Thuế tiêu thụ đặc biệt thuốc lá cần tăng mạnh vào năm 2015

(Dân trí) - Bộ Y tế đề xuất cần tăng mạnh thuế thuốc lá để giảm số người hút thuốc, từ đó giảm bệnh tật, tử vong và các gánh nặng khác do thuốc lá gây ra.

Gia tăng hệ lụy do hút thuốc lá

Hơn 20 năm nghiện thuốc lá thế nhưng “cú sốc” ung thư phổi bỗng chốc khiến ông Trần Văn Kiên, 62 tuổi ở Nam Định trở nên sợ mùi khói thuốc. Theo ông Kiên, cách đây khoảng 5 năm, trong một lần đi khám bệnh với các biển hiện khó thở, ho kéo ông đã được bác sĩ khuyên bỏ thuốc lá. Một hai lần định cai thuốc lá nhưng ông lại tặc lưỡi vì bao nhiêu năm “chung sống” với thuốc lá ông vẫn béo khỏe đấy thôi.
 
Cách đây gần 1 năm những cơn ho kéo dài bắt đầu hành hạ ông, kèm thêm biểu hiện đau tức ngực, khó thở ông Kiên được gia đình đưa đến bệnh viện. Tại đây ông được chẩn đoán mắc bệnh ung thư phổi với khối u lớn bám chặt vào lá phổi trái của ông. Sử dụng thuốc lá nhiều năm là một trong những nguyên nhân dẫn đến căn bệnh ung thư phổi của Ông.
 
Thuốc lá gây ra nhiều hệ lụy về sức khỏe cho người sử dụng.
Thuốc lá gây ra nhiều hệ lụy về sức khỏe cho người sử dụng. 

Việt Nam hiện đứng thứ 15 trên thế giới về số người hút thuốc với khoảng 16 triệu người trưởng thành hút thuốc. Theo điều tra hút thuốc lá ở người trưởng thành Việt Nam năm 2010, trung bình cứ 2 nam giới trưởng thành sẽ có 1 người hút thuốc, 2/3 số phụ nữ và trẻ em thường xuyên hít phải khói thuốc ở nhà, 33 triệu người không hút thuốc nhưng thường xuyên hít phải khói thuốc. Gánh nặng bệnh tật các bệnh không truyền nhiễm mà nguyên nhân chính là do thuốc lá đang gia tăng nhanh chóng. Nếu như năm 1986, bệnh không lây nhiễm chỉ chiếm 39% số trường hợp nằm viện thì tới nay, tỷ lệ này lên tới 71%.

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới, thuốc lá được chứng minh có liên quan đến 25 loại bệnh và là nguyên nhân chủ yếu của nhiều bệnh mãn tính nguy hiểm như ung thư phổi, thiếu máu cơ tim, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, đột quỵ… Năm 2012, người Việt Nam đã bỏ ra tới 22.000 tỷ đồng cho tiêu dùng thuốc lá. Tổng chi phí điều trị và tổn thất do mất khả năng lao động vì ốm đau và tử vong sớm chỉ trong 5 nhóm bệnh (ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa - hô hấp trên, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, nhồi máu cơ tim, đột quỵ) trong số 25 bệnh do thuốc lá gây ra đã lên tới 23.000 tỷ đồng/ năm. Theo uớc tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nếu không có các biện pháp mạnh mẽ phòng chống tác hại thuốc lá hiệu quả, số ca tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá ở nước ta sẽ lên tới 70 nghìn ca/năm vào năm 2030.

Cần tăng thuế thuốc lá ở mức cao hơn

Một trong những nguyên nhân chính khiến cho tiêu dùng thuốc lá ở Việt Nam cao là do giá thuốc lá ở nước ta quá rẻ và mức thuế thuốc lá của nước ta hiện đang ở mức rất thấp. Trung bình giá thuốc lá ở Việt Nam chỉ khoảng 17.000 đồng/bao, nên người tiêu dùng dù thu nhập thấp vẫn có thể “duy trì” hút thuốc hàng ngày được, đây thực sự là một điều đáng lo ngại - Bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm, đại diện Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam phân tích. So với các quốc gia ASEAN, tỷ lệ thuế trên giá bán lẻ thuốc lá ở Việt Nam là thấp nhất, chỉ sau Campuchia. Hiện thuế tiêu thụ đặc biệt của sản phẩm thuốc lá của Việt Nam là 65% tính trên giá xuất xưởng. Mức thuế này khiến Việt Nam là nước có mức thuế thuốc lá thấp gần nhất so với các nước trong khu vực và rất thấp so với các nước phát triển như Pháp (80%), Đức (73%), Úc (60%). Nếu tính trên giá bán lẻ, thì thuế chỉ chiếm 41,6% trong khi khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, tỷ trọng thuế trên giá bán lẻ thuốc lá phải đạt từ 70%. Theo kinh nghiệm của các nước trên thế giới “thuế và giá” là biện pháp hiệu quả nhất để giảm tiêu dùng thuốc lá.

Theo dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi đang được Chính phủ  trình Quốc hội, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng thuốc lá sẽ được điều chỉnh tăng từ 65% lên 70% từ ngày 01/01/2016 và tiếp tục nâng lên mức 75% từ ngày 01/01/2019.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng mức tăng thế này chẳng khác gì “muối bỏ bể”. Bà Hoàng Anh cho rằng mức tăng này là quá thấp và không giải quyết được vấn đề gì. Theo mức tăng này, dự kiến tiêu dùng thuốc lá sẽ chỉ giảm nhẹ vào năm 2016 và 2019, khi bắt đầu áp thuế mới, còn ngay sau đó thì sẽ tăng trở lại. “Như vậy tính chung giai đoạn 2015-2020, tiêu dùng thuốc lá vẫn trong xu thế tăng. Bên cạnh đó, tỷ lệ hút thuốc ở nam giới sẽ không giảm. Không những thế, thuế thuốc lá thấp thúc đẩy sử dụng thuốc lá, đặc biệt là với người nghèo và học sinh, thanh thiếu niên. Thực tế trong những năm qua cho thấy, số thanh thiếu niên sử dụng thuốc lá ngày một gia tăng và có xu hướng trẻ. Thậm chí theo một nghiên cứu công bố cho thấy 10,3% học sinh nam và 4% học sinh nữ trong độ tuổi 13-15 cho biết có ý định sẽ hút thuốc lá trong tương lai”, bà Hoàng Anh phân tích.

Bà Phan Thị Hải, Phó Chánh Văn phòng chương trình Phòng chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế), cho rằng để đạt được mục tiêu quốc gia giảm tỷ lệ hút thuốc lá, thì mức tăng phải là từ 65% hiện nay lên 105% vào năm 2015 và lên 145% vào năm 2018. Còn với trường hợp không thể tăng “tối đa” như trên, thì mức tăng ít nhất cũng phải  là 85% vào năm 2015,105% vào năm 2018 và 125% vào năm 2020, nhằm giữ sức mua không thay đổi. Bà Hải cũng nhấn mạnh việc cần có những chiến dịch tuyên truyền sâu rộng hơn trong xã hội, để mọi người đều thấm thía tác hại của thuốc lá, từ đó biết tự bảo vệ mình.
 
“Người ta thấy rằng nếu tăng thuế thuốc lá lên 10%, số tiêu thụ thuốc lá sẽ giảm 4% ở những nước thu nhập cao và 8% ở những nước có thu nhập thấp và trung bình. Dựa trên những dữ liệu năm 2012, WHO ước tính rằng tăng thuế 50% sẽ cho phép tất cả các quốc gia giảm số người hút thuốc xuống 49 triệu trong 3 năm tiếp theo và cuối cùng có thể cứu sống 11 triệu người”, bà Hải dẫn chứng.

Đưa ra các bằng chứng của thế giới để chứng minh hiệu quả từ việc tăng thuế về, ông Nguyễn Tuấn Lâm - Đại diện Tổ chức Y tế thế giới cho biết ở Thái Lan, với 12 lần tăng thuế trong thời gian qua, thu ngân sách từ thuế thuốc lá đã tăng 300% sau 20 năm, đạt khoảng 1,9 tỷ USD mỗi năm và làm giảm tỷ lệ hút thuốc khoảng 1% một năm.

Thuế thuốc lá được xem là chính sách mang lại lợi ích kép trong khi làm giảm tiêu dùng thuốc lá nhưng lại gia tăng nguồn thu từ thuế cho chính phủ.

Tú Anh