1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Thức khuya và dậy muộn vào cuối tuần hại sức khoẻ thế nào?

(Dân trí) - "Social jet lag" (lệch múi giờ xã hội) là thuật ngữ mô tả điều xảy ra khi mọi người đi ngủ và thức dậy vào ngày nghỉ cuối tuần muộn hơn so với những ngày đi làm. Một nghiên cứu mới đây đã đánh giá tác động của tình trạng này đối với sức khoẻ.

Nghiên cứu mới gợi ý rằng đi ngủ và thức dậy muộn hơn vào ngày nghỉ cuối tuần so với ngày thường có thể gây ra những hậu quả xấu đối với sức khoẻ.
Nghiên cứu mới gợi ý rằng đi ngủ và thức dậy muộn hơn vào ngày nghỉ cuối tuần so với ngày thường có thể gây ra những hậu quả xấu đối với sức khoẻ.

Nghiên cứu mới được đăng trong phụ bản của tạp chí Sleep.

Các nghiên cứu trước đây đã gợi ý rằng “lệch múi giờ xã hội” có thể gây những hậu quả xấu đối với sức khoẻ. Một số đã liên hệ nó với béo phì, trong khi những nghiên cứu khác cho rằng tình trạng này có thể làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch và đái tháo đường.

Nghiên cứu mới được tiến hành bởi TS Michael A.Garner, giám đốc Chương trình nghiên cứu về giấc ngủ và sức khoẻ của Đại học Arizona, Mỹ đã khảo sát số liệu của 984 người trưởng thành từ 22 đến 60 tuổi.

Nhóm nghiên cứu đã đánh giá về tình trạng “lệch múi giờ xã hội” bằng Bảng câu hỏi giờ ngủ, và tính số giờ lệch bằng cách lấy giờ giữa giấc ngủ của ngày thường trừ đi giờ giữa giấc ngủ của ngày nghỉ.

Họ cũng đánh giá về mất ngủ thông qua chỉ số Mức độ mất ngủ và có tính đến các yếu tố phụ có thể ảnh hưởng đến kết quả, bao gồm tuổi, giới tính, chủng tộc và sắc tộc, trình độ học vấn, tình trạng việc làm, thu nhập và thời gian ngủ.

Các đối tượng đã báo cáo về tình trạng sức khoẻ chung của mình thông qua thang đo được chuẩn hóa, với các lựa chọn là "Rất tốt ", "Tốt" hoặc "Trung bình/Kém ".

Sử dụng các thang đo chuẩn bổ sung, TS Grandner và nhóm cũng kiểm tra về trầm cảm, mệt mỏi, buồn ngủ, và có tiền sử bệnh tim mạch.

Nghiên cứu cho thấy có mối liên quan giữa “lệch múi giờ” xã hội và tâm trạng tồi tệ, buồn ngủ, và mệt mỏi, cũng như sức khoẻ kém hơn.

Sierra B. Forbush, một tác giả của nghiên cứu nhận xét: "Những kết quả này cho thấy ngủ và thức dậy đúng giờ, chứ không chỉ là thời gian ngủ, đóng một vai trò quan trọng trong sức khoẻ.

Điều này cho thấy giờ ngủ ổn định có thể là một cách điều trị dự phòng hiệu quả, khá đơn giản và không tốn kém cho bệnh tim cũng như nhiều vấn đề sức khỏe khác".

Cụ thể hơn, cứ một giờ “lệch múi giờ xã hội” thì nguy cơ phát triển bệnh tim lại tăng 11,1%.

Hơn nữa, cứ mỗi giờ lệch với giờ của ngày thường có liên quan với tăng 22,1% khả năng có sức khỏe “tốt” và tăng 28,3% khả năng có sức khoẻ "trung bình/kém", so với sức khoẻ "Rất tốt”.

Các kết quả không phụ thuộc vào chứng mất ngủ hay thời gian ngủ, do đó bản thân việc “lệch múi giờ” là thủ phạm gây ra những kết quả sức khoẻ này.

Thêm vào đó, nghiên cứu thấy rằng những người chỉ học hết phổ thông thường có tình trạng “lệch múi giờ xã hội” nhiều hơn những người đã tốt nghiệp đại học, và những người có thu nhập cao nhất có số phút “lệch múi giờ xã hội” nhiều hơn so với những người kiếm được ít tiền hơn.

Viện Y học giấc ngủ Mỹ (AASM) khuyên người lớn cần ngủ ít nhất 7 giờ mỗi đêm để có " sức khoẻ tối ưu".

Ngoài ra, AASM gợi ý những người trẻ tuổi đang cố “ngủ bù”, và những người bị ốm đều được lợi nếu ngủ hơn 9 giờ mỗi đêm.

Cẩm Tú

Theo Medical Daily