Thực trạng và thách thức về sức khỏe tâm thần ở trẻ em Việt Nam
(Dân trí) - Theo các chuyên gia tâm thần, đã đến lúc cần lên tiếng báo động về tình trạng ngày càng gia tăng số lượng trẻ em có vấn đề về sức khỏe tâm thần”.
Hội thảo về“Thực trạng và thách thức về sức khỏe tâm thần ở trẻ em Việt Nam” tại Hội trường Lê Văn Thiêm, 19 Lê Thánh Tông, Hà Nội vào ngày 17/12/2013
Nghiên cứu “SKTT của trẻ em Việt Nam: Thực trạng và các yếu tố nguy cơ” của nhóm tác giả PGS.TS Đặng Hoàng Minh - Trường ĐH Giáo dục, ĐHQGHN (chủ biên), PGS.TS Bahr Weiss - Trường ĐH Vanderbilt và ThS. Nguyễn Cao Minh - Phòng Tâm lý học lâm sàng, Viện Tâm lý học, mới đây cho thấy có từ 12-13% trẻ em Việt Nam (trong độ tuổi 6-16), tức là có khoảng 2.7 triệu trẻ em và vị thành niên trên toàn quốc gặp phải những vấn đề SKTT một các rõ rệt. Trong đó tỉ lệ trẻ gặp phải những vấn đề SKTT khá đa dạng ở các tỉnh và cao nhất ở Đà Nẵng, Thái Nguyên và Phú Xuyên, thấp nhất ở 2 tỉnh Hậu Giang và Hà Tĩnh.
Nghiên cứu được thực hiện ở 60 địa điểm thuộc 10 tỉnh đại diện của Việt Nam, bao gồm 1314 cha mẹ của trẻ từ 6-16 tuổi và 591 vị thành niên từ 12-16 tuổi.
Trong khi đó, theo khảo sát sức khỏe tâm thần học sinh trường học TP Hà Nội bằng công cụ thang SDQ của Tổ chức Y tế Thế giới chuẩn hóa Việt Nam của Dự án chăm sóc sức khỏe tâm thần học sinh trường học Hà Nội - Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương - Sở Y tế Hà Nội và Trung tâm Sức khỏe tâm thần quốc tế Đại học Melbourne, Australia cho thấy: 19,46 % học sinh trong độ tuổi từ 10-16 tuổi gặp trục trặc về sức khỏe tâm thần.
Theo bác sĩ Lê Đào Nghĩa, Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương, nguyên nhân của căn bệnh này có thể từ các yếu tố di truyền, tổn thương hệ thần kinh TƯ đến ảnh hưởng từ môi trường như bị bạo hành, bị thảm họa, mất người thân, cho đến sự bảo bọc, nuông chiều thái quá của những người xung quanh....
Vì vậy, khi gia đình phát hiện trẻ có dấu hiệu rối loạn tâm thần cần phải đưa đi điều trị sớm, rút ngắn được thời gian điều trị và khả năng khỏi bệnh cao. Trong chăm sóc và điều trị bệnh cần kết hợp liệu pháp hóa dược và phương pháp trị liệu tâm lý để giúp bệnh nhân nhanh chóng hồi phục và hòa nhập với cuộc sống. Trong đó, trị liệu tâm lý có vai trò quan trọng, giúp người bệnh giải quyết các vấn đề trong cuộc sống, hạn chế tối đa khả năng tái phát bệnh xảy ra.
Đặc biệt, không để bệnh kéo dài mới đi chữa vì bệnh có thể nặng hơn và phát triển thành bệnh lý rất khó chữa trị hoặc chữa trị rất lâu.
Bên cạnh công tác chăm sóc sức khỏe thể chất cho trẻ đã được đầu tư khá tốt trong thời gian qua, Chính phủ cũng có nhiều nỗ lực đáng kể trong công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần (SKTT) trẻ em và vị thành niên.
Chương trình Mục tiêu Quốc gia về SKTT được bắt đầu từ năm 1999. Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống một số bệnh xã hội giai đoạn 2006-2010 trong đó có “Dự án bảo vệ SKTT cộng đồng” đã được phê duyệt. Năm 2006, Bộ Y tế đã ban hành “Kế hoạch tổng thể quốc gia về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của vị thành niên và thanh niên Việt Nam, giai đoạn 2006-2010 và tầm nhìn 2020”. Trong đó, “Sang chấn về tâm thần và các vấn đề khác liên quan đến SKTT” được coi là một trong các nguy cơ chính đối với sức khỏe của vị thành niên và thanh niên Việt Nam.
Năm 2011, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phê duyệt đề án trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho những người có rối loạn tâm thần dựa vào cộng đồng. Đồng thời, sức khỏe tâm thần được xếp là một trong 5 vấn đề ưu tiên cần giải quyết của Kế hoạch trong giai đoạn 2006-2010. |