Thực hư tác dụng chữa bệnh của “trư sa” giá trăm triệu?
Vật thể lạ trong dạ dày lợn thường được gọi là “trư sa” liệu có tác dụng chữa bệnh và giá bán cao ngất ngưởng hay không?
Liên quan tới vật thể lạ trong bụng của một con lợn nái mà gia đình ông H.Q.V (ngụ thị trấn Quy Đạt, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) phát hiện được, các chuyên gia y học khẳng định nó không có tác dụng chữa bệnh cũng như không có giá trị mua bán như một vị thuốc.
Vật thể lạ mà gia đình ông V. phát hiện khi mổ lợn được mô tả là có mùi thơm, xung quanh có lông màu xanh rêu, nặng hơn 1kg và dài gần 0,3m. Hiện đã có người trả giá hàng trăm triệu đồng nhưng ông chưa bán. Theo ông V., vật này từng có nhiều người tìm được và đặt tên là “cát lợn” hay “trư sa”.
Trước thông tin trên, bác sĩ Văn Công Viên - Phó khoa Khám bệnh của Bệnh viện Y dược học dân tộc TP.HCM cho biết, trong Đông Y không có định nghĩa nào về “cát lợn” hay “trư sa”, và Đông Y cũng không sử dụng bất kỳ vật gì trong dạ dày của lợn để làm thuốc.
Bác sĩ Viên cho biết thêm, theo các tài liệu y học, chỉ có sỏi mật của trâu, bò (ngưu hoàng), sỏi mật của ngựa (mã bảo) hay sỏi mật của chó (cẩu bảo) mới được dùng để điều chế các vị thuốc thanh tâm, giải nhiệt, lợi đàm, trị co giật, khai khiếu, giải độc,...
“Các loại sỏi mật nói trên hình thành trong quá trình cặn lắng của can-xi trong các túi mật. Còn “trư sa” trong bao tử heo thật ra là những chất cặn bã không thể tiêu hóa được và cũng không thể tống ra ngoài theo đường ruột, nên theo thời gian chúng đọng, quắn lại thành một cục”, bác sĩ Viên nói.
Theo bác sĩ Viên, vật thể này thường xuất hiện ở heo nái nuôi lâu năm, bởi heo nái thường ăn tạp để nuôi con nên nó có thể nuốt luôn các loại lông, tóc vào trong dạ dày. Về mùi hương của “trư sa” khi đem phơi, bác sĩ Viên cho rằng, đó là có thể mùi hương của các loại rau lá, dây khoai lang,... bị quấn, bám vào những sợi lông, tóc nói trên.
Đồng quan điểm, GS.TS Trần Quốc Bình - Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương cho biết, trong Đông Y không có vị thuốc nào được gọi là “cát lợn” hay được lấy từ dạ dày lợn để chữa bệnh. Người dân không nên tin vào những thông tin thổi phồng, không có căn cứ như vậy.
Theo các lương y, nhiều người bệnh cũng như người nhà của họ rất dễ bị “tiền mất, tật mang” nếu không tỉnh táo trước những thông tin đồn thổi, không có cơ sở khoa học. Người bệnh cần đến bệnh viện hay các cơ sở y tế đã được cấp phép để khám chữa bệnh bằng những phương pháp khoa học.
Theo Ngọc Phạm
Pháp luật TPHCM