Thực phẩm vào Việt Nam: Nhập dễ, xuất khó

(Dân trí) - Thứ trưởng Bộ Y tế, GS.TS Nguyễn Thanh Long cho rằng, nguồn thực phẩm nhập từ nước ngoài vào Việt Nam quá dễ dàng. Trong khi đó, thực phẩm từ Việt Nam xuất đi các nước lại rất “chật vật” bởi nhiều tiêu chuẩn chưa đạt được.

Tại Hội nghị tổng kết hoạt động Ủy ban Tiêu chuẩn Thực phẩm Việt Nam (Ủy ban Codex Việt Nam) năm 2015 và phương hướng công tác năm 2016 diễn ra ngày ngày 3/12, Thứ trưởng Bộ Y tế phân tích nhiều nguyên nhân dẫn đến nguồn thực phẩm Việt Nam khó xuất sang các nước phát triển.

Theo Thứ trưởng,  có thể nhìn thấy trên thị trường Việt Nam tràn lan các loại rau, củ, quả, thịt, cá được nhập từ các nước như Australia, Newzealand, các nước châu Âu hay các nước khác. Trong khi đó, thực phẩm Việt xuất ngoại lại khó khăn.

Vậy nguyên nhân của tình trạng này là gì? Theo GS Long, nguyên nhân có thể là do các nước khác họ đánh giá sản phẩm chủ yếu dựa vào hàng rào kỹ thuật. Khi sản phẩm thực phẩm được xuất sang nước họ, họ thiết lập hàng rào kỹ thuật khá chặt chẽ, tiêu chuẩn cao. Trong khi đó, Việt Nam mong muốn bảo hộ cho các sản phẩm của chúng ta có chất lượng mà chưa thực hiện được.

Đặc biệt, sắp tới khi Việt Nam gia nhập TPP, Ủy ban Codex cần phải có những thay đổi và đưa ra nhiều khuyến nghị với các bộ ngành để bảo hộ cho sản phẩm của Việt Nam đạt chất lượng cao, mở ra con đường xuất ngoại nhiều hơn nữa các thực phẩm trong nước sản xuất.

Về vấn đề này, ông Vũ Ngọc Quỳnh - Tổng Thư ký, Giám đốc Văn phòng Ủy ban Codex Việt Nam chia sẻ, trong thời gian qua công tác điều phối, phối hợp thu thập ý kiến của các bộ, ngành, các cơ quan liên quan trong quá trình xây dựng ý kiến của Việt Nam đối với các dự thảo tiêu chuẩn Codex vẫn còn hạn chế. Hơn nữa do chưa xây dựng được một cơ chế phối hợp trao đổi thông tin với các đầu mối Codex tại các bộ ngành, lực lượng chuyên gia chưa thực sự được huy động đúng và kịp thời để tham gia vào công tác Codex.

Trong năm 2016, Ủy ban Codex Việt Nam đặt mục tiêu sẽ tập trung vào nhiều hoạt động, trong đó trọng tâm là việc rà soát hệ thống tiêu chuẩn Codex quốc tế, cập nhật những tiêu chuẩn mới ban hành, tùy theo mức độ cần thiết về yêu cầu sử dụng và thương mại để khuyến nghị chuyển đổi thành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia nhằm đáp ứng nhu cầu quản lý và tiêu dung cũng như kinh doanh sản xuất thực phẩm trong nước và xuất nhập khẩu.

Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, trong năm 2015, Ủy ban Codex Việt Nam đã tư vấn cho các cơ quan quản lý trong việc xây dựng các tiêu chuẩn Việt Nam, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thực phẩm; Cùng Thái Lan chủ trì biên soạn Quy phạm thực hành sản xuất nước mắm và xây dựng lập trường của Việt Nam đối với các Dự thảo tiêu chuẩn Codex quốc tế; phối hợp với các phòng chức năng của Cục An toàn thực phẩm, giải đáp các thông tin về phụ gia thực phẩm, chất nhiễm bẩn trong thực phẩm, thủ tục đăng ký thực phẩm do các quốc gia và doanh nghiệp nước ngoài yêu cầu.

Tú Anh