến đấu, đôi khi tới 90% khi nhiều chiến sĩ bị bệnh. Có người nói: "Chúng tôi không sợ đế quốc Mỹ, nhưng chúng tôi sợ bệnh sốt rét" mặc dù trong thực tế bệnh gây thiệt hại lớn cho cả hai phía.

Sau đó, chúng tôi đã trình một báo cáo lên Quân ủy Trung ương Trung Quốc, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển thuốc chống sốt rét của Trung Quốc. Tiếp thu lời khuyên của chúng tôi, chính quyền trung ương thành lập một ủy ban gồm hơn 500 chuyên gia quân y và dân sự để phát triển thuốc điều trị sốt rét mới cho các chiến sĩ. Công việc này được xếp vào nhiệm vụ nhà nước tuyệt mật có tên là Đề án 523, ngày 23 Tháng năm 1967, dự án được thành lập.

Điều gì khiến ông và nhóm của mình nghĩ đến việc sử dụng artemisinin để điều trị sốt rét?

Đề án 523 bao gồm hai nhóm tham gia phát triển thuốc chống sốt rét: một nhằm tìm ra các loại thuốc hóa học, nhóm kia kiểm tra các thuốc y học cổ truyền Trung Quốc. Nhóm thứ hai này có các nhà nghiên cứu cũng như các bác sĩ y học cổ truyền, những người, như một phần của chương trình chân đất của Chủ tịch Mao, lùng sục khắp cả nước để thu thập các bài thuốc dân gian. Khi đề án 523 đang diễn ra, thì Cách mạng Văn hóa bắt đầu và nghiên cứu trở thành lá chắn cho các nhà khoa học đang phải đối mặt với cuộc đàn áp chính trị.

Từ năm 1970, trọng tâm của đề án chuyển sang y học cổ truyền Trung Quốc vì sản xuất thuốc chống sốt rét trở nên ít được ưu tiên hơn sau khi Trung Quốc sản xuất phối hợp thuốc chống sốt rét hoá học và cung cấp cho Bắc Việt Nam.

Các chuyên gia đã sàng lọc một danh sách các vị thuốc và bài thuốc dân gian, một số ít trong đó được thấy có tác dụng chữa khỏi bệnh sốt rét. Cuối cùng, cây Artemisia annua đã được lựa chọn để nghiên cứu thêm.

Vào đầu những năm 1970, một nhóm nghiên cứu của dự án 523 đã lần đầu tiên được chiết xuất được artemisinin từ cây. Các thử nghiệm lâm sàng khẳng định hiệu quả chống sốt rét của nó.

Từ năm 1976 đến năm 1978, cấu trúc phân tử của artemisinin được xác định và thêm nhiều dẫn xuất artemisinin được phát triển. Năm 1979, thuốc chống sốt rét từ artemisinin lần đầu tiên được sử dụng trên chiến trường trong chiến tranh Việt-Trung.

Các nhà khoa học Trung Quốc tại dự án 523, không giống như các nhà nghiên cứu phương Tây đi tìm thuốc mới, trước tiên đã xác định những loại thảo dược có tác dụng chữa bệnh, trước khi nhắm vào các hoạt chất, dựa trên kiến ​​thức về của y học cổ truyền.

Artemisia annua sử dụng trong y học cổ truyền tại Trung Quốc là gì?

Ngay từ thế kỷ thứ hai trước Công nguyên, cây Thanh hao (ngải ngọt) đã tỏ ra là một loại thuốc chống sốt trong Thập ngũ nhị phương (Năm hai bài thuốc), một chuyên luận y học. Năm 340 trước Công nguyên, Cát Hồng – một nhà giả kim thuật và cũng là một thầy thuốc đời Đông Tấn - là người đầu tiên mô tả các đặc tính chống số rét của cây Artemisia annua. Các bài thuốc dân gian mà Đề án 523 thu thập được trong những năm 1970 cũng đã ghi nhận những cách sử dụng này.

Tại sao ông lại nghiên cứu về ACT trong điều trị bệnh sốt rét khi chưa có mối lo ngại về kháng artemisinin?

Về lý thuyết luôn có nguy cơ kháng thuốc, mặc dù artemisinin có thể diệt ký sinh trùng trong máu trước khi nhanh chóng đào thải khỏi cơ thể, không để thời gian hình thành kháng thuốc. Chúng tôi cũng thấy rằng artemisinin, khi được sử dụng đơn thuần, không thể làm sạch toàn bộ ký sinh trùng. Nhưng kết hợp với lumefantrin, ACT loại trừ mọi ký sinh trùng còn sót lại. Trong khi đó, thông qua sàng lọc các mô hình Plasmodium falciparum cho AMMS và các viện nghiên cứu khác, tôi đã học được đặc điểm của các thuốc chống sốt rét khác nhau và có trong tay các thuốc chống sốt rét tổng hợp mới. Do đó, tôi đề xuất một đề tài để kìm hãm hiện tượng kháng thuốc có thể xảy ra với artemisinin và các biến thể của nó.

Được sự cho phép của Ban Chỉ đạo Quốc gia Trung Quốc về Phát triển Thanh hao tố (artemisinin) và các dẫn xuất, tôi bắt đầu nghiên cứu về ACT năm 1981. Trong bốn năm, tôi hầu như đơn độc. Trợ lý duy nhất mà tôi có nghĩ rằng công việc của cô ấy là cải tạo tư tưởng của tôi, tàn dư từ cuộc Cách mạng Văn hóa.

Từ năm 1985, mọi thứ được cải thiện. Giáo sư Ning Dianxi và những người khác tham gia cùng tôi. Họ đã giúp cải thiện sự kết hợp cố định bằng cách thay artemisinin với [một trong các dẫn xuất của nó] là artemether. Nhưng vẫn thiếu kinh phí nghiên cứu. Tôi may mắn được tiếp cận với các thuốc mới, nhưng đó là một may mắn phải vất vả mới kiếm được. Tôi và đồng nghiệp đã phải thử rất nhiều phối hợp các thành phần trước khi tìm ra thứ hiệu quả nhất.

Chúng tôi thấy rằng tác dụng kéo dài của lumefantrine bổ sung cho tác dụng nhanh và mạnh của artemether, giúp nâng cao rõ rệt hiệu quả chữa bệnh. Nó giống như việc kết hợp cú đấm ngắn và dài trong Kung Fu. Chúng tôi cũng thấy rằng chúng làm giảm độc tính của nhau. Năm 1985, chúng tôi kết hợp artemether và lumefantrine thành loại viên nén duy nhất, tạo ra loại ACT đầu tiên, được đăng ký thuốc mới ở Trung Quốc năm 1992, và sau đó được biết tới với tên “Coartem”

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đóng vai trò gì trong sự phát triển ban đầu của ACT?

Vào đầu những năm 1980 dường như nghiên cứu sốt rét hầu như không mang lại điều gì. May mắn thay, các luận án được công bố bởi các nhà khoa học thuộc Đề án 523 lọt vào mắt xanh của WHO. Vào khoảng năm 1979, TDR (Chương trình đặc biệt dành cho nghiên cứu và đào tạo về bệnh nhiệt đới) [tài trợ bởi Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc, Ngân hàng Thế giới và WHO] thể hiện sự quan tâm hợp tác trong nghiên cứu sốt rét. Nhưng sau khi Dự án 523 bị giải tán vào năm 1981, không còn ai thảo luận về vấn đề này. Năm 1981, TDR tổ chức hội nghị quốc tế đầu tiên tại Bắc Kinh về artemisinin và các biến thể của nó. Năm tiếp theo, nhờ nỗ lực của WHO / TDR, Ban Chỉ đạo Quốc gia Trung Quốc về Phát triển Thanh hao tố và dẫn xuất đã được thành lập trực thuộc Bộ Y tế để thay thế Đề án 523. Đề án đã được cứu. Mặc dù sự hợp tác giữa Ủy ban Quốc gia và WHO và TDR bị đình chỉ, họ vẫn tiếp tục hỗ trợ. Nghiên cứu của tôi được thông tin từ các hướng dẫn của WHO. Các nhà khoa học Trung Quốc vào thời điểm đó chưa từng nhìn thấy những hướng dẫn này - mà đã trở thành chuẩn mực ở phương Tây. WHO cũng cho chúng tôi cơ hội trao đổi nghiên cứu và đào tạo

Tại sao ông giới thiệu ACT ở ngoài Trung Quốc?

Hôm nay, khám phá của chúng tôi, Coartem, đã được chứng minh là có hiệu quả cao và dung nạp tốt, với tỷ lệ chữa khỏi hơn 95%, thậm chí ở những vùng đa kháng thuốc. Nhưng ở một nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, không ai có tiền để hỗ trợ sự phát triển của một loại thuốc không có thị trường nội địa và chủ yếu được tiêu thụ bởi những người dân nghèo bên ngoài Trung Quốc.

Nhưng tôi biết nó có thể chữa khỏi cho bệnh nhân và mang hy vọng và sức khỏe trở lại cho người bệnh sốt rét. Làm sao tôi có thể đứng nhìn một loại thuốc tốt như thế lặng lẽ bị lãng quên trong phòng thí nghiệm và không làm gì cho nó? Năm 1988, ngay cả Ủy ban Quốc gia cũng bị giải thể.

Một lần nữa, tôi sợ sự gián đoạn trong nghiên cứu và không còn sự chú ý ở cấp nhà nước sẽ có nghĩa là mọi thứ bị mất đi mãi mãi. Không có công ty dược phẩm Trung Quốc nào có khả năng đưa thuốc này ra với thế giới. Vì vậy, tôi đã đến Bộ Khoa học và Công nghệ, họ giới thiệu tôi với Tổng công ty Đầu tư Quốc tế Trung Quốc (CITIC), doanh nghiệp nhà nước duy nhất tại thời điểm đó có chức năng thương thảo với các nhà đầu tư nước ngoài.

Với sự chấp thuận của nhà nước và sự giúp đỡ của CITIC, chúng tôi đã giới thiệu cho Novartis. Lúc đầu, chúng tôi cũng lo sợ về việc làm ăn với một công ty phương Tây, nhưng ngay sau đó sự hồ nghi đã tan biến vì tính chuyên nghiệp và tình thần hợp tác của họ.

Ông và nhóm của ông đã lấy bản quyền Coartem như thế nào?

Trung Quốc đã thông qua Luật Bản quyền năm 1985. Do trước đó chưa có luật bản quyền, nên cấu trúc phân tử của artemisinin và các dẫn xuất đã được công bố vào cuối năm 1970 và đầu những năm 1980, và do đó không còn được đăng ký bản quyền cho những công thức này nữa. ACT mà sau này mang tên Coartem là phát minh duy nhất mà chúng tôi vẫn còn có thể cấp bằng sáng chế.

Năm 1990, tôi và nhóm của mình đã nộp hồ sơ xin cấp bằng sáng chế gốc ở Trung Quốc. [Lưu ý: bằng sáng chế được cấp năm 2002 theo Luật Bản quyền Trung Quốc đã được sửa đổi năm 1993.] Bằng sáng chế bây giờ thuộc về Viện nghiên cứu của tôi, IME, và đất nước.

Năm 1991, để giúp nhóm chúng tôi có được bằng sáng chế trên toàn thế giới, Novartis đã thiết lập quan hệ đối tác với IME /AMMS và Công ty Cổ phần Dược phẩm Côn Minh, qua CITIC. Cùng với họ, chúng tôi đã cùng phát triển Coartem. Năm 1994, Novartis đã nhận được bản quyền về Coartem toàn thế giới bên ngoài Trung Quốc và năm 1998 cũng đã đạt được cấp phép cho loại thuốc hiện đã trở thành sản phẩm dược phẩm có bằng sáng chế quốc tế đầu tiên của Trung Quốc. Coartem đã được cấp phép ở hơn 80 quốc gia. [Lưu ý: ở Trung Quốc, không bắt buộc phải cấp bản quyền cho một loại thuốc trước khi nhượng quyền].

Nếu nhìn lại, chắc hẳn ông rất tự hào về thành tích của mình?

Tôi tự hào về những gì chúng tôi đạt được với các đối tác. Đến nay, Novartis đã cung cấp hơn 250 triệu liều Coartem cho bệnh nhân ở các nước đang phát triển, giúp cứu sống khoảng 630.000 người.

Sự tín nhiệm đang được dành cho đất nước tôi và hàng ngàn nhà khoa học, nhà nghiên cứu và các bác sĩ chân đất - một số trong số họ đã chết trước khi có thể nhìn thấy những điều tuyệt vời Coartem có thể làm - cùng với các cơ quan chính phủ, các công ty và tổ chức đối tác. Coartem sẽ không thể được như ngày hôm nay nếu không có họ.

Cẩm Tú

Theo WHO