Thuốc bôi ngoài cũng gây nhiễm độc
Thuốc bôi ngoài da không chỉ có tác dụng trên một vùng da đơn thuần như nhiều người vẫn nghĩ. Thực tế, dược chất có thể thấm vào máu và nếu thuốc có tính độc, cơ thể có thể nhiễm độc khi bôi dài ngày.
Khi dùng thuốc bôi ngoài da, bạn cần biết cơ chế tác dụng của thuốc, phản ứng của cơ thể với thuốc ấy. Dùng thuốc gì cần phù hợp với tính chất và giai đoạn của tổn thương trên da, với lứa tuổi, vùng da, thời tiết, tính chất công việc của người bệnh... để đạt hiệu quả cao và tránh tai biến.
Đối với những thương tổn còn viêm trợt, chảy nước, chỉ dùng các loại thuốc như đắp gạc, phun nước và hồ nước...
Với trẻ em, cần dùng thuốc nồng độ thấp hơn người lớn. Ví dụ, mỡ lưu huỳnh dùng bôi ghẻ cho người lớn có thể dùng tới 30%, nhưng ở trẻ em chỉ dùng 10% và không bôi ở vùng da mỏng như bẹn... vì dễ bị kích thích. Với nấm bẹn, cần dùng dung dịch iod salicylic 1-2%; nhưng nếu trẻ bị nấm ở kẽ chân hoặc vùng da dày thì có thể dùng tới 3% hoặc cao hơn.
Đối với các nếp, các kẽ nói chung, nên tránh dùng thuốc mỡ vì dễ gây lép nhép, bí hơi, nhất là vào mùa hè. Chỉ nên dùng thuốc bột, thuốc nước hoặc thuốc hồ...
Cần chú ý thăm dò phản ứng của từng người bệnh đối với thuốc nhằm tránh các phản ứng nguy hiểm hoặc làm bệnh nặng hơn. Muốn vậy, cần bắt đầu bôi thử từng vùng nhỏ và theo dõi chặt chẽ sự phản ứng của thuốc. Nếu chịu được thuốc này thì mới bôi tiếp rộng ra toàn thương tổn.
Một số thuốc dễ gây nhiễm độc như acid salicylic, resocxin, acid crisophanic, acid borique, gudron... Không được bôi toàn thân hoặc bôi dài ngày hay bôi cho trẻ em, phụ nữ đang mang thai, nhất là khi người bệnh có thương tổn rộng hoặc trợt loét sâu.
Một số thuốc khác không gây nhiễm độc song cũng không nên bôi quá lâu vì dễ gây nhờn thuốc. Do đó, đối với từng loại thuốc bôi, chỉ nên dùng 15-20 ngày rồi lại thay thuốc khác có tác dụng tương tự...
Nhiều loại thuốc có sự tương kỵ, nếu dùng chung sẽ có tương tác nguy hiểm. Vì vậy, bạn không nên tự ý dùng thuốc ngoài da mà hãy xin đơn của bác sĩ, vì chỉ người có chuyên môn mới biết những thuốc nào không thể đi cùng nhau.
Theo BS. Hoàng Xuân Đại
Sức Khỏe & Đời Sống