Trung Quốc khẳng định không có sữa gây dậy thì sớm
(Dân trí) - Hôm qua, Bộ Y tế Trung Quốc chính thức thông báo: không tìm thấy bằng chứng về sự ô nhiễm có trong sữa bột bị nghi là gây dậy thì sớm ở một số trẻ nhỏ.
Thông tin nghi ngờ sữa nhiễm hormone đã khiến người tiêu dùng càng cẩn thận hơn với các sản phẩm sữa dành cho trẻ nhỏ
Tại một cuộc họp báo ở Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ y tế Deng Haihua cho biết việc điều tra về hormone giới tính trong sữa bột Synutra và mẫu 20 thương hiệu khác cho thấy không phát hiện thấy hàm lượng nào vượt quá tiêu chuẩn cho phép của cả tiêu chuẩn quốc gia lẫn tiêu chuẩn quốc tế.
Trước đó, đầu tháng này, sữa công thức Synutra đã bị cho là gây ra dậy thì sớm ở ít nhất 3 trẻ em ở Hồ Bắc. Các trường hợp tương tự được báo cáo tương tự ở Quảng Đông, Sơn Đông, An Huy, Giang Tây, Bắc Kinh.
Ông Deng cho biết 42 mẫu sữa bột của Synutra đã được xét nghiệm cùng với 31 mẫu từ 20 nhãn hiệu khác, trong đó có cả mẫu sữa của những trẻ dậy thì sớm tại Vũ Hán (Hồ Bắc) và tại Bắc Kinh.
Giáo sư Wu Xueyan, một chuyên gia nội tiết, bệnh viện Cao đẳng y Bắc Kinh, cho biết: “Tuổi dậy thì tối thiểu” là đến 6 tháng tuổi đối với bé trai, đến 2 tuổi đối với bé gái. "Dậy thì tối thiểu" giống như là hậu quả của tình trạng tiết hooc-môn sẽ làm cho trẻ nhỏ phát triển sớm”, GS Wu giải thích.
Trẻ sơ sinh dưới 2 tuổi vốn rất nhạy cảm với tình trạng tiết hooc-môn có thể sẽ có bộ ngực phát triển.
Khi được hỏi về sự gia tăng của các trường hợp liên quan đến phát triển sớm trong thập kỷ qua, GS Wu cho rằng: "Tôi tin rằng các bậc cha mẹ sẽ phải quan tâm đến vấn đề này nhiều hơn sau sự việc này và điều này sẽ khiến nhiều bậc cha mẹ đưa con đi khám và kết quả là số ca chẩn đoán dậy thì sớm tăng lên”.
Nói về tính chính xác của các xét nghiệm, Shao Bing, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Bắc Kinh, cho biết: Các chuyên gia từ nhiều viện y khoa khác nhau đã cùng xét nghiệm trên 70 mẫu sản phẩm bột sữa. Các mẫu này do Bộ Y tế chuyển tới, từng mẫu được đánh số, trong đó có cả những mẫu sữa không có nhãn mác. Phương pháp xét nghiệm được áp dụng trong suốt Thế vận hội Olympic Bắc Kinh và được chứng minh là hiệu quả và an toàn.
Nhà nghiên cứu Sao cũng khẳng định: dù việc xét nghiệm hooc-môn không phải là quy chuẩn bắt buộc và khá tốn kém nhưng sẽ được cơ quan quản lý thực hiện thường xuyên. Và trong tương lai gần, sẽ ban hành các quy định và tiêu chuẩn đầy đủ để kiểm tra các sản phẩm sữa công thức.
Ngành công nghiệp sữa của Trung Quốc đã từng mang tai tiếng vào cuối năm 2008 do sữa có chất melamine khiến 6 trẻ em thiệt mạng và 300.000 em khác bị bệnh. Vụ này đã khiến các sản phẩm chế biến từ sữa của Trung Quốc bị ồ ạt rút khỏi các thị trường thế giới và gây tâm lý hoảng loạn ở Trung Quốc.
Nhân Hà - Việt Hà
Theo Chinadaily