1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Đại biểu quốc hội Trần Thị Quốc Khánh:

Thực phẩm bẩn dẫn đến chết người

“Việc dùng thực phẩm bị ô nhiễm, dẫn đến bị ung thư, chết người là có thật. Đến các bệnh viện bây giờ mà xem, ngày càng nhiều bệnh nhân, nhất là bệnh ung thư, thật là quá tải”, ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cho biết.

 

Đại biểu quốc hội Trần Thị Quốc Khánh

Đại biểu quốc hội Trần Thị Quốc Khánh
 

Tôi đi chợ cho cả tuần

 

Là Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, đồng thời là Ban Thường trực Nhóm Nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam, vừa thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, vừa thực hiện nhiệm vụ đại biếu của dân, hẳn công việc của bà rất bận rộn. Bà có thường tự mình đi chợ không? Kinh nghiệm đi chợ trong cái thời an toàn thực phẩm chưa bảo đảm như thế này của bà như thế nào?

 

ĐB Trần Thị Quốc Khánh: Để hoàn thành các công việc đó thì nói chung tôi cũng phải dành nhiều thời gian. Tuy nhiên, tôi vẫn thích đi chợ, nhưng tôi không có điều kiện đi chợ hàng ngày mà chỉ dành 2- 3 lần trong một tuần để đi chợ.

 

Hoặc là đến cửa hàng rau sạch ở đường Phạm Ngọc Thạch của Tổng công ty rau quả sạch Việt Nam, ở đó mặt hàng khá phong phú, người mua đông, xếp hàng như thời bao cấp; hoặc có khi tôi đi siêu thị, cùng lắm thì tôi mua của mấy chị bán hàng mình quen mua ở gần nhà hoặc ở trong một số chợ nào đó. Mỗi lần như thế tôi phải tranh thủ mua khá nhiều về để dùng dần trong tuần.

 

ĐB Trần Thị Quốc Khánh. Ảnh Tuổi trẻ TP.HCM

 

 Kiểu như “người tiêu dùng thông thái”, thưa bà? Nhưng có thể vì người tiêu dùng Việt Nam “dễ tính” quá nên nhà sản xuất không sợ các quy định của pháp luật?

 

Nói chung pháp luật khá đầy đủ rồi nhưng vấn đề an toàn thực phẩm vẫn là nỗi lo lắng của rất nhiều người, nhất là dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ sắp đến gần. Từ gà nhập lậu thải loại, rồi thịt lợn không qua kiểm dịch, rau quả bảo quản bằng chất độc hại, đến rượu tây giả, bánh mứt kẹo không nhãn mác hoặc tẩy xóa, lùi thời hạn sử dụng…không hiếm gặp trên thị trường tự do.

 

Tuy nhiên, tôi không nghĩ tất cả người tiêu dùng Việt Nam đều dễ tính như thế. Thực tế là vẫn còn nhiều người dân chỉ quan tâm đến lợi ích của mình, của gia đình mình, làm ăn nhỏ lẻ, chưa thực sự quan tâm đến sức khỏe, lợi ích của cộng đồng, nên sẵn sàng làm ăn gian dối. Lại thêm việc các cơ quan chuyên môn vẫn dung túng trong việc hướng dẫn, kiểm tra cấp dưới, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm.

 

Với sự “phù phép” của các loại hóa chất không ai biết như hiện nay, theo bà, sức khỏe của con người trong xã hội sẽ như thế nào?

 

Theo các nhà khoa học, chuyên gia y tế, những người bị ngộ độc cấp tính thì có biểu hiện ra bên ngoài và được chữa trị ngay. Còn những người bị ngộ độc khác thì chất độc hại cứ tích dần trong cơ thể. Việc dùng thực phẩm bị ô nhiễm, dẫn đến bị ung thư, chết người là có thật. Đến các bệnh viện bây giờ mà xem, ngày càng nhiều bệnh nhân, nhất là bệnh ung thư, thật là quá tải.

 

Nghịch lý nước nông nghiệp ăn bẩn

 

Từ phía người sản xuất, dường như càng ngày họ càng tạo ra nhiều sản phẩm độc hại hơn? Cách đây 10 năm, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm không “nóng” như bây giờ, thưa bà?

 

Đúng là hơn 10 năm trở về trước, vấn đề an toàn thực phẩm chưa bức xúc như bây giờ. Xa hơn trở về trước, khi tôi còn nhỏ, không có chuyện an toàn thực phẩm cấp bách như bây giờ. Đi thuyền trên sông, khát nước thì cứ vục cái nón xuống giữa dòng là uống được.

Còn bây giờ chẳng ai dám làm thế. Thực ra, mặt trái của công nghiệp hóa, hiện đại hóa, kinh tế thị trường là ô nhiễm môi trường, làm ăn gian dối. Người sản xuất thì lạm dụng hóa chất, phụ gia, công nghệ mới, miễn là giảm giá thành sản phẩm tới mức tối đa; người tham gia lưu thông hàng hóa cũng lạm dụng hóa chất, công nghệ để bảo quản, làm hàng bắt mắt hơn, miễn làm sao thu lợi nhuận tối đa.

 

Ở nhiều miền quê bây giờ, trong mảnh vườn của không ít người nông dân chia thành hai luống, một luống trồng rau để gia đình sử dụng, một luống rau khác để bán. Luống rau để ăn thì chăm bón sạch, không hóa chất, thuốc kích thích, còn luống để bán thì phun đủ thứ, miễn sao lá xanh mướt, bóng bẩy, bắt mắt người mua.

 

Tuy nhiên không phải ai cũng làm thế. Hôm rồi tôi về thăm gia đình một chị là Chi hội trưởng phụ nữ của một thôn, món quà quý nhất chị dành cho khách là túi rau quả sạch, tự tay gia đình chị trồng, hái. Trông mảnh vườn tươi tốt, xanh mướt rau và quả trĩu cành, tôi biết chị đã phải bỏ rất nhiều công chăm bón, để thực sự là rau sạch, quả lành.

 

Chưa bao giờ món quà quê trở nên quý giá đối với người thành phố lại chính là rau quả sạch như bây giờ. Vì vậy, tôi không dám dùng hết mà chia cho các gia đình khác, “hoa thơm mỗi người hưởng một tí”, ai cũng rất vui mừng vì món quà ý nghĩa này.

 

Với hiện trạng thực phẩm không an toàn trên thị trường, lòng tin của người tiêu dùng vào người bán, vào đạo đức kinh doanh liệu có mai một, thậm chí không còn nữa?

 

Công bằng mà nói, nghề nông là nghề rất vất vả, người sản xuất nhỏ lẻ, nếu không đủ kiến thức, kỹ thuật, thì nếu có người truyền tai nhau sử dụng thuốc kích thích này, hóa chất kia cho năng suất cao, sản phẩm bắt mắt thì người ta làm thôi.

 

Trong khi đó, ở các chợ nông thôn người dân tiếp cận các loại thuốc tăng trọng, chất độc hại lại quá dễ dàng. Có lần tôi đến một chợ ở miền núi thấy người ta bày bán những gói thuốc kích thích tăng trọng không rõ nguồn gốc. Cứ như thế người dân mách nhau tự mua về mà sử dụng, làm gì mà không độc hại.

 

Có phải là nghịch lý không khi một nước nông nghiệp mà người dân phải ăn nhiều thức ăn độc hại đến như thế?

 

Đúng là có nghịch lý. Câu hỏi này nên dành cho Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.

 

6 Bộ không lo nổi mâm cơm?

 

Gần đây, Bộ Y tế đưa ra những biện pháp giúp người dân tránh ăn phải thực phẩm không an toàn như hướng dẫn cách chọn rau thịt, măng…. Nhưng có ý kiến cho rằng, làm như vậy có nghĩa là bất lực trước tình trạng thực phẩm bẩn, chấp nhận “sống chung với lũ”. Quan điểm của bà như thế nào? Bà có tin nỗ lực này của Bộ Y tế sẽ giúp cải thiện tình hình không, vì sao ạ?

 

Luật An toàn thực phẩm quy định Bộ Y tế có trách nhiệm cảnh báo về ngộ độc thực phẩm, vì vậy, việc Bộ đưa ra khuyến cáo, hướng dẫn cách chọn thực phẩm an toàn cũng là rất cần thiết. Thực tế cho thấy cuộc đấu tranh phòng, chống thực phẩm bẩn, không an toàn thì một mình Bộ Y tế nỗ lực cũng không thế làm được.

 

Ngoài sự chung tay nỗ lực của các Bộ, ngành hữu quan, còn phải có sự tham gia tích cực của chính quyền các địa phương, nhất là ở xã, phường, thị trấn- nơi nắm chắc các cửa hàng, quán xá trên địa bàn. Họ phải có lực lượng, được tập huấn kỹ năng, chủ động kiểm tra, xử lý kịp thời vi phạm hành chính các chủ cửa hàng, quán xá vi phạm. Tiếc rằng, những cơ chế, chính sách, hỗ trợ cho chính quyền xã, phường, thị trấn trong công tác này còn rất mờ nhạt.

 

Nhìn ở góc độ quản lý Nhà nước, theo Luật ATVSTP, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Bộ Công thương được chỉ định quản lý mâm cơm của người dân nhưng vẫn làm không nổi. Bà bình luận như thế nào về điều này?

 

So với trước khi có Luật An toàn thực phẩm, tôi thấy trách nhiệm của các Bộ bây giờ khá rõ ràng rồi.

 

Bộ Y tế được phân công chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn quản lý đối với sản xuất ban đầu nông, lâm, thủy sản, và trong suốt quá trình sản xuất, thu gom, giết mổ, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh đối với ngũ cốc, thịt và các sản phẩm từ thịt, thủy sản và sản phẩm thủy sản, rau, củ, quả và sản phẩm rau, củ, quả, trứng và các sản phẩm từ trứng, sữa tươi nguyên liệu, mật ong và các sản phẩm từ mật ong, thực phẩm biến đổi gen; Bộ Công thương chịu trách nhiệm quản lý trong suốt quá trình sản xuất, chế biến, bảo quản, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh đối với các loại rượu, bia, nước giải khát, sữa chế biến, dầu thực vật, sản phẩm chế biến bột và tinh bột và các thực phẩm khác…

 

Một điểm mới nữa là sự phối hợp giữa các ngành nhìn chung cũng có chuyển biến hơn. Vừa qua, Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phat triển nông thôn đã có cuộc cùng phối hợp kiểm tra về an toàn thực phẩm ở đại phương. Tôi cho đấy là dấu hiện rất đáng mừng. Cần thường xuyên phối hợp với nhau, với các địa phương để khắc phục tình trạng thiếu người ở từng Bộ hiện nay.

 

Theo Hoàng Hạnh
Đất Việt